Dự án 600 và nguy cơ trí thức trẻ thất nghiệp
(Baonghean) - Sau 5 năm, các đội viên thuộc Dự án Thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND các xã nghèo (gọi tắt là Dự án 600) đã khẳng định được sự đóng góp của mình. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thí điểm công tác, các trí thức trẻ đang có nguy cơ thất nghiệp do việc bố trí công tác cho họ gặp nhiều khó khăn.
Những đóng góp
Vi Viết Kiều là Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thái - 1 trong 12 đội viên Dự án 600 triển khai tại huyện Tương Dương. 5 năm lăn xả trong công việc, Vi Viết kiều đã góp phần giúp xã Tam Thái về đích nông thôn mới, kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển. Ông Kha Văn Thanh, người được Vi Viết Kiều hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khá giả bằng nghề chăn nuôi, cho biết: “Phó Chủ tịch xã Vi Viết Kiều làm được nhiều việc khiến dân bản nể trọng”.
Phó Chủ tịch xã Tam Thái (Tương Dương) Vi Viết Kiều (ngoài cùng, bên phải) thăm mô hình nuôi cá lồng của người dân. Ảnh: Hoài Thu |
Tại huyện Tương Dương có 12 đội viên làm việc tại 12 xã, theo đánh giá của đồng chí Phạm Trọng Hoàng - Bí thư Huyện ủy, thì “những đội viên của Dự án 600 đã tham mưu giúp UBND xã ban hành quy chế làm việc; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; xây dựng và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ... góp phần giúp thay đổi nhận thức của cán bộ công chức đối với việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, từng bước thay đổi lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức cấp xã”.
Còn tại huyện Kỳ Sơn, có 8 đội viên giữ cương vị Phó Chủ tịch 8 xã như Phà Đánh, Huồi Tụ, Bảo Thắng, Mường Lống... Đánh giá năng lực công tác của từng cá nhân các đội viên này, đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, cho biết: “Các phó chủ tịch trẻ thuộc Dự án 600 đã giúp củng cố mối quan hệ gần gũi, cởi mở với cán bộ công chức cơ sở; từng bước hình thành cho cán bộ công chức các xã tinh thần tương trợ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống.
Tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp trên, của đồng nghiệp và người dân. Họ còn gương mẫu nêu cao tinh thần tuân thủ ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; tác phong làm việc nhanh nhẹn, lề lối làm việc khoa học, không ngại khó, ngại khổ nên đã lan tỏa được tới những người xung quanh. Nhiều người đã hoàn thành xuất sắc vai trò công tác, có nhiều đóng góp cho cơ sở như Lê Đình Tài ở xã Phà Đánh, Hạ Bá Lỳ ở xã Huồi Tụ, Vi Văn Duy ở xã Bảo Nam; Lưu Đức Cường ở xã Tây Sơn...”.
Nói về những đóng góp của Lô Thị Trà My - Phó Chủ tịch UBND xã, đội viên Dự án 600, đồng chí Lộc Quốc Việt - Bí thư Đảng ủy xã Xá Lượng, huyện Tương Dương cho biết: “Chị Trà My về nhận công tác tại xã đã 5 năm, phụ trách mảng nông, lâm nghiệp rất hiệu quả; đã tham mưu giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các loại rau màu ngắn ngày; khai hoang trồng lúa nước ở những nơi có diện tích bằng phẳng như ở bản Na Bè. Đặc biệt, là tích cực đẩy mạnh phong trào trồng rừng. Đến nay, diện tích trồng rừng đã đạt hơn 95% kế hoạch (20,9ha); cây sắn đạt 105% kế hoạch (21/20ha kế hoạch)”.
Phó Chủ tịch UBND xã Xá Lượng (Tương Dương) chị Lô Thị Trà My (ngoài cùng, bên phải) tham gia làm đường giao thông. Ảnh: Hoài Thu |
Hầu hết các đội viên Dự án 600 khi về công tác ở cơ sở đều được giao phụ trách phát triển kinh tế, đây là lĩnh vực quan trọng nhất giúp các địa phương vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân. Và hầu hết các đội viên khi về tiếp nhận đã tìm hiểu cơ sở và tham mưu nhiều cách phát triển kinh tế, xây dựng được các mô hình hay, có hiệu quả.
Trong đó chủ yếu là hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đồng thời xây dựng các mô hình chăn nuôi phù hợp với các huyện miền núi. Ví như tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Minh Tuấn, là đội viên Dự án 600, đã tham mưu, hướng dẫn bà con dân bản chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả theo hướng “mùa nào thức nấy”. Đến nay toàn xã đã có 5ha trồng rau sạch; nhiều hộ chăn nuôi gà, dê cho thu nhập khá ổn định.
Hay như tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, theo đánh giá của Bí thư Chi bộ bản Trung Tâm Vừ Vả Chống thì đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã là Hạ Bá Lỳ đã có nhiều đóng góp giúp bản làng từng bước vươn lên phát triển kinh tế cho thu nhập cao. Hạ Bá Lỳ đã tham mưu, hướng dẫn giúp người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, lựa chọn các giống cây con phù hợp, hiệu quả cao. Hiện toàn xã Huồi Tụ có gần 500 ha chè, tổng đàn bò là 3.000 con giúp người dân yên tâm làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo. “Cùng với Hạ Bá Lỳ, nhiều đội viên Dự án 600 công tác tại Kỳ Sơn đã góp phần giúp cho đời sống người dân được cải thiện đáng kể, đặc biệt là việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp”, đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết.
Khó khăn cần tháo gỡ
Nghệ An có 26 người trúng tuyển giữ chức phó chủ tịch xã thuộc 3 huyện miền núi gồm Kỳ Sơn (8 người), Tương Dương (12 người) và Quế Phong (5 người). Trong đó, có 24/26 người được phân công phục trách lĩnh vực kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND xã Châu Kim (Quế Phong) Hà Minh Tuấn kiểm tra sổ sách hành chính tại cơ quan. Ảnh: Hoài Thu |
Những trí thức trẻ thuộc Dự án 600 về công tác tại các xã nghèo của các huyện 30a hầu hết đều tiếp nhận công việc với tâm thế của một người trẻ, có hoài bão, quyết tâm cống hiến. Họ sẵn sàng vượt qua các khó khăn, gian khổ trong công tác, lăn lộn với cơ sở, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó họ còn gặp phải nhiều khó khăn.
Theo khảo sát, đánh giá của Bộ Nội vụ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Dự án 600 tại các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, thì “một số nơi vẫn còn tâm lý cho rằng hết dự án thì trả đội viên cho cấp trên để bố trí, sử dụng, do đó chưa tạo điều kiện thực sự để đội viên rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành; chưa tin tưởng vào đội viên, chưa mạnh dạn bố trí quy hoạch họ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở địa phương”. Đến năm 2017, sau 5 năm thực hiện thí điểm, Dự án 600 chính thức kết thúc.
Điều này đồng nghĩa với việc các đội viên dự án đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp khi nhiều nơi chưa tìm được vị trí để bố trí công tác cho các đối tượng này. Nói về vấn đề này, đồng chí Đậu Văn Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Hiện dự án đã kết thúc, ngoài huyện Tương Dương đã bố trí được 12/12 đội viên dự án tiếp tục giữ chức vụ phó chủ tịch xã, thì tại 2 huyện còn lại là Kỳ Sơn và Quế Phong mới chỉ có 3/13 đội viên được sắp xếp bố trí tiếp tục công tác. Số còn lại chưa sắp xếp được do chưa có vị trí”.
Bên cạnh đó, tuy ở huyện Tương Dương các đội viên đã được tiếp tục quy hoạch, bố trí chức danh phó chủ tịch UBND xã, nhưng hiện nay huyện vẫn đang vướng mắc về cơ chế quản lý, sử dụng đối với số cán bộ này (được tuyển dụng theo Đề án 600) và cần được các cấp ngành chức năng hướng dẫn thực hiện, đảm bảo quyền lợi cho các đội viên.
Cũng phản ánh về thực trạng này, đồng chí Lang Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Tại Quế Phong, 5/5 đội viên Dự án 600 đều được cấp ủy, chính quyền xã quy hoạch các chức vụ chủ chốt, có 2 đội viên tại 2 xã Quế Sơn và xã Đồng Văn được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2016-2021. Tuy nhiên, do thực hiện Chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108/CP và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên việc bố trí, sử dụng các đội viên còn lại sau khi Dự án kết thúc gặp phải những khó khăn nhất định. Đề nghị Trung ương và cấp tỉnh có quy định chế độ, chính sách cụ thể trong bố trí vị trí việc làm đối với các đội viên sau khi dự án kết thúc”.
Đó cũng chính là đề nghị chung của không chỉ của tỉnh Nghệ An mà còn của cả các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ đối với hướng tiếp tục bố trí công tác cho các đội viên Dự án 600 với mục đích phát huy khả năng, năng lực của các đội viên, giúp các xã nghèo các huyện biên giới của tỉnh từng bước vươn lên khấm khá; đồng thời giúp tiếp tục duy trì thực hiện một chính sách hiệu quả mà Đảng, Nhà nước đã ban hành.
Hoài Thu
TIN LIÊN QUAN |
---|