Đồng Sĩ Nguyên - Vị tướng gắn với con đường huyền thoại

Hồ Cúc Phương 04/04/2019 22:19

(Baonghean.vn) - Trong chiến tranh, ông góp phần quan trọng biến Trường Sơn thành con đường không thể phá hủy, với một sức sống mạnh mẽ vô biên. Và ở thời bình, tên ông vẫn tiếp tục gắn bó với con đường, như một mối duyên tiền định. Gắn bó bằng bao năm bôn ba trận mạc, bằng dòng chảy ký ức chẳng bao giờ vơi cạn. Và bằng tình yêu của cả trái tim.

Chẵn chục năm về trước, tôi đã từng được gặp ông. Để trò chuyện, để viết về ông, nhân con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại đón tuổi 50.

Nhớ hôm ấy, sức khỏe ông đã rất kém. Máy trợ thính cùng máy trợ tim đồng hành cùng ông suốt bốn tiếng kiên nhẫn ngồi tiếp chuyện tôi. Mặc anh cần vụ trẻ măng ra vào đầy vẻ sốt ruột, ông cười hiền hậu, xua tay mỗi lần thấy anh nhấm nháy nhắc tôi dừng phỏng vấn.

Cái năm 2009 ấy, vị tư lệnh huyền thoại của con đường cũng đã đi vào huyền thoại cùng lúc đón hai niềm vui lớn. Đường mòn Trường Sơn sẽ kỷ niệm tuổi 50. Và ông sẽ đón mùa xuân thứ 70 đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Lúc ấy, Tướng Đồng Sĩ Nguyên đã sang tuổi 86, nhưng bộ óc của nhà cầm quân thao lược vẫn còn rất mẫn tiệp. Trong cuộc chuyện trò cởi mở dành cho kẻ hậu sinh - là tôi, những cái mốc thời gian, những sự kiện, con số, những kế sách làm nên “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” vẫn được ông kể lại rõ ràng, khúc triết. Như đang lần giở lại từng trang sách. Như đang xem lại những thước phim quay chậm của cả một đời binh nghiệp hiển hách đã qua.

“Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”

Trong một bài viết đăng tải trên tờ nhật báo quân đội Mỹ (Armed Forces Journal) cách đây đã bốn chục năm, nhà báo George Weiss nhận định: “Đường HCM lúc đầu chỉ dựa trên hàng trăm lối mòn dân đi thú chạy. Vậy mà đến nay, nó đã trở thành con đường của xe cơ giới. Nhưng đáng sợ hơn, nó không chỉ đơn thuần là con đường vận tải tiếp tế mà đã trở thành mạng lưới đường phức tạp quanh co ra hàng chục, hàng trăm ngả. Tất cả sự phức tạp ấy được những cán binh cộng sản miền Bắc có trình độ tổ chức rất cao biến thành một trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”.

Với vị tướng có công “biến cải” ấy, ông chỉ được lần đầu biết tới cụm từ mà báo chí phương Tây nể phục dành tặng tuyến đường huyết mạch nối hậu phương lớn với tiền tuyến lớn ấy qua lời Thượng tướng Hoàng Minh Thảo - khi đó là Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ảnh: Hoàng Thùy
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ảnh: Hoàng Thùy

Cũng theo giới truyền thông phương Tây, “Hệ thống đường Trường Sơn không đơn thuần là tuyến đường giao thông, mà thực sự trở thành chiến trường khốc liệt giữa nỗ lực của chính phủ miền Bắc chi viện cho những người cộng sản miền Nam và lực lượng Mỹ cùng đồng minh. Mỹ đã tìm đủ mọi cách từ thô sơ tới hiện đại nhất để nhằm cắt đứt con đường vận tải chiến lược này, từ khí tài điện tử, vũ khí thời tiết, hóa học đến hành quân, càn quét, biệt kích phá hoại… Nhưng kết quả là con đường vẫn hoạt động”.

Trong suốt quãng thời gian tám năm ác liệt nhất mà ông đảm nhiệm vị trí Tư lệnh (1967 -1975), từ một con đường nhỏ độc đạo, đường mòn HCM đã trở thành tuyến giao thông vận tải rất lớn, với quân số lúc cao điểm nhất lên tới 12 vạn người, phiên chế thành 8 sư đoàn cùng một sư đoàn cao xạ tên lửa phối thuộc. Khi ông vào tiếp nhận, lực lượng vận tải mới có 5 tiểu đoàn với 750 xe. Con số đó đã phát triển thành hai sư đoàn vận tải, với 10000 xe liên tục hoạt động vài năm sau đó. Phá thế độc đạo, đường Trường Sơn đã phát triển thành một hệ thống phức tạp với 16.700km đường bộ (trong đó có hơn 800km đường kín, 1.500km đường rải đá, 200km đường nhựa. Bên cạnh đó là 1.500km đường ống dẫn xăng dầu, 1.350km đường dây cáp thông tin, 3.800km đường giao liên và 500km đường sông.

Ông cùng Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo tạo mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc Bắc - Nam, Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả ba nước; nhiều trục ngang nối hai sườn Đông Tây, nối tất cả các chiến trường tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn và đồng bộ, đa dạng và kỳ hình. Sáu trục dọc và 21 trục ngang đã tạo nên một con đường Trường Sơn kỳ vĩ, với điểm đầu là Tân Kỳ - Nghệ An và điểm cuối là Lộc Ninh - Bình Phước thuộc miền Đông Nam Bộ. Mạng lưới cầu đường nhằng nhịt ấy, như những mao mạch ngày đêm cần mẫn vận chuyển máu từ trái tim đi cung cấp dưỡng chất và nuôi sống mọi ngóc ngách cơ thể đất nước. Từ vận tải đơn thuần, ta đã chuyển sang hình thức vận tải trong chiến đấu, dưới sự chiến đấu tổng hợp của binh chủng hợp thành. “Trận đồ bát quái” tài tình đã thành hình.

Tướng Đồng Sĩ Nguyên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu
Tướng Đồng Sĩ Nguyên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Vị tướng "nhất dạ sinh bách kế”

Nắm giữ trọng trách “điều binh khiển tướng” cả một con đường - một chiến trường dài cả ngàn cây số, với cả chục vạn quân đòi hỏi vị tư lệnh một tầm quản lý, chỉ huy, phối hợp tốt và đặc biệt phải có hiểu biết rộng trên nhiều lĩnh vực. Với trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, “chúng tôi không bao giờ cho phép cái đầu ngừng suy nghĩ, được ngơi nghỉ tư duy. Thua keo này bày keo khác, cách này không thành thì phải đổi ngay cách khác”.

Và cái đầu không ngừng tư duy ấy đã mang lại cho vị tư lệnh Đoàn 559 một tên gọi riêng, vị tướng “một đêm nghĩ ra trăm kế”.

Với trận địa phòng không, ông chuyển từ chỗ bố trí đánh bằng trận địa ở các trọng điểm đến kết hợp trận địa với cơ động phục kích, chuyển từ đánh bằng lực lượng cao xạ các cỡ sang kết hợp với tên lửa.

Đường - cầu đã trở thành mặt trận nóng bỏng nhất, bức xúc nhất vì chỉ cần địch đánh phá làm tắc nghẽn một điểm trên tuyến giao thông huyết mạch là vận tải lập tức ngừng trệ. Nhận thấy nguyên nhân chính là do ta chỉ sử dụng đường độc đạo theo trục dọc và trục ngang, ông chỉ đạo chuyển sang phá thế độc đạo, kết hợp phòng không và bộ binh mạnh, mở thêm nhiều trục dọc, trục ngang, đường vòng, đường tránh. Làm được như thế, “địch cứ đánh, ta cứ đi” không đơn thuần chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành một thực tế rất khả quan.

Cũng chính ông nhận ra, bộ đội lái xe phải quân sự hóa, chiến đấu hóa. Không chỉ vận tải đơn thuần như trong thời bình mà phải áp dụng theo chiến thuật quân sự (di chuyển theo đội hình, thê đội, có chỉ huy trực tiếp, có lực lượng phục vụ như: đội sửa chữa lưu động, kích kéo, đội nghi binh, đội cứu chữa thương binh… kết hợp xây dựng hệ thống quân sự dày đặc trên khắp các cung đường).

Ban đầu, xe chỉ dám chạy ban đêm, tốc độ chậm, cự li ngắn, lại mất rất nhiều thời gian cho việc bốc lên, hạ hàng xuống. Từ lấy đêm làm chính, ông chỉ đạo chạy sáng sớm - cuối chiều rồi tiến tới di chuyển ban ngày, trên từng đoạn ngắn dưới những tán rừng rậm rạp để rồi cuối cùng nối các đoạn ngắn thành tuyến dài gần ngàn km.

Để giữ an toàn, ông chọn cách nghi binh bằng một số cung đường công khai. Xe hỏng, xe cũ nát đều đặn chạy đi chạy lại, lưới lửa phòng không thường xuyên giáng trả máy bay để hút sự chú ý của địch ra phía đó. Để rồi, trên những cung đường kín nằm đâu đó trong rừng già đại ngàn, những đoàn xe rì rầm nối đuôi nhau chở người, hàng hóa và vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt, góp một phần lớn cho đất nước trọn ngày vui toàn thắng.

Tướng Đồng Sĩ Nguyên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bộ đội Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Vị tư lệnh với trái tim đôn hậu

“Trong cuộc chiến này, khi mà đối phương huy động tối đa sức mạnh tổng lực hòng xóa đường Trường Sơn, khi mà biết bao đồng chí đồng bào đã ngã xuống, đã nằm lại vĩnh viễn với những đồi lau xơ xác, những bìa rừng khuất nẻo vì sự sống của con đường, vì sự toàn thắng của chiến dịch…, nếu như ai có ý định thi vị hóa hết thảy sẽ là tội lỗi. Nhưng nếu không tìm thấy cội nguồn chiến thắng từ bước chân nhún nhảy của những chàng trai cô gái Pa Cô trên đường tải đạn trong âm vang réo rắt của tiếng đàn Ta Lư, hay điệu lăm vông của những nam nữ quân giải phóng Lào sau từng trận đánh thì cũng khó lý giải hết tầm thế của chiến công này, và vì sao ta chiến thắng”.

Vị tướng già đầu bạc đã bồi hồi ghi lại những dòng hồi ức đầy xúc động ấy, trong cuốn sách Đường xuyên Trường Sơn ra mắt độc giả cả nước vào đúng 20 năm trước, khi con đường bất tử tròn tuổi 40.

Hơn ai hết, vị tư lệnh hiểu rất rõ cái giá phải trả cho ngày toàn thắng, đau đến tận đáy tim với những máu xương đã đổ cho con đường trường tồn cùng lịch sử dân tộc. “Thắng lợi của tuyến chi viện Trường Sơn thuộc về những cống hiến lớn lao, sự hy sinh cao cả của 120.000 người con ưu tú đã dốc hết sức lực, máu xương và cống hiến trọn thời xuân sắc để xây dựng, duy trì sức sống, sức chiến đấu mãnh liệt của con đường trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Hơn hai vạn đồng chí đã anh dũng hi sinh, hơn ba vạn người bị thương và biết bao người bị chất độc của Mỹ gây nên tật nguyền cho bản thân và hậu họa khôn lường cho nòi giống. Khoảng 14.500 xe máy các loại, hơn 700 khẩu pháo, hơn 90.000 tấn hàng hóa bị hư hỏng hoặc bắn cháy”. Tất cả để huyết mạch tuyến chi viện chiến lược luôn thông suốt, cho ngày toàn thắng ngày một gần lại.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ảnh: TTO
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ảnh: TTO

Là một trong số những nhà cầm quân được cả thế giới biết đến, bởi tài thao lược gắn chặt với đường mòn Hồ Chí Minh nhưng trung tướng Đồng Sĩ Nguyên rất hiếm khi chịu nói về mình. Trong dòng hồi ức Trường Sơn đang cuồn cuộn chảy, đại từ nhân xưng mà ông lựa chọn để kể tôi nghe luôn luôn là “chúng tôi”. Và những cái tên đồng đội đã ngã xuống, những sự hi sinh cao cả mà thầm lặng ông từng chứng kiến suốt những năm tháng ác liệt nhất “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” khiến trái tim ông, đến tận hôm nay, vẫn chưa thôi đập những nhịp buồn đau, hoài nhớ. Bao năm nay, ông vẫn dành thời gian tới thăm gia đình những đồng đội từng thân thiết, gắn bó bên nhau nay đã nằm lại nơi nghĩa trang Trường Sơn thăm thẳm. Bao nhiêu cuộc gặp là bấy nhiêu lần nước mắt ông lại chảy. Nhớ rừng, nhớ anh em nhưng tuổi cứ ngày một cao, sức mỗi ngày một yếu, làm sao có thể đi cho xuể?

Khóe mắt ông ầng ậng nước, khi nhớ về bữa cơm đạm bạc với một tiểu đoàn nữ thanh niên xung phong, về lời đề nghị rất đỗi thân thương, “nếu có quả bồ kết, thủ trưởng gửi cho chúng em xin một ít”. Để rồi, ông gửi lòng yêu thương pha lẫn vị xa xót trong những trang hồi ức, “Giờ đây, khi các phương tiện thông tin đại chúng suốt ngày quảng cáo các loại mỹ phẩm chăm chút mái tóc của các cô gái, tôi lại thắt lòng nhớ về chút đòi hỏi nhỏ nhoi của những cô TNXP ngày ấy. Khi mới vào tuyến, những mái đầu con gái đồng chiêm tuổi đôi tám mượt mà hương bưởi, hương chanh nhưng sau vài trận sốt rét rừng chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc. Và giờ đây, còn biết bao chị em trong số đó đi gần hết cuộc đời vẫn đơn lẻ, không chồng, không con…”

Cái nhìn mặc định, các vị tướng đều là người thét ra lửa xem ra không chính xác với ông. Vóc dáng cao to, cách nói năng dứt khoát, ông có vẻ ngoài đúng chất “con nhà võ”. Nhưng ẩn sâu bên trong lồng ngực của ông là một trái tim rất đỗi nhân hậu, luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm và chia sẻ với cấp dưới. Bằng những hành động cụ thể, vì ông là con người của thực tiễn, không ưa hình thức, lý luận và rất ít nói.

Với những người lính đã một thời vào sinh ra tử nơi Trường Sơn “nắng đốt, mưa quay”, ông luôn là vị tư lệnh kính mến, trong cả thời chiến lẫn khi đã thời bình. Dựng vợ, gả chồng, cất nhà hay làm kinh tế, việc gì họ cũng tham khảo ý kiến ông, cũng trân trọng mời ông về tham dự.

Cuộc đời và sự nghiệp Tướng Đồng Sĩ Nguyên gắn liến với con đường Trường Sơn huyền thoại. Ảnh tư liệu
Cuộc đời và sự nghiệp Tướng Đồng Sĩ Nguyên gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại. Ảnh tư liệu

Bảy thập kỷ đóng góp sức mình cho dân, cho nước, ông chẳng có nhiều thời gian cho mái ấm nhỏ bé của mình. Suốt những năm dài chiến tranh, những vất vả lo toan của người vợ đảm mà ông được chứng kiến trong những giờ phép tranh thủ tạt qua Hà Nội ngắn ngủi cũng theo ông vào trang viết. “Thực ra, từ ngày lấy nhau, suốt hai cuộc kháng chiến, tôi luôn ở chiến trường. Tất tật việc gia đình đều trông vào vợ. Một nách một chùm con (ông và bà Ngọc Lan có tất cả sáu người con - bốn trai, hai gái), mọi việc vợ tôi đều lo trọn. Việc nước, việc nhà tưởng như oằn hai vai bé bỏng của người phụ nữ. Nhưng đâu chỉ có mình tôi, cả thế hệ chúng tôi đa phần đều như vậy”.

Và câu hỏi của cô con gái út Thu Hiền năm 1967, “bao giờ chúng con được về hẳn Hà Nội hà bố?” đã theo ông trên suốt dọc đường hành quân. Để rồi cùng cả dân tộc, phải 8 năm sau ông mới có được lời giải đáp cho thắc mắc rất đỗi trẻ thơ đó.

Trong phòng khách của gia đình trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, đặt trang trọng trên bàn thờ có tấm hình một thanh niên rất trẻ, mang nét đẹp cương nghị và rắn rỏi được thừa hưởng từ bố. Đó là người con trai thứ tư - thượng úy Nguyễn Tiến Quân. Anh là lính pháo 130 ly, từng chiến đấu bên ông trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Và anh dũng hi sinh tại Đồng Đăng, trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Vậy là trong ký ức hào hùng về cuộc chiến của người cha, có thêm một mảnh nhói đau, khi bên cạnh những đồng đội đã đi xa còn có phần xương thịt của đứa con yêu.

Dâng trọn cuộc đời cho con đường huyền thoại

60 năm trước, giữa đại ngàn sâu thẳm, một con đường mòn đã ra đời trong quyết tâm sắt đá của cả dân tộc. Bao máu xương đã đổ dưới mỗi bước chân đi, song từ những bước chân dũng mãnh ấy, chiến thắng đã nở hoa và con đường đã biến thành huyền thoại. Nửa thế kỷ sau, đường mòn đã thành đại lộ. Huyền thoại Trường Sơn tiếp tục được viết thêm trang mới.

Trong quá trình xây dựng đường HCM, ông được Thủ tướng Võ Văn Kiệt coi là người thích hợp nhất để giao nhiệm vụ đặc phái viên chính phủ chỉ đạo xây dựng tuyến đường quan trọng này. Đường dây tải điện 500KV, rồi dự án đường Trường Sơn công nghiệp hóa thành hình. Con đường ấy sẽ chạy qua 30 tỉnh thành, với tổng chiều dài toàn tuyến 3167 km, nối Pắc Bó (Cao Bằng) với Đất Mũi (Cà Mau) và có quy mô từ 2 tới 8 làn xe tùy theo từng địa hình.

Xe qua đường Trường Sơn chi viện cho tiền tuyến. Ảnh tư liệu
Xe qua đường Trường Sơn chi viện cho tiền tuyến. Ảnh tư liệu

Trong chiến tranh, ông góp phần quan trọng biến Trường Sơn thành con đường không thể phá hủy, với một sức sống mạnh mẽ vô biên. Và ở thời bình, tên ông vẫn tiếp tục gắn bó với con đường, như một mối duyên tiền định. Gắn bó bằng bao năm bôn ba trận mạc, bằng dòng chảy ký ức chẳng bao giờ vơi cạn. Và bằng tình yêu của cả trái tim.

“Đường Hồ Chí Minh là một chiến công chói lọi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Hồ Chí Minh là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương. Quang vinh thay bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại” (trích lưu bút của Cố TBT Lê Duẩn ghi trong Sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn).

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên

Sinh năm 1923. Quê quán: Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình.

Tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh khi hoạt động cách mạng là Đồng.

Ông chọn tên Đồng Sĩ Nguyên khi ra ứng cử đại biểu QH khóa I, năm 1946.

Gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương năm 1939.

Ông đã tốt nghiệp lớp Trung cao quân sự năm 1950 và Trường cao cấp quân sự Bắc Kinh năm 1961.

Năm 1965, ông là Chính ủy Quân khu 4, sau đó là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện VN tại Trung - Hạ Lào.

Đầu năm 1967, ông được điều làm Tư lệnh Đoàn 559, rồi Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Năm 1974, ông được phong vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.

Hòa bình lập lại, ông lần lượt đảm nhiệm các vị trí Thứ trưởng Bộ quốc phòng, phụ trách Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ GTVT.

Năm 1979, ông trở lại quân đội, với vai trò Tư lệnh kiêm Chính ủy QK Thủ đô.

Năm 1982, ông là Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị khóa V, Ủy viên Bộ chính trị khóa VI, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng CP) kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT.

Sau một thời gian lâm bệnh, ông đã từ trần hồi 11h42' ngày 4/4/2019 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 96 tuổi.

Mới nhất

x
Đồng Sĩ Nguyên - Vị tướng gắn với con đường huyền thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO