Đột phá trong thu hút đầu tư ở Đô Lương
(Baonghean) - Huy động mọi nguồn lực thu hút các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện các dự án trên địa bàn được huyện Đô Lương xác định là một trong những giải pháp đột phá về phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Lãnh đạo huyện Đô Lương kiểm tra tại Nhà máy may Minh Anh tại xã Quang Sơn, Đô Lương. Ảnh: Thanh Lê |
Nhiều dự án trọng điểm
Những năm gần đây, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm của tỉnh, hoạt động thu hút đầu tư đã tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ của huyện Đô Lương.
Có thể kể đến một số dự án nổi bật đó là: Nhà máy may có vốn đầu tư nước ngoài tại Cụm Công nghiệp Lạc Sơn, Nhà máy Xi măng Sông Lam tại xã Bài Sơn. Huyện đang tích cực phối hợp với các nhà đầu tư triển khai các dự án như: Nhà máy may Minh Anh tại xã Quang Sơn, Khu trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống tại xã Yên Sơn và thị trấn của HTX Hải An, Khu liên hiệp chăn nuôi công nghệ cao tại xã Mỹ Sơn...
Một trong những dự án đang được huyện tập trung triển khai đó là Dự án Nhà máy may Minh Anh với quy mô lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ. Hiện nhà máy đang đào tạo nghề miễn phí cho hơn 550 lao động, từ đây, sẽ cho ra những sản phẩm may mặc đa dạng, phục vụ trong nước và xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu. Nếu nhà máy đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 6.000 - 7.000 lao động không chỉ huyện Đô Lương mà các huyện lân cận như Yên Thành, Anh Sơn, Thanh Chương. Đồng thời là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kéo theo dịch vụ đi cùng và phát huy lợi thế tuyến đường chiến lược N5.
Ông Lê Văn Vĩnh - Bí thư Đảng ủy xã Quang Sơn phấn khởi cho biết: Khi có thông tin sẽ triển khai Dự án Nhà máy may Minh Anh tại địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quang Sơn thống nhất cao, tạo mọi điều kiện để dự án sớm đi vào hoạt động. Dự án đi vào hoạt động sẽ là bước đột phá, tạo diện mạo mới cho Quang Sơn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động, nâng cao đời sống cho người dân. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ thu hút lực lượng lao động của nhiều địa phương đang làm việc tại khu công nghiệp ở miền Bắc, miền Nam và ở nước ngoài. Bà con mong muốn chính quyền giải quyết nhanh các thủ tục, sớm đưa dự án đi vào hoạt động.
Nhà máy may Minh Anh đào tạo nghề miễn phí cho lao động. Ảnh: Thanh Lê |
Hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư
Trong thời gian qua, UBND huyện Đô Lương đã ban hành chương trình hành động thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Trong đó, xác định thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là khâu đột phá quan trọng. Theo đó, huyện tiếp tục củng cố nâng cấp các cụm công nghiệp và xây dựng làng nghề hiện có; thu hút đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất CN - TTCN và các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.
Đồng thời, quy hoạch và xây dựng các cụm công nghiệp Hòa Sơn (xã Hòa Sơn), quy mô 10 ha; cụm công nghiệp Đại Sơn (xã Đại Sơn) quy mô 10 ha; Triển khai dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng tại Giang Sơn, quy mô diện tích 6 ha; cụm công nghiệp Thượng Sơn (địa điểm mới), quy mô 9 ha gắn với các trục giao thông trên địa bàn Quốc lộ 7, Quốc lộ 46, Quốc lộ 15, đường N5 kết nối giữa vùng đồng bằng ven biển và vùng miền núi để thu hút được các dự án đầu tư hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Huyện đang thực hiện chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn bằng các giải pháp cụ thể như: Tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh về thu hút đầu tư; tập trung tạo quỹ đất, mặt bằng và cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư; tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư.
Xã Hiến Sơn (Đô Lương) phát triển thương mại dịch vụ. Ảnh: Thanh Lê |
Thời gian qua, huyện đã đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng tăng mức hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp ở địa phương, xem xét đầu tư một số tuyến giao thông trọng điểm, tạo thuận lợi cho dự án đầu tư vào địa bàn. Đặc biệt, huyện vừa thành lập 5 tổ giúp việc cho 5 dự án lớn đang triển khai trên địa bàn: Dự án Nhà máy may Minh Anh tại xã Quang Sơn; Dự án Trung tâm dịch vụ Thể thao - Văn hóa tại xã Đông Sơn; Dự án Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống tại thị trấn và xã Yên Sơn; Khu đô thị thị trấn Nam Đô Lương và tuyến đường nối Quốc lộ 46 đi Quốc lộ 7 (Thịnh Sơn) và Dự án Khu chăn nuôi Công nghệ cao tại xã Mỹ Sơn. Huyện phân công trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban, ngành và các xã để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
Ông Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Trong thời gian tới, huyện Đô Lương tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. Đồng thời, công khai quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch sử dụng đất cho các doanh nghiệp lựa chọn vị trí phù hợp với ngành nghề, dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và hưởng các chính sách ưu đãi hỗ trợ của tỉnh và huyện; tạo quỹ đất, mặt bằng và cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đã đầu tư vào địa bàn phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đô Lương khóa XX đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng huyện Đô Lương thành huyện phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội; có cơ cấu hợp lý; kết cấu hạ tầng đồng bộ, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Huyện phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 - 72 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm hàng năm từ 3.700- 4.000 lao động, trong đó 65% lao động qua đào tạo. |
Thanh Lê
TIN LIÊN QUAN |
---|