Dù kiên quyết xử lý nhưng tội phạm tham nhũng vẫn gia tăng, vì sao?
Nguyên nhân là do sự sơ hở trong quy định của pháp luật, do công tác tổ chức thi hành pháp luật hay là do nhận thức của cán bộ dẫn tới coi thường pháp luật?
Công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận ngày 15/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số đại biểu đặt câu hỏi, thời gian qua, chúng ta xử lý kiên quyết loại tội phạm này nhưng vì sao, số vụ án và số người phạm tội vẫn không có dấu hiệu giảm?
Theo báo cáo Chính phủ, tội phạm tham nhũng vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong năm 2022 đã xử lý 637 vụ với 1.366 bị can phạm tội tham nhũng, tăng 107 vụ, 311 bị can so với cùng kỳ năm trước.
Vì sao kiên quyết xử lý nhưng vẫn gia tăng?
Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc hơn nguyên nhân tại sao chúng ta kiên quyết xử lý và xử lý rất mạnh nhưng loại tội phạm này vẫn gia tăng. Đây là do sự sơ hở trong quy định của pháp luật, do công tác tổ chức thi hành pháp luật hay là do nhận thức của cán bộ dẫn tới coi thường pháp luật. Cần có sự phân tích và đánh giá sâu sắc để có định hướng, những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. |
Ông Hoàng Thanh Tùng cũng chỉ rõ, lĩnh vực chứng khoán, đấu thầu, đấu giá tài sản, nhất là trong đấu giá tài sản xuất hiện những hành vi vi phạm pháp luật như: thẩm định giá, thẩm định thầu, thông đồng chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, dùng “quân xanh, quân đỏ” thao túng giá trúng thầu, mua bán lòng vòng để nâng giá nhiều lần.
“Đây là những hành vi rất điển hình xảy ra trong một loạt vụ, nhất là liên quan đến đất đai, đất đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị báo cáo làm rõ thêm nguyên nhân vì sao thời gian qua rất nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, nguy hiểm cũng đã được xử lý hết sức quyết liệt và xử lý nghiêm, có tính răn đe rất cao nhưng mà loại tội phạm này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm mà lại còn tăng lên tương đối cao. Đặc biệt là những vụ án như ở Công ty cổ phần Việt Á, vụ án Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Tập đoàn FLC, do đó đề nghị phân tích sâu hơn và có giải pháp hữu hiệu để kiềm chế, đẩy lùi loại tội phạm này” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.
Đề cao giải pháp phòng ngừa tham nhũng
Về giải pháp, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực pháp luật phòng, chống tham nhũng thì phải tính đến đối tượng rất đặc thù của loại tội phạm này.
“Đối tượng vi phạm ở đây chủ yếu là những cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn, cho nên thực tế nhận thức của những đối tượng này không phải là thấp. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật này cần phải đầu tư hình thức phù hợp để làm sao thực chất, hiệu quả, tránh việc tuyên truyền, phổ biến cũng giống đối với người dân nói chung thì không phù hợp” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ.
Ngoài ra, ông Tùng cũng đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện tốt công tác công khai thông tin, nhất là các thông tin chế độ, chính sách về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị,... để hạn chế những cơ hội mà người dân không nắm rõ, dẫn đến tình trạng phải “thế này thế kia” để được giải quyết những vấn đề của mình. Không nắm vững quy định của pháp luật cũng là một nguy cơ dẫn đến sự gia tăng những hành vi tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt.
Thứ hai, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa đối với loại tội phạm này để có thể ngăn chặn ngay từ đầu, không phải chờ đến khi hành vi xảy ra rồi chúng ta mới xử lý.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị báo cáo của Chính phủ làm rõ hơn biện pháp xử lý đối với trường hợp vi phạm đã được nêu trong báo cáo, cụ thể là 98 trường hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động; 283 vụ việc, 386 người vi phạm việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ; 74 trường hợp thuộc diện kê khai tài sản nhưng kê khai không đúng; 19 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Báo cáo liệt kê thông tin, số liệu rất đầy đủ nhưng không rõ là đã xử lý như thế nào, chỗ này cần phải bổ sung.
Đại diện Ủy ban Pháp luật đề nghị báo cáo nhấn mạnh hơn đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng bởi đây là một lực lượng hết sức quan trọng và cần phòng, chống tham nhũng trong chính các cơ quan có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng./.