ĐT Việt Nam trước trận gặp Malaysia: Miếng đánh biên và nỗi nhớ Phan Văn Đức
(Baonghean.vn) - Tình cảnh cả ĐT chủ nhà Việt Nam lẫn ĐT Malaysia khá giống trận lượt đi chung kết AFF Cup 2018 trên sân Bukit Jalil. Thậm chí ngay cả ĐT Việt Nam, nếu không dành thắng lợi thì cánh cửa đi tiếp cũng hẹp lại đáng kể.
Tối thiếu, nếu muốn đi tiếp vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực Châu Á phải có 11 điểm. Sau 2 trận, ĐT Malaysia có 4 điểm, còn chủ nhà Việt Nam có 1 điểm sau khi hòa Thái Lan. Nếu như không có chiến thắng thì cả Việt Nam và Malaysia đều khó có cơ hội đi tiếp, dù bằng vé phụ.
Cả khách lẫn chủ đều muốn 3 điểm
Dù muốn hay không ông Tan Cheng-Hoe cũng phải tính toán để có 3 điểm bằng lối đá tấn công ào ạt, kiểu “lấy thịt đè người” như từng làm ở lượt đi chung kết AFF Cup 2018 trên sân Bukit Jalil. Có điều, đá sân khách thì bung sức ở thời điểm nào là bài tính mà ông Tan phải cân nhắc rất kỹ.
Tại Bukit Jalil, ông Park bất ngờ khi cất tất cả các cầu thủ Việt Nam có kỹ thuật cá nhân tốt nhất tại thời điểm ấy trên ghế dự bị. Người ta có thể thấy Văn Quyết, Văn Toàn, Công Phượng, Anh Đức ngồi ngoài sân. Đá cặp tiền vệ trung tâm là Huy Hùng và Đức Huy - những cầu thủ chịu khó sút xa chứ không phải Hùng Dũng như thường lệ.
Tiền vệ Văn Toàn là cầu thủ sở hữu tốc độ tốt nhất ĐT Việt Nam hiện nay. Ảnh FPT |
Nhân định tình thế bị đối phương dồn ép ngay từ đầu như thế thì việc làm thế nào để có bàn thắng là điều cực kỳ quan trọng. Ông Park đã nghiên cứu rất kỹ lối đá phòng ngự phản công của SLNA và Văn Đức. Không phải đơn thuần Văn Hậu lại dùng đường chuyền dài gần 30m để Văn Đức bức tốc, trả ngược lại cho tuyến 2 ghi bàn.
Nếu như bàn thắng đầu tiên của Huy Hùng ở phút 22 là pha dàn xếp tấn công có chủ định thì bàn thắng sau đó 3 phút của Đức Huy lại mang đậm dấu ấn chiến thuật của ông thầy Hàn Quốc. ĐT Malaysia đang tính đến phương án phòng thủ chống tấn công biên thì Văn Đức lẻn vào trung lộ làm tường nhả bóng lại cho Đức Huy ghi bàn ở trung lộ.
Đây là trận đấu mà nếu Đức Chinh xuất sắc thì Văn Đức đã có hat-trick kiến tạo trên sân Bukit Jalil. Nhưng chỉ thế, Văn Đức đã trở thành cái tên ám ảnh cổ động viên chủ nhà Malaysia, gián tiếp khiến họ mất chức vô địch AFF Cup 2018. Lối đá đặc trưng của SLNA mấy mùa gần đây sẽ phát huy được hiệu quả nếu như người chuyền bóng và tiền vệ biên thi đấu ăn ý.
Miếng đánh biên và nỗi nhớ Văn Đức
Chắc chắn trên sân Mỹ Đình, các cầu thủ chủ nhà cũng khó lòng tổ chức cầm bóng, triển khai lối đá vây ráp, dồn ép đối thủ được. Cả 3 trận gặp ĐT Malaysia gần đây nhất (trong đó có 2 trận trên sân Mỹ Đình) chúng ta đều đá phòng ngự phản công, lấy ít đánh nhiều cần cầu thủ tốc độ, đường chuyền chính xác.
Khi Văn Đức chấn thương không thi đấu, cầu thủ nào sẽ gây đột biến cho ĐT Việt Nam là cả một vấn đề lớn mà ông Park cần giải quyết. Chắc chắn đây phải là cầu thủ có tốc độ, phối hợp tốt với các đồng đội bằng những đường chuyền có tính đột biến và độ sáng tạo cao. Hiện ông Park đang có chân chuyền khá tốt như Tuấn Anh, Anh Tuấn, Xuân Trường, vấn đề ai sẽ là người đá thay Văn Đức?
Phan Văn Đức trên sân tập. Ảnh tư liệu: Như Đạt |
Cầu thủ gốc Lâm Đồng sinh năm 1993 sau đó bỏ dở buổi tập của đội do bị rách cơ đùi trước, cần rời xa sân cỏ ít nhất 1 tuần để hồi phục. Sở hữu tiền sử chấn thương dày đặc, tài năng một thời của bóng đá Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều giải đấu lớn.
Người thứ 2 có thể thực hiện miếng đánh này chính là Văn Toàn. Cùng với Nghiêm Xuân Tú (Than Quảng Ninh) thì số 9 của HAGL này là một trong những tiền vệ biên có cú nước rút kiểu vận động viên điền kinh. Nhưng lối đá của Văn Toàn có phần rối rắm hơn Văn Đức nên hiệu quả không cao.
Người thứ ba, đó chính là Trọng Hoàng, vốn là cầu thủ lò SLNA. Gần đây khi chất lượng đường tạt bóng đã được cải thiện thì tiền vệ này hoàn toàn có thể đảm đương được nhiệm vụ này.