Đột phá trong xây dựng NTM ở Nghi Lộc
(Baonghean) - Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích... là những điểm nhấn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Nghi Lộc.
Những mô hình đầu ra ổn định
Các xã Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Văn... là những xã vùng bán sơn địa của huyện Nghi Lộc, có nhiều vùng đất không thuận lợi cho việc thâm canh lúa. Ấy vậy mà, những năm gần đây lại được nhắc nhiều bởi tinh thần lao động sáng tạo, cần cù và những mô hình hiệu quả. Nhiều diện tích đất cao cưỡng đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây hành tăm, cây nghệ, cây ngô hàng hóa. Bên cạnh đó đẩy mạnh chăn nuôi dê, trâu bò, đầu tư trang trại.
Theo tính toán của bà con nông dân xã Nghi Kiều, trồng nghệ trung bình một sào cho thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/vụ. Còn ở Nghi Lâm, mỗi sào hành tăm xen ngô cho thu nhập trên 25 triệu đồng/vụ. Sản xuất chuyên nghiệp nên đầu ra về cây nghệ và cây hành tăm, cây ngô rất ổn định.
Riêng đối với cây ngô, trang trại bò Úc đóng tại xã Nghi Lâm còn ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm, do đó bà con có thể trồng được 4 vụ trong năm. Ông Phan Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm cho biết: "Mô hình chuyển đổi trồng ngô xen canh hành tăm mang lại giá trị rất cao. Đây là một cách làm mới, đem lại lợi ích cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích trồng ngô, hành tăm, đồng thời xây dựng đề án tạo sự liên kết giữa trang trại bò và địa phương, nhằm hai bên cùng có lợi”.
Nuôi dê ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc). |
Chị Phạm Thị Lực xóm 14, xã Nghi Lâm cho biết: Trồng ngô cung cấp cho trang trại bò Úc trên địa bàn với 5 sào ngô, vụ đông sớm này gia đình tôi thu về khoảng 7,5 triệu đồng chỉ trong vòng 75 ngày. So sánh với trồng khoai và trồng lúa trước đây, hiệu quả kinh tế từ trồng ngô cao gấp đôi. Kinh tế tăng lên nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi”.
Nghi Long cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, cây rau màu và dưa hấu được xem là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao. Hàng năm, dưới sự chỉ đạo của UBND xã, bà con nhân dân xã Nghi Long đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất trên diện tích màu, tập trung đầu tư xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao, đến nay thu nhập bình quân từ 120 - 160 triệu đồng/ha/vụ (tăng 50 triệu đồng/ha/vụ so với năm 2011). Kinh tế khởi sắc, đã góp phần đưa Nghi Long nằm trong tốp đầu của huyện hoàn thành chương trình nông thôn mới.
Ngoài lĩnh vực sản xuất, mấy năm gần đây ngành Chăn nuôi ở Nghi Lộc cũng được xem là thế mạnh của địa phương. Với lợi thế về đất đai, đồng cỏ, nguồn thức ăn được tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, các địa phương còn tạo điều kiện, khuyến khích bà con nhận thầu đất xây dựng các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp như: lợn, bò, dê, gà, cá...
Đến nay toàn huyện đã xây dựng trên 320 mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng/mô hình. Công ty TNHH An Thịnh Khang đầu tư trang trại chăn nuôi bò Úc với quy mô trên 3.000 con, không những là mô hình tốt mà còn tạo động lực cho một số xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên địa bàn.
Trồng rau cải trên rơm ở Nghi Thuận. |
Những giải pháp sắp tới
Đến nay, huyện Nghi Lộc mới có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên ở nhiều xã, đời sống nhân dân đang khởi sắc nhờ giáp với thành phố Vinh. Số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn huyện lên 15,2 tiêu chí, tăng 10 tiêu chí so với năm 2010. Riêng trong năm 2016, Nghi Lộc có thêm 3 xã về đích nông thôn mới, đây chính là tiền đề để cấp ủy, chính quyền huyện Nghi Lộc tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện ở các xã còn lại.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, Nghi Lộc xác định xây dựng các mô hình, nâng cao thu nhập, bên cạnh đó phát triển mạnh công nghiệp, thương mại dịch vụ, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa cạnh tranh là yếu tố quyết định.
Khoa học công nghệ sẽ là yếu tố đột phá để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, bên cạnh đó chú trọng sản xuất sạch.
Ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Huyện sẽ xây dựng nhiều mô hình liên kết trong sản xuất chăn nuôi, tăng tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con, quan tâm đầu ra sản phẩm cho nông dân. Đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung gắn với chế biến; các vùng sản xuất nông, thủy sản thực phẩm sạch, an toàn được chứng nhận gắn với doanh nghiệp xuất khẩu, Xây dựng các mô hình sản xuất lớn thông qua việc tập trung tích tụ ruộng đất, hoặc hình thành các liên minh hợp tác xã.
Mục tiêu phấn đấu năm 2020, toàn huyện có 19 -21 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí về nông thôn mới (đạt 65 - 72%) và huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó phấn đấu có 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và tỷ lệ dân số đô thị hoá là 30 - 35%. Các xã còn lại phấn đấu hoàn thành từ 1-2 tiêu chí/năm, để đạt mục tiêu đạt từ 15 tiêu chí trở lên. |
Thu Hiền - Trần Hoa
TIN LIÊN QUAN |
---|