Đột phá trong chính sách cán bộ dân tộc thiểu số

18/09/2014 09:18

(Baonghean) - Một thông tin vui đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, ấy là tuần qua Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc vừa ký Thông tư liên tịch về chính sách cán bộ, viên chức và công chức người dân tộc thiểu số, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2014.

Trong Thông tư liên tịch này, có nhiều điểm mới nhằm cụ thể hóa sự ưu tiên trong các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để đảm bảo sự tăng cường về số lượng và chất lượng người dân tộc thiểu số trong bộ máy cán bộ, viên chức và công chức. Thông tư này mở ra cơ hội lớn về việc làm đối với con em người dân tộc thiểu số cả nước, trong đó có hơn 44 vạn người dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An.

Nội dung nổi bật đáng chú ý của Thông tư là sẽ có kỳ tuyển dụng riêng đối với người dân tộc thiểu số vào công chức, viên chức của mỗi tỉnh. Đây chính là bước phát triển theo hướng đồng bộ và hoàn chỉnh về chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với người dân tộc thiểu số, từ công tác giáo dục, đào tạo, đến công tác tuyển dụng. Việc tách ra thành kỳ thi tuyển dụng riêng đối với người dân tộc thiểu số là sự ưu tiên hợp lý và cần thiết. Bởi phần lớn người dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống tập trung ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đó là những vùng, miền dù đã được hưởng khá nhiều chính sách ưu tiên nhưng đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ hội học tập và đào tạo cũng như khả năng phát triển bản thân không thể so sánh ngang bằng với khu vực đồng bằng, thành thị.

Do đó, việc tổ chức kỳ tuyển dụng riêng chắc chắn sẽ tạo tâm lý và tâm thế tốt hơn cho đa số đối tượng dự tuyển. Đồng thời, đó cũng là cơ hội để các đối tượng dự tuyển cùng khu vực có sự cạnh tranh bình đẳng. Bản thân các đối tượng con em dân tộc thiểu số, dù được ưu tiên nhưng vẫn phải nỗ lực cố gắng vươn lên nếu muốn có kết quả tốt. Bởi, dù không phải đối mặt với sự cạnh tranh có phần mất cân đối như khi tuyển dụng chung, thì khi tham dự kỳ tuyển dụng riêng cho người dân tộc thiểu số các đối tượng trong cùng kỳ thi vẫn phải có sự cạnh tranh. Do đó, thực hiện kỳ thi riêng vừa thể hiện được chính sách ưu tiên, đồng thời vẫn đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành viên cùng nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số.

Điểm thứ hai, đáng chú ý của Thông tư liên tịch này là tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp, từ Trung ương đến cấp xã, thị trấn; ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được quy định rõ. Tỷ lệ này sẽ căn cứ vào định hướng kinh tế xã hội và nhu cầu của mỗi địa phương, được thực hiện thông qua các kỳ tuyển dụng hàng năm. Đây chính là cơ sở để đảm bảo việc tăng cường số lượng và chất lượng người dân tộc thiểu số trong bộ máy công chức, viên chức, cán bộ. Trên thực tế, dù đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên một cách thường xuyên, liên tục, nhưng tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong đội ngũ cán bộ, viên chức, công chức còn thấp. Ngay một số cơ quan chuyên trách công tác dân tộc, thực hiện chính sách người dân tộc thiểu số, sự tham gia của người dân tộc thiểu số vẫn chưa thật sự đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng.

Một điểm mới nữa của Thông tư là các đối tượng diện cử tuyển sau khi tốt nghiệp sẽ được phân công công tác mà không phải thi vào công chức, viên chức. Đây là khâu đột phá trong chính sách ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số trong công tác giới thiệu, bồi dưỡng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ sau khi đưa đi đào tạo. Quyết định này là bước tiến dài trong việc thực hiện chính sách ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số, sẽ là sự cỗ vũ, động viên quan trọng và tích cực đối với diện sinh viên được đào tạo theo diện cử tuyển. Bởi trên thực tế, không ít sinh viên cử tuyển dù đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng vẫn không có việc làm.

Ngay ở tỉnh ta, nhiều huyện số sinh viên cử tuyển không có việc làm lên đến hàng chục em. Riêng Kỳ Sơn, trong năm 2013 có 13 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp không có việc làm ổn định. Điều này làm cho chính sách cử tuyển - một chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm, ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đã và đang ít nhiều bị ảnh hưởng. Do đó, việc sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp được phân công công tác, không phải qua kỳ thi tuyển dụng, hay nói cách khác là được tuyển thẳng, thực sự là quyết định cần thiết để giải quyết kịp thời những bất cập mà chính sách cử tuyển đang đặt ra.

Tuy nhiên, để Thông tư này đi vào cuộc sống và phát huy giá trị tích cực thì mọi chuyện vẫn đang ở phía trước. Khi thực hiện các chính sách ưu tiên, thường thì bao giờ cũng xuất hiện những cá nhân lợi dụng sự ưu tiên vì sự phát triển chung để “ưu tiên” riêng, trục lợi cá nhân. Vì vậy, trên cơ sở Thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc về chính sách cán bộ, viên chức và công chức với người dân tộc thiểu số, các cấp ủy, chính quyền các cấp phải quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng cán bộ dân tộc thiểu số dựa trên nhu cầu thực tế; theo phương châm: tạo nguồn cán bộ thông qua đào tạo, sàng lọc qua các phong trào cơ sở...

Có thể khẳng định, việc Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư liên tịch về chính sách cán bộ, viên chức, công chức người dân tộc thiểu số là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong dịp diễn ra Đại hội các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, tiến tới Đại hội các dân tộc thiểu số toàn quốc!

Ngô Kiên

Mới nhất

x
Đột phá trong chính sách cán bộ dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO