Đồng Yên rớt giá mạnh, lao động Nghệ An ở Nhật càng thêm chật vật

Văn Trường 01/03/2024 06:43

(Baonghean.vn) - Đồng Yên tiếp tục rớt giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của lao động Nghệ An ở Nhật Bản. Thời điểm này, có người lựa chọn ở lại để tiết kiệm trang trải cuộc sống cầm cự chờ đồng Yên lên, có người tìm cách trở về quê mưu sinh.

bna-van-truong-1-2548.jpeg
Lao động ở Nghệ An tại Nhật Bản đang làm trong dây chuyển chế biến thực phẩm. Ảnh: Cộng tác viên

Sống chật vật vì đồng Yen rớt giá

Trước thực trạng đồng Yên ngày càng rớt giá, lao động Nghệ An ở Nhật Bản đang rất khó khăn, phải tìm mọi cách để thích ứng và trang trải cuộc sống. Nhiều người không dám đổi tiền để gửi về cho gia đình do bị “lỗ nặng” nên phải lựa chọn phương án “gom tiền” chờ đợi đồng Yen hồi phục.

Anh Trần Tiến Minh ở xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, công nhân chế biến thủy sản tại Hokkaido (Nhật Bản), cho hay, mức lương hiện tại của anh tính ra tiền Việt là 22 triệu đồng, nhưng hiện nay, giá Yên xuống, quy đổi ra tiền Việt để gửi về cho gia đình thì thu nhập của anh Việt đã bị giảm từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Anh Minh chia sẻ thêm: Hiện không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải cố gắng tiết kiệm, chi tiêu hợp lý để bám trụ ở Nhật Bản kiếm tiền để trang trải cuộc sống, vừa phải gửi tiền về quê trả khoản nợ gia đình đang vay để đóng phí đi xuất khẩu lao động.

Ông Trần Quang Hiệu - Giám đốc Công ty cổ phần HCM Mirai (một đơn vị chuyên xuất khẩu lao động ở TP Vinh) chia sẻ thêm: Đồng Yên mất giá làm ảnh hưởng đến người lao động ở Nhật Bản, một số lao động muốn về quê để đi nước khác có thu nhập cao hơn. Những năm trước đây, mỗi năm đơn vị xuất khẩu được từ 1.000 - 1.200 lao động sang Nhật Bản, riêng trong năm 2023 chỉ có trên 500 lao động sang Nhật. Từ đầu năm 2024 đến nay có 150 người đến đơn vị chỉ để tìm hiểu thị trường Nhật Bản chứ chưa ký kết… Theo ông Trần Quang Hiệu, nếu đồng Yên tăng trở lại thì đi Nhật Bản vẫn có nhiều lợi thế, thị trường lao động ổn định, đơn hàng chuẩn, ít rủi ro...

Ông Đặng Văn Lương - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nghi Lộc cho biết: Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 3.100 lao động đang ở Nhật Bản, hàng năm có 300 - 400 lao động sang Nhật. Thời gian qua, thị trường lao động Nhật vẫn được coi là thị trường ưa chuộng, chi phí đi thấp, làm việc trong môi trường an toàn, thu nhập ổn định. Nếu đồng Yên tăng trở lại thì đây cũng là lựa chọn phù hợp với các hộ gia đình nông thôn.

bna-van-truong-3-6935.jpeg
Các lao động Nghệ An đang thu hoạch rau tại Nhật Bản. Ảnh: Cộng tác viên

Tương tự, tại địa bàn huyện Yên Thành hiện có khá nhiều lao động đang ở Nhật. Anh Nguyễn Văn Minh ở xã Phú Thành (Yên Thành) làm lĩnh vực xây dựng ở Kyushu được gần 2 năm qua, cho biết: Tỷ giá Yên-VNĐ quá thấp, giá cả sinh hoạt ở Nhật tăng cao, cộng với phải trả lãi ngân hàng ở quê thì tính ra thiệt đơn, thiệt kép. Nhiều bạn bè khuyên nên giữ Yên trong tài khoản, khi nào tỷ giá tăng thì gửi về Việt Nam để quy đổi sang tiền Việt, nhưng tôi phải gửi về để trả nợ, nên chấp nhận chịu thiệt.

Theo ông Vũ Văn Quyền - Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Thành: Địa bàn huyện Yên Thành hiện có trên 3.500 lao động tại Nhật Bản, trong đó riêng trong năm 2023 có 800 lao động đi thị trường Nhật. Do đồng Yen giảm mạnh nên từ cuối năm 2023 đến nay, người lao động ít chọn lựa đi Nhật hơn. Chủ yếu họ chọn đi các đơn hàng có thu nhập cao như Hàn Quốc, Đài Loan, và các thị trường châu Âu.

Lao động lựa chọn thị trường tiềm năng

Trao đổi qua mạng, một lao động xuất khẩu ở thị trường Nhật Bản cho biết: Hiện nay, đồng Yên xuống giá rất thấp, cụ thể; 1.000 Yên trước đây quy đổi được 230.000 VNĐ, thời điểm này 1.000 Yên chỉ quy đổi chỉ được dao động từ 163.000 - 170.000 VNĐ. Trước tình hình đó, một số lao động Nghệ An ở Nhật Bản cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm với những ai có ý định qua Nhật lao động, phải làm gì để cải thiện thu nhập khi tỷ giá đồng Yênxuống thấp.

Đó là lựa chọn tham gia để thi tuyển những đơn hàng được làm tăng ca nhiều, lựa chọn các đơn hàng tại vùng ngoại ô, tỉnh lẻ, không nên làm ở những khu vực trung tâm thành phố. Bởi tuy mức lương ở các thành phố tương đối cao nhưng sẽ đồng nghĩa với việc chi phí sinh hoạt đắt đỏ, sẽ không tiết kiệm được nhiều.

Bà Đặng Thị Phương Thuỷ - Phó Trưởng phòng Lao động việc làm và An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Nhật Bản là thị trường chủ lực của lao động Nghệ An, hiện có trên 60.000 lao động Nghệ An đang ở Nhật Bản, hàng năm có 8.000 - 9.000 lao động sang thị trường Nhật Bản làm việc. Tuy nhiên, thời gian qua, đồng Yên Nhật rớt giá nên thị trường xuất khẩu lao động này đang có dấu hiệu giảm sút, người dân đang lựa chọn các thị trường khác có thu nhập khá hơn.

bna-van-truong-mmmm-7487.jpeg
Lao động Nghệ An đang bám trụ tại Nhật Bản. Ảnh: Cộng tác viên

Qua tìm hiểu cho thấy, hiện nay, địa bàn Nghệ An đang có thêm khá nhiều nhà máy mới, tuyển dụng nhiều công nhân với mức lương ổn định, nhiều lao động lựa chọn làm việc gần nhà để giảm được các chi phí, vừa tiết kiệm được khoản tiền, vừa có điều kiện chăm lo cho gia đình. Ngoài ra, nhiều lao động lựa chọn các thị trường xuất khẩu tiềm năng khác có thu nhập tốt hơn.

Mới nhất

x
Đồng Yên rớt giá mạnh, lao động Nghệ An ở Nhật càng thêm chật vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO