Đồng ý tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội

14/10/2011 18:25

Sáng nay, 14-10, vấn đề lương của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong khuôn khổ phiên họp thứ 3.

Theo Báo cáo của Chính phủ về chế độ tiền lương, thu nhập đối với cán bộ, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội, tổng số cán bộ, viên chức của ngành BHXH từ năm 2007 đến năm 2009 được biên chế 16.000 người. Đến năm 2010 và 2011, do khối lượng công việc tăng lên cùng với lộ trình mở rộng chính sách BHXH, con số này đã tăng lên tới 18.500 người (năm 2010) và 20.500 người (năm 2011). Năm 2011, tiền lương bình quân của cán bộ, viên chức ngành này ước là 2,78 triệu đồng/ tháng; thu nhập bình quân trên 4,8 triệu đồng/ tháng.

Chính phủ nhận định, với mức thu nhập hiện nay, trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng gia tăng, thường xuyên phải làm đêm, làm thêm giờ, việc động viên cán bộ viên chức trong ngành BHXH yên tâm làm việc là rất khó khăn. Trong 4 năm qua, kể từ khi thực thi Luật BHXH, số nhân sự bỏ việc, chuyển khỏi ngành lên tới trên 1.300 người.

Chính phủ kiến nghị, về lâu dài, đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung nội dung về chi phí quản lý bộ máy của ngành BHXH quy định trong Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế. Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua dự án Luật BHXH sửa đổi và trong đó sẽ có nội dung về chi phí quản lý bộ máy của ngành BHXH.

Trước mắt, để tạo điều kiện cho ngành cải thiện thu nhập cho cán bộ viên chức, khuyến khích người lao động…, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho áp dụng mức chi tiền lương, tiền công bình quân toàn ngành không vượt quá 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức do Nhà nước quy định (tương tự một số ngành có đặc thù tương tự như Thuế, Kho Bạc Nhà nước, Hải quan…). Nếu tiết kiệm được kinh phí quản lý bộ máy được giao thì khoản tiền tiết kiệm được sẽ được sử dụng trích lập các quỹ theo quy định hiện hành và chi bổ sung thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành…

Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội - cơ quan thẩm tra - cho rằng, đề nghị của Chính phủ là có cơ sở thực tiễn và cần thiết phải xem xét.

Đồng tình với việc phải điều chỉnh tiền lương, thu nhập cho ngành BHXH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét thêm: “Hệ thống thang bảng lương của ta cơ bản hợp lý, nhưng hệ thống phụ cấp đi theo còn nhiều bất cập, cho nên cùng một công việc, chất lượng lao động như nhau có khi thu nhập vẫn rất khác nhau, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các ngành, lĩnh vực, thậm chí trong cùng ngành, lĩnh vực”.

Ông Phùng Quốc Hiển nhìn nhận ngay cả đối với một số ngành đặc thù, được hưởng hệ số ưu đãi về lương thì thu nhập vẫn không đủ sống, do đó không thu hút được nhân sự giỏi. Tuy nhiên, ông góp ý, cần xem xét lại cụ thể cách thức tăng lương, phụ cấp để đảm bảo cân đối ngân sách và công bằng xã hội giữa các ngành, lĩnh vực.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý nhấn mạnh: “Nên xác định rõ việc tăng lương, thu nhập cho cán bộ trong ngành không làm ảnh hưởng đến Quỹ BHXH và các đối tượng được hưởng BHXH”.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu ngành BHXH chú trọng hiện đại hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả làm việc, không để xảy ra vừa tăng biên chế lại vừa tăng lương.


Theo SGGP

Mới nhất
x
Đồng ý tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO