Dự án RALG: Tăng cường sự tương tác giữa chính quyền với người dân

Thanh Lê 23/12/2018 07:40

(Baonghean.vn) - Tăng cường sự tương tác giữa chính quyền với người dân để thúc đẩy hiệu quả điều hành, thực thi chính sách và quản lý Nhà nước ở địa phương là mục tiêu hướng tới của Dự án “Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được” (RALG) tại Nghệ An do Chính phủ Bỉ tài trợ.

Dự án

Họp Ban Chỉ đạo “Dự án hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được” (RALG) tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Lê

Tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương

Dự án RALG được triển khai tại Nghệ An tập trung vào 2 lĩnh vực chiến lược. Đó là tăng sự phản hồi và tham gia của người dân vào việc xây dựng chính sách, quản lý Nhà nước các cấp, tăng cường năng lực chính quyền địa phương ở tất cả các cấp để tiếp cận, phân tích và sử dụng phản hồi từ người dân.

Tăng cường sự tham gia của người dân được coi là phương tiện để tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và đáp ứng đúng nhu cầu của quản lý Nhà nước tại địa phương, cải thiện dịch vụ và tăng mức độ hài lòng của người dân.

Qua thời gian triển khai 1 năm, Dự án RALG đã có những nỗ lực trong việc thiết kế và thực hiện những phương pháp truyền thông phù hợp để tăng cường hiểu biết, đối thoại giữa người dân và chính quyền các cấp. Các biện pháp và sáng kiến đổi mới đã được tiến hành để phù hợp hóa các thông tin phổ biến tới các cộng đồng dân tộc thiểu số; các vấn đề cần ưu tiên trong truyền thông mà người dân quan tâm như quy hoạch sử dụng đất, công khai minh bạch ngân sách, quyền của công dân trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...

Tập huấn cải cách hành chính cho cán bộ văn phòng cấp xã. Ảnh: Thanh Lê
Tập huấn cải cách hành chính cho cán bộ văn phòng cấp xã. Ảnh: Thanh Lê

Dự án cung cấp các tờ rơi và trang web để phổ biến thông tin liên quan và thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử theo cách thân thiện hơn với người dân.

Bên cạnh đó, dự án triển khai các hoạt động xây dựng năng lực cho HĐND và các tổ chức đoàn thể, hỗ trợ cải thiện đối thoại chính quyền và người dân. Tổ chức cho các đoàn viên cấp huyện và xã tham gia vào các hội thảo về công tác thanh niên, xây dựng chính quyền cơ sở, đánh giá, phản hồi và thu thập thông tin.

Hoạt động này không chỉ giúp các đoàn viên tăng thêm kiến thức mà còn trang bị thêm cho họ những kỹ năng cần thiết trong hỗ trợ cộng đồng. Các thành viên Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng từ 29 xã, phường được tập huấn về chức năng giám sát. Thông qua các hoạt động trên đã góp phần thúc đẩy năng lực của HĐND và các tổ chức, đoàn thể trong việc hỗ trợ đối thoại 2 chiều giữa người dân và chính quyền.

Tập huấn người phát ngôn báo chí cho cán bộ
Dự án RALG hỗ trợ Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình tập huấn người phát ngôn báo chí cho các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị. Ảnh: Thanh Lê

Ngoài ra, dự án còn tổ chức các chuyến đi tham quan học hỏi kinh nghiệm và cách thực hành tốt trong việc thu thập, phân tích và sử dụng ý kiến phản hồi của người dân, chức năng giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng.

Cùng với các kiến thức và kinh nghiệm đã được trang bị, HĐND và các tổ chức, đoàn thể sẽ tối đa hóa vai trò và chức năng của họ trong thúc đẩy tương tác đối thoại 2 chiều giữa người dân và chính quyền.

Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ xây dựng chiến lược truyền thông để giúp thông tin trở nên dễ hiểu và dễ tiếp cận hơn đối với người dân. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp và Ban Dân tộc xây dựng các sản phẩm truyền thông.

Cụ thể gồm: 1.500 cuốn sổ tay hướng dẫn cho người phát ngôn và cung cấp thông tin, 73.400 tờ rơi về quyền tham gia ý kiến của người dân, 59.000 tờ rơi về quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch; và 4.000 cuốn sổ tay phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

“Chúng tôi trông đợi những thay đổi tích cực tại các vùng được dự án hỗ trợ cũng như sự cộng tác chặt chẽ và hiệu quả của chính quyền các cấp ở Nghệ An trong quá trình thực hiện. Điều này sẽ góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa Bỉ và Việt Nam”.

Bà Roccas - Đại sứ Vương Quốc Bỉ tại Việt Nam

Hỗ trợ công tác cải cách hành chính

Một trong những nội dung quan trọng được dự án triển khai là hướng tới lập kế hoạch, điều phối và giám sát cải cách hành chính (CCHC) một cách hiệu quả. Dự án cũng đã cung cấp các khóa tập huấn tới các cán bộ tại các điểm một cửa và sẽ hỗ trợ các điểm một cửa ở cấp xã, huyện các thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) cần thiết cho hoạt động vận hành hàng ngày.

Hoạt động này góp phần tạo ra một đầu mối hiệu quả và dễ tiếp cận tới các dịch vụ hành chính, thúc đẩy thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại cấp xã, huyện, tiết kiệm thời gian và ngân sách thực hiện các thủ tục hành chính công.

Cùng đó, dự án đã nỗ lực củng cố năng lực chuyên môn và tổ chức cho các sở, ban, ngành trong thu thập, phân tích và sử dụng phản hồi của người dân liên quan tới cải cách hành chính công và quản trị địa phương.

Song song dự án đã tập trung xây dựng một hệ thống trực tuyến để thu thập phản hồi của người dân và các tổ chức về công tác cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan hành chính.

Cán bộ xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân qua Bộ phận một cửa. Ảnh: Thanh Lê
Cán bộ xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân qua Bộ phận một cửa. Ảnh: Thanh Lê

“Thông qua các hoạt động được Dự án RALG hỗ trợ, các cơ quan hành chính cũng sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về mức độ hài lòng của người dân và các tổ chức đối với dịch vụ công của họ, và qua đó, có thể tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, tăng cường trách nhiệm, cải thiện và nâng cao thái độ, tác phong của các cán bộ đối với người dân và các tổ chức khác”, Trưởng Phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ Phạm Văn Lương đánh giá.

Bên cạnh đó, Dự án RALG đã phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An cùng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) tổ chức hội thảo đối thoại giữa cán bộ có thẩm quyền, doanh nghiệp địa phương và các chuyên gia, cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về tình hình hiện tại và các thử thách trong lĩnh vực thủ tục hành chính, dịch vụ công góp phần cải thiện, thúc đẩy môi trường đầu tư và kinh doanh tại tỉnh Nghệ An.

Cán bộ xã Tào Sơn (Anh Sơn) tiếp công dân. Ảnh: Thanh Lê
Cán bộ xã Tào Sơn (Anh Sơn) tiếp công dân. Ảnh: Thanh Lê

Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hoàng Vĩnh Trường - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án RALG Nghệ An đánh giá: “Với những kết quả bước đầu do dự án hỗ trợ sẽ là cơ sở cải thiện nhất định đối với chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) nói riêng, sự tương tác giữa chính quyền và người dân nói chung, dẫn tới hoạt động của chính quyền địa phương đạt hiệu quả cao hơn, cũng như cung cấp dịch vụ công tốt hơn, hướng đến cải thiện dịch vụ công và tăng cường sự hài lòng của người dân trong thời gian tới ở các địa phương”.

Dự án RALG được thực hiện từ 20/10/2017 - 30/6/2019. Dự án thực hiện tại 2 huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp và thị xã Cửa Lò, trong đó 12 xã được lựa chọn của huyện Quỳ Châu, 10 xã tại Quỳ Hợp và 7 phường tại thị xã Cửa Lò. Dự án do Vương quốc Bỉ tài trợ 1.000.000 EUR và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam là 1.500 EUR. Toàn Dự án RALG Nghệ An có 55 hoạt động, gồm 40 ở cấp tỉnh, huyện và 15 ở cấp xã.

Dự án RALG: Tăng cường sự tương tác giữa chính quyền với người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO