Dự án định canh, định cư bị "treo"
(Baonghean)- Từ năm 2008, toàn tỉnh có 10 dự án định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện theo Quyết định 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cho đến nay, chỉ duy nhất có 1 dự án đã thực hiện xong, nhưng còn thiếu nợ; số còn lại đều trong tình trạng: treo, dở dang và đắp chiếu…
Dự án phê duyệt 6 năm nhưng dân không biết
Ở huyện Anh Sơn, dự án định canh, định cư Thung Chanh được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2009. Dự án này, mục tiêu nhằm ổn định cuộc sống cho 54 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 2 bản Khe Trằng Hạ và Khe Trằng Thượng (xã Thọ Sơn) sống du canh, du cư trên địa bàn. Thế nhưng, về xã Thọ Sơn, thật ngạc nhiên vì dự án được phê duyệt đã 6 năm nhưng người dân chẳng ai hay biết biết khu vực làng định canh, định cư Thung Chanh thực sự ở khu vực nào...
Đường dự án định canh, định cư Thung Chanh nhỏ hẹp và cây bụi chen lấn. |
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Chủ tịch MTTQ xã Thọ Sơn là người được cử đưa chúng tôi vào khu vực thực hiện dự án định canh, định cư Thung Chanh. Theo thiết kế, nền đường rộng 3,5m, mặt đường rộng 2,5m, nhưng do bị cỏ, cây bụi che khuất lấp nên hiện trạng chỉ còn rộng gần 2m; bề mặt nhiều đoạn lô nhô đá núi, hủm cát; thậm chí có một đoạn đã bị sạt lở, cây bụi mọc um tùm. Trên toàn tuyến, có 5 cầu tràn được xây dựng và 2 trong số đó đã bị sập và bị nước lũ cuốn trôi. Đi quá nửa tuyến đường, thấy một vài túp lều nhỏ của một số người dân xã Thọ Sơn, mà đa phần là đồng bào dân tộc Thái ở 2 bản Khe Trằng Hạ và Khe Trằng Thượng. Ông Thắng cho biết: “Do thiếu đất sản xuất nên dù khu định canh, định cư chưa được quy hoạch nhưng họ đã làm lán trại tại vùng Thung Chanh” - ông Thắng nói.
Tại trại của gia đình anh Lộc Văn Công (trú tại xóm Khe Trằng Hạ), anh cho biết là 1 trong 54 hộ đăng ký xin định canh, định cư nhưng "chờ 6 năm vẫn chưa thấy dự án thực hiện, nên phải làm trại để tiện cho sản xuất”. Ông Lộc Văn Hải - Xóm trưởng Khe Trằng Hạ thì nói: “Trong 54 hộ dân đăng ký, nay chỉ gần 30 hộ là mong muốn dự án tiếp tục”.
Bí thư Đảng ủy xã Thọ Sơn trao đổi với phóng viên về dự án định canh, định cư Thung Chanh. |
Gặp Bí thư Đảng ủy La Văn Hoạt, hỏi về quy hoạch và tổng mức đầu tư dự án định canh, định cư Thung Chanh. Ông cho biết, xã chỉ nắm được một số thông tin về đường và cũng không đồng tình vì thiết kế “quá bất hợp lý”; còn khu quy hoạch như thế nào, tổng dự toán bao nhiêu xã không biết. Hỏi huyện rồi nhưng không thấy trả lời …
Không chỉ Thung Chanh.
Năm 2014, HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát 2 dự án thực hiện theo Quyết định 33/QĐ-TTg ở Anh Sơn và Quỳ Hợp. Dự án Thung Chanh của Anh Sơn thì như đã nói trên. Với dự án Piêng Luống tại huyện Quỳ Hợp, UBND tỉnh đã phê duyệt năm 2009 để định canh, định cư cho 50 hộ đồng bào dân tộc tại xã Châu Thành. Dự án có tổng mức đầu tư gần 18,7 tỷ đồng và đến năm 2013 đã được cấp hơn 7 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương; 1 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Với số vốn trên, UBND huyện Quỳ Hợp đã xây dựng được các hạng mục gồm: đường nối lên bản tái định cư, trạm điện hạ thế, đường nội vùng và san ủi mặt bằng giai đoạn 1 khoảng 1,8 ha, cắm mốc phân lô cho 30 hộ tình nguyện đến trước; đường ống dẫn nước tự chảy cũng đã thực hiện nhưng còn dang dở, hiện đã có tình trạng hư hỏng, mất mát. Sau khi giám sát, HĐND tỉnh đề nghị Trung ương và UBND tỉnh tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về vốn để dự án được tiếp tục thực hiện và hoàn thành trong năm 2015. Nhưng đến nay, chưa được bố trí vốn.
Đây là khe suối nhưng cũng đồng thời là đường đi lại của người dân vào khu TĐC Cà Moong. |
Theo báo cáo mới nhất của Ban Dân tộc tỉnh, trên địa bàn toàn tỉnh có 12 dự án định canh, định cư tập trung và 33 điểm định canh, định cư xen ghép theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Quyết định 33/QĐ-TTg, rà soát điều kiện thực tế của địa phương thì UBND tỉnh quyết định đầu tư 10/12 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư 171,880 tỷ đồng (vốn Trung ương chiếm hơn 60 triệu đồng, vốn đối ứng của địa phương và lồng ghép các nguồn vốn khác 111,8 triệu đồng).
Theo quy định, đường vào khu TĐC Cà Moong dài 3km phải được xây dựng chuẩn đường loại A, kết cấu mặt đường được xây dựng bằng các vật liệu cứng. Nhưng, tuyến đường này mới được san nền đất, chỉ sau một cơn mưa nhỏ đã nhão nhoét, trơn trượt. |
Đến hết năm 2014, nguồn vốn Trung ương phân bổ đã hoàn tất; nguồn vốn của tỉnh đạt trên 24 tỷ đồng. Trong 10 dự án, chỉ có dự án ở bản Pủng, xã Lưu Kiền (Tương Dương) là xây dựng xong, nhưng thiếu vốn để trả nợ; 4 dự án đã xây dựng cơ bản các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm dự án ở xã Bắc Lý (Kỳ Sơn), dự án ở xã Bình Chuẩn (Con Cuông), dự án ở xã Tam Hợp (Tương Dương), dự án ở xã Nậm Nhóng (Quế Phong) và đã có các hộ dân chuyển đến tái định cư; 1 dự án ở xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn) người dân đã chuyển đến nhưng thiếu các công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu để phục vụ đời sống và sản xuất; 4 dự án ở xã Châu Thành (Quỳ Hợp), Thọ Sơn (Anh Sơn), Keng Đu (Kỳ Sơn), Châu Khê (Con Cuông) chưa đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng để đưa dân về tái định cư. Vì vậy, qua 7 năm thực hiện, mới chỉ có 245 hộ dân được về nơi ở mới; còn 252 hộ dân chưa thể về ở tại các làng định canh, định cư.
Chưa quan tâm đúng mức!
Như thế, cả 10 dự án đều đang thực hiện dang dở. Khối lượng xây dựng cần phải thực hiện rất lớn, trong khi nguồn vốn thiếu trầm trọng, nên để đạt mục tiêu hoàn thành di dân thực hiện định canh, định cư vào năm 2015 theo kế hoạch được phê duyệt là không đạt được. Từ đây, kéo theo bao hệ lụy là đời sống vật chất, tinh thần của người dân chưa được cải thiện, điều kiện phát triển sản xuất chưa thật sự bền vững.
Thực trạng của các dự án, Ban Dân tộc tỉnh cũng nêu ra một số hạn chế, bất cập. Đó là, công tác khảo sát ban đầu của các địa phương để lập dự án không sát với điều kiện khó khăn thực tế nên khi triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập; tác động của thiên tai ảnh hưởng đến việc xây dựng và duy trì chất lượng các công trình, dự án; dự án kéo dài, hàng năm có biến động lớn về giá nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời; kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, mức hỗ trợ cho cộng đồng và trực tiếp cho các hộ còn quá thấp, thời gian hỗ trợ không dài, trong khi đời sống người dân còn thấp nên khả năng huy động vốn hợp pháp khác là không thể thực hiện được...
Với câu hỏi trách nhiệm về những tồn tại trong thực hiện các dự án theo Quyết định 33/QĐ-TTg thuộc về ai? Theo ông Sầm Văn Bửu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Địa bàn (Ban Dân tộc tỉnh): “Nguyên nhân cơ bản vẫn là khó khăn về vốn. Còn về trách nhiệm, trước tiên phải là các cơ quan đã ban hành quyết định thực hiện dự án…”. Ông Sầm Văn Bửu cũng cho hay, bởi nguồn vốn là cấp thiết nên Ban Dân tộc tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh trước mắt cần cấp hỗ trợ cho các dự án đang xây dựng dở dang nhưng có tính khả thi cao, đã chuyển dân đến tái định cư; đã xây dựng được cơ bản các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu...; bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian thực hiện chính sách theo Quyết định 33/QĐ-TTg đến năm 2020. Và, đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn, tập trung chỉ đạo quyết liệt để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Cầu tràn tại dự án Thung Chanh (Anh Sơn) sập và bị nước lũ cuốn trôi. |
Hiện rất nhiều địa phương đang mong muốn được cấp nguồn vốn để hoàn thành dự án định canh, định cư. Như ở Anh Sơn, đang chỉ đạo soát xét lại thực trạng của dự án, phân tích những vấn đề tồn tại, bất cập của quá trình xây dựng dự án, thi công xây dựng một số hạng mục ở Thung Chanh để xem xét thống nhất cho chủ trương có tiếp tục thực hiện được dự án nữa hay không; và nếu tiếp tục thực hiện sẽ cần nguồn vốn ra sao để đề đạt lên cấp trên xem xét cấp nguồn.
Tuy nhiên, cần phải nhận thấy các dự án định canh, định cư theo Quyết định 33/QĐ-TTg chưa có sự quan tâm đúng mức dù mục tiêu đề ra là rất tốt và mang tính cấp bách. Điều này có thể chỉ ra ngay từ việc bố trí nguồn vốn đầu tư. Về nguồn vốn của Trung ương, dù chưa sát với tình hình thực tế, nhưng đã cấp đủ. Trong khi đó, qua bao nhiêu năm, nguồn vốn của tỉnh mới chỉ cấp được khoảng 24/111,8 tỷ đồng. Tỉnh ta còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, việc chỉ cấp cho các dự án này bình quân khoảng 4 tỷ đồng/năm rõ ràng là chưa cân đối. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu thì đã có những điều tiếng ì xèo trong quản lý; lựa chọn nhà thầu thi công các dự án này. Mà điển hình như với dự án Thung Chanh, cung cách lập dự án, rồi thiết kế, thi công như vậy thực sự là điều đáng xem xét, rút kinh nghiệm...
Nhật Lân - Phạm Bằng
TIN LIÊN QUAN