ĐT Việt Nam đấu Malaysia: HLV Park Hang-seo lấy tĩnh chế động?

Trung Kiên 07/10/2019 19:24

(Baonghean.vn) - Trong 3 lần đối đầu gần nhất, ĐT Malaysia đều không giành được chiến thắng trước thầy trò HLV Park Hang-seo. Lần này với sự chuẩn bị tốt hơn, HLV Tan Chang Hoe đang tỏ ra đầy tự tin trước chuyến làm khách tại Mỹ Đình.

Nhìn một cách tổng thể tại bảng G, Malaysia đã thi đấu 2 trận, 1 thắng trước Indonesia với tỷ số 3-2 vào phút chót và thua 1-2 trước UAE. Đội bóng của HLV Tan Chang Hoe đang xếp vị trí thứ 3 bảng G với 3 điểm. Mới đây, ĐT Malaysia chọn Sri Lanka – đội tuyển có trình độ khá thấp làm quân xanh đá giao hữu và thắng 6-0. Điều này chứng tỏ đối thủ của ĐT Việt Nam đang tìm kiếm sự tự tin và muốn chơi một thứ bóng đá giàu sức tấn công.

Đồi hình xuất phát của Malaysia những trận gần đây. Ảnh: FAM

Sơ đồ 4-2-3-1 của Malaysia

Gần nhất, trong thắng lợi 6-0 trước Sri Lanka hôm 5/10 vừa qua, Malaysia thi đấu với sơ đồ xuất phát 4-2-3-1 hay còn được gọi là 4-5-1. Đây cũng là sơ đồ mà Malaysia dùng để đấu với Indonesia, sơ đồ được đánh giá là sơ đồ công thủ khá toàn diện.

Ưu điểm của sơ đồ mà HLV Tan Chang Hoe đang áp dụng được cho là rất đa năng, có nhiều phương án tiếp cận khung thành đối phương. Khu trung lộ (trục dọc) với 2 tiền vệ phòng ngự, 1 tiền vệ tấn công và trung phong. Sơ đồ này, các cầu thủ cũng thường đưa bóng ra 2 cánh, xẻ nách để tạt hoặc căng ngang vào cho tiền vệ hộ công và trung phong ghi bàn.

Bên cạnh Mohamadou Sumareh (13) là một cầu thủ gốc Phi, là một mẫu tiền vệ thiên về sức mạnh, khả năng bắt tốc độ và chớp thời cơ, thì ở hành lang trái Safawi Rasid có thể hình nhỏ con nhưng lại sở hữu ưu điểm kỹ thuật và đọc trận đấu tốt. Ngoài ra, Malaysia còn có Hadin Azman (16) và Akhyar Rashid (19).

Ảnh: Trung Kiên
Tiền vệ Safawi Rasid trong một pha dứt điểm từ xa trận gặp Việt Nam tại chung kết AFF Cup. Ảnh: Trung Kiên

Kiểm soát bóng chính là chìa khóa thành công của sơ đồ này với tổng cộng 5 người nơi hàng tiền vệ. Càng có nhiều bóng, sơ đồ này càng dễ phát huy. Khả năng gây đột biến sẽ đến từ 2 tiền vệ cánh và bóng cũng thường được ưu tiên tìm đến 2 tiền vệ cánh.

Theo đó, tiền vệ tấn công Syafig Adman (20) sẽ đóng vai trò nhạc trưởng trong sơ đồ 4-2-3-1. Cầu thủ này sẽ là người tung ra những đường chuyền dọn cỗ cho tiền đạo cắm dứt điểm; hoặc cầu thủ này có thể đột phá bằng kỹ thuật cá nhân và ghi bàn.

Một trong những bài tấn công thường thấy của Malaysia là cố đưa bóng căng, cuộn vào khoảng trống giữa thủ môn hàng thủ của đối phương một cách nhanh nhất. Đây là tình huống dễ khiến hàng thủ mắc sai lầm nếu không phá bóng một cách dứt khoát. Trong quá khứ, không ít lần các trung vệ Việt Nam đá phản lưới nhà vì những pha bóng như vậy.

Một trong những bàn thắng tấn công biên điển hình của Malaysia với sơ đồ 4-2-3-1. Video: AFF

Trong trường hợp bóng đến được vị trí của cầu thủ Malaysia, họ có thể dứt điểm ngay hoặc chuyền ngược lại tuyến hai và đó là lúc lão tướng Talaha chờ sẵn để chớp thời cơ. Bàn thắng vào lưới Thái Lan tại AFF Cup 2018 đến từ một pha bóng như vậy.

Tuy nhiên, hạn chế trong khâu tấn công của sơ đồ Malaysia đang áp dụng là chỉ có 1 tiền đạo cắm Talaha. Cũng giống như ĐT Việt Nam, Anh Đức, Tiến Linh hay Đức Chinh thường sẽ phải tự mình xoay xở khi các đồng đội không kịp dâng cao.

Trong 2 trận gần nhất ở Vòng loại World Cup 2022, Norshahrul Talaha (9) chưa ghi một bàn thắng nào cho Malaysia nhưng vai trò của anh là khá quan trọng. Trận đấu giao hữu gặp Sri Lanka, tiền đạo này cũng để lại dấu ấn đậm nét với một bàn thắng và một đường kiến tạo cho Malaysia.

Sức mạnh tấn công của Malaysia nằm ở 2 tiền vệ biên, nơi đã có Văn Hậu và Trọng Hoàng. Ảnh: Trung Kiên

Vấn đề phòng ngự của Malaysia

So với hệ thống phòng ngự của Việt Nam bao gồm 3 trung vệ Tiến Dũng, Ngọc Hải, Duy Mạnh và hai cánh là Trọng Hoàng và Văn Hậu thì cách phòng ngự, số lượng và chất lượng từng cầu thủ phòng ngự của Malaysia bộc lộ nhiều vấn đề hơn so với 3-4-3 đầy linh hoạt và chắc chắn của HLV Park đã được khẳng định.

Với bất kỳ đội bóng nào, chiến thuật nào, khi nôn nóng muốn ghi bàn và giành chiến thắng sẽ lộ ra những khoảng trống chết người nơi hàng phòng ngự. Đặc biệt, nếu Malaysia dồn toàn lực để tấn công, một tiền vệ trụ tham gia tấn công, sơ đồ của họ sẽ là 4-1-3-2.

Khi triển khai thế trận phòng ngự, hàng thủ của Malaysia vẫn có đủ 4 người, 2 tiền vệ trụ án ngữ trước hàng hậu vệ sẽ tạo thành một lớp tường che chắn cho khung thành. Hai tiền vệ biên lùi về thì Malaysia chuyển hóa sang sơ đồ 4-4-2.

Tuy nhiên, vì cậy có thể lực, Malaysia thường có chủ trương gây sức ép, vội vàng áp sát ngay khi đối phương có bóng. Điều này vô tình khiến các cầu thủ của họ thường xuyên phải rời vị trí. Chính vì vậy, Malaysia không tạo được một hệ thống phòng ngự chặt chẽ khi mất bóng.

Điểm chung trong những bàn thua của Malaysia đến từ hậu vệ cánh phải. Video: Tổng hợp từ AFF

Một vấn đề khác của Malaysia, cũng xuất phát từ việc các tiền vệ biên vì ham tấn công nên hỗ trợ phòng ngự không chặt chẽ. Đây là một con dao hai lưỡi. Đồng thời, hậu vệ trái của Malaysia thường bỏ vị trí để gây sức ép với cầu thủ có bóng của đối phương. Khi đó, giữa trung vệ với hậu vệ trái của Malaysia xuất hiện một khoảng trống lớn.

Minh chứng là Phan Văn Đức và Văn Hậu đã phối hợp thành công để dẫn tới bàn mở tỷ số ở trận đấu tại vòng bảng AFF Cup 2018. Bàn thắng thứ 2 trong trận đấu đó, Văn Đức chọc khe vào khoảng trống phía sau lưng hậu vệ cánh phải Malaysia để Anh Đức phá bẫy việt vị, thoát xuống và ghi bàn.

Ở bàn thắng đầu tiên trên sân Bukit Jalil trong trận chung kết lượt đi, từ một pha phản công, Phan Văn Đức nhận bóng từ Văn Hậu, tận dụng tốt khoảng trống ở biên phải của Malaysia để lộ ra gây được đột biến, xáo trộn nơi hàng thủ Malaysia tạo cơ hội cho Huy Hùng lập công .

HLV Park Hang-seo đã sẵn sàng tiếp đón Malaysia. Ảnh: Trung Kiên

Nhìn từ 3/4 bàn thua trong 2 trận đầu của Malaysia ở Vòng loại World Cup 2022, hai hậu vệ biên của Malaysia gồm Matthew Davies và Corbin-Ong đều không hoàn thành nhiệm vụ phòng ngự, tạo cơ hội cho đối phương khai thác khoảng trống giữa trung vệ và hậu vệ cánh để ghi bàn.

Trong 3/5 bàn thắng của Việt Nam vào lưới Malaysia trong 3 lần đối đầu tại AFF Cup 2018, Phan Văn Đức là người góp công lớn bằng những đường kiến tạo trực tiếp. Hai bàn thắng còn lại, tiền vệ của SLNA cũng ghi dấu giày của mình.

Vậy nên việc vắng Phan Văn Đức vì chấn thương sẽ khiến HLV Park Hang-seo mất đi một sự lựa chọn hoàn hảo, công thủ toàn diện. Từ đó, nhiệm vụ quấy rối hàng thủ Malaysia sẽ đặt lên vai Quang Hải. Cánh đối diện, Công Phượng, Văn Toàn hay Trọng Hùng với sự đột biến và tốc độ cũng có thể phát huy tác dụng.

Với một người thực dụng và nhìn nhận cầu thủ nhạy bén như HLV Park Hang-seo thì chiến lược gia người Hàn Quốc có thừa phương án để đợi Malaysia mắc sai sót và tận dụng. Bất chấp việc Malaysia có chơi tấn công hay hơn và mạnh hơn so với hồi AFF Cup 2018 hay không./.

Vì sao Đông Nam Á bất lực trước sơ đồ 3-4-3 của HLV Park Hang-seo?

Vì sao Đông Nam Á bất lực trước sơ đồ 3-4-3 của HLV Park Hang-seo?

(Baonghean.vn) – Dựa theo ưu và nhược điểm của sơ đồ 3-4-3, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra vì sao HLV Park Hang-seo lại trung thành với những sự lựa chọn nhân sự của mình. Và lối chơi này đang khiến cả Đông Nam Á, thậm chí là châu Á chưa tìm được lời giải.

Mới nhất

x
ĐT Việt Nam đấu Malaysia: HLV Park Hang-seo lấy tĩnh chế động?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO