Đồng Yen Nhật mất giá kỷ lục, nhiều lao động lo lắng

Văn Trường 01/11/2022 16:27

(Baonghean.vn) - Người lao động Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng tại Nhật Bản đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi thời gian qua đồng Yen xuống giá, khiến thu nhập của họ giảm đáng kể. Vì vậy, có nhiều người hiện nay không còn mặn mà sang Nhật Bản làm việc.

Một buổi học tiếng Nhật tại Nghệ An. Ảnh: CTV

Thu nhập giảm sút

Huyện Yên Thành có khá nhiều lao động ở Nhật Bản đang gặp khó do đồng Yên mất giá.

Liên lạc qua Zalo, anh Nguyễn Luân ở xã Nam Thành, đang lao động chuyên lĩnh vực sơn ô tô tại Kyoto chia sẻ: Thời điểm năm 2021, một lao động xuất khẩu có thu nhập 25 triệu đồng, nay đồng Yen rớt giá chỉ nhận được 18,5 triệu đồng (quy đổi sang tiền Việt). Tôi đi lao động xuất khẩu mấy năm cũng dành dụm được một số tiền nhưng đang phải giữ tiền Yen trong tài khoản, chờ tỷ giá lên mới đổi sang USD, gửi về Việt Nam cho gia đình.

Lao động người Nghệ An thu hoạch rau tại Nhật Bản. Ảnh: CTV

Qua tìm hiểu được biết, mặc dù đồng Yen mất giá, nhưng có một số lao động Việt Nam ở Nhật Bản vẫn phải gửi tiền về quê để trả nợ khoản vay chi phí đi xuất khẩu lao động.

Anh Nguyễn Thọ Tuân ở xã Nam Thành, Yên Thành đang làm việc ở Nhật Bản tâm sự: Trước đó, gia đình phải vay mượn 150 triệu đồng để đầu tư cho tôi đi xuất khẩu lao động. Đồng Yên mất giá, với thu nhập hiện tại thì thiệt hại từ 5-7 triệu đồng/tháng, nhưng tôi vẫn chấp nhận gửi tiền về trả nợ, đỡ gánh nặng cho gia đình.

Theo báo cáo của Agribank Yên Thành, do đồng Yen mất giá nên lượng kiều hối con em đi xuất khẩu lao động chủ yếu các nước Nhật Bản, Đài Loan gửi về giảm mạnh. Từ đầu năm đến ngày 1/11/2022, toàn huyện gửi về 3 triệu USD, giảm 4 triệu USD so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, do giá Yen biến động dẫn tới nhiều người lên “mạng” tìm hiểu chọn đổi sang tiền Việt Nam để tích trữ cho an toàn; không ít trường hợp bị dính bẫy các hình thức lừa đảo công nghệ cao. Một số lao động lâu năm, có kinh nghiệm khuyên các lao động mới sang Nhật, khi lựa chọn chuyển tiền, đổi tiền cần phải cảnh giác, nhất là khi trao đổi qua hình thức “tay ba”, không nên nhẹ dạ tin vào những lời mời gọi “mua Yen giá cao”.

Băn khoăn chuyển hướng thị trường lao động?

Chị Nguyễn Thị Nhung ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc làm việc tại Niigata vừa nghỉ việc gần 1 tháng nay chia sẻ: Tôi sang Nhật Bản được 6 năm, làm ở nhà máy chế biến thực phẩm. Trước đây, thu nhập của tôi khá ổn định với hơn 22 triệu đồng/tháng, nhưng thời gian qua đồng Yen xuống giá, chỉ còn hơn 16 triệu đồng (trước đây 1 Yen đạt 220 đồng, thời điểm này xuống còn 168 đồng). Trong khi chi phí tiền ăn, nhà trọ ngày càng tăng, thu nhập bị thu hẹp khiến cuộc sống của lao động Việt Nam rất khó khăn.

Hiện tại chị Nhung đang về quê sinh con, tuy nhiên với việc đồng Yen giảm sâu, chi phí tăng cao nên chị đang có ý định ở lại quê hương để tìm việc làm.

Lao động xã Nghi Văn, Nghi Lộc tại Nhật Bản. Ảnh: CTV

Không chỉ chị Nhung, nhiều lao động khác ở Yên Thành cũng băn khoăn việc có nên xuất khẩu lao động sang Nhật hay không. Mức lương dao động 15-25 triệu đồng tùy từng ngành nghề là tương đối tốt so với làm công nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên, băn khoăn khi chi phí sang Nhật khá cao, thời gian đào tạo thường kéo dài 5-6 tháng, chưa kể đồng Yen vẫn đang tiếp tục giảm sút nên nhiều lao động lo lắng.

Ông Vũ Văn Quyền, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Thành cho biết: Địa bàn huyện Yên Thành hiện có trên 3.200 lao động tại Nhật Bản, do đồng Yen giảm mạnh đã khiến người lao động ít chọn lựa đi Nhật hơn. Hàng năm huyện có từ 250-300 lao động đi xuất khẩu tại Nhật, thì trong năm 2022 chỉ có chưa đầy 200 lao động sang thị trường này.

Hiện nay, huyện Yên Thành đang có khá nhiều nhà máy mọc lên, tuyển dụng nhiều công nhân, mức lương ổn định, nhiều lao động lựa chọn làm việc gần nhà để có điều kiện chăm lo cho gia đình.

Lao động người xã Nam Thành, Yên Thành làm việc tại xưởng cơ khí Nhật Bản. Ảnh: Cộng tác viên.

Bà Đặng Thị Phương Thuỷ, Phó Trưởng phòng Lao động việc làm và An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Nghệ An hiện có trên 40.000 lao động đang ở Nhật Bản, hàng năm có 7.000-8.000 lao động sang thị trường Nhật Bản làm việc. Nhật Bản là thị trường chủ lực của lao động Nghệ An, vì vậy cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tăng thêm thu nhập để người lao động có thêm động lực yên tâm làm việc.

Nghệ An: Nhiều đơn vị đưa người đi du học nhưng thực chất là xuất khẩu lao động

11/10/2019

Đưa Quỳnh Lưu ra khỏi danh sách cấm xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc

04/10/2019

Mới nhất

x
Đồng Yen Nhật mất giá kỷ lục, nhiều lao động lo lắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO