Dự thảo Luật Dân số: Nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ vợ chồng trong việc sinh con
Trao quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh cho các cặp vợ chồng, cá nhân là một trong những nội dung đang được lấy ý kiến trong dự thảo Luật Dân số. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận và của đông đảo người dân.
Nhiều quy định không còn phù hợp
Trước đó, Pháp lệnh Dân số năm 2008 sửa đổi Điều 10, Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được:
"1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con. 2. Sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định...". Tuy nhiên, khi Hiến pháp năm 2013 ra đời, một số quy định này đã không còn phù hợp. Theo Bộ Y tế, quy định quyền quyết định số con của cặp vợ chồng, cá nhân phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến công tác dân số, các cam kết chính trị mà Việt Nam đã đưa ra tại các diễn đàn đa phương về quyền sinh sản.
Qua 20 năm thực hiện, Pháp lệnh Dân số đã bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Ngoài ra, các vấn đề dân số và kinh tế - xã hội hiện nay đã có những thay đổi khác biệt so với thời điểm ban hành Pháp lệnh.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật mới được ra đời, đòi hỏi phải thay đổi quan điểm, mục tiêu, biện pháp điều chỉnh các vấn đề dân số và bảo đảm các quy định về dân số phù hợp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Liên quan đến việc lấy ý kiến về dự thảo Luật dân số mới, trong báo cáo đánh giá tác động đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cũng chỉ rõ, từ năm 2006, nước ta đã đạt mức sinh thay thế và giữ được mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc. Thậm chí hiện nay, mức sinh thay thế đang giảm nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
Gần đây nhất, tổng tỷ suất sinh năm 2022 đạt 2,01 con/phụ nữ; năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. Mức sinh còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, sự chênh lệch này chưa được thu hẹp rõ rệt. Trong đó, xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Tại một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con/phụ nữ. Thống kê hiện trên cả nước, có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Duyên hải miền Trung.
Để duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con. Khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân.
Với việc ‘Trao quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh cho các cặp vợ chồng”, theo Bộ Y tế, giải pháp này khắc phục tình trạng mức sinh xuống quá thấp, khó vực lên như kinh nghiệm của một số quốc gia, gây già hóa trầm trọng dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bài toán khó đối với Nghệ An
Trong khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước mức sinh đã xuống thấp hoặc đạt mức sinh thay thế, thì Nghệ An vẫn là một tỉnh có mức sinh cao và là 1 trong 4 tỉnh có quy mô dân số lớn nhất cả nước. Hiện dân số trên toàn tỉnh là hơn 3,5 triệu dân (đứng thứ 4 cả nước); là tỉnh có mức sinh cao thứ 6 cả nước (2,61 con/phụ nữ) và vẫn có xu hướng tăng.
Đáng lưu ý là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có giảm nhưng chưa đáng kể và vẫn còn rất cao (28,08%); tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức cao (116,33 bé trai/100 bé gái); chất lượng dân số mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp… Thực tế, trong khi cả nước đã chuyển trọng tâm từ dân số - kế hoạch hóa và gia đình sang dân số và phát triển, thì Nghệ An vẫn đang phải thực hiện song song hai nhiệm vụ, đó là vừa phải giảm mức sinh vừa nâng cao chất lượng dân số.
Từ những khó khăn trên, nếu Luật Dân số mới được thông qua và chính thức được ban hành, việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân số còn rất nhiều khó khăn.
Tại xã Xuân Lam (Hưng Nguyên) là xã đông dân (sáp nhập từ 2 xã Hưng Xuân và Hưng Lam), có nhiều đối tượng đặc thù nên mỗi năm số trẻ sinh ra trên địa bàn xã rất cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm tỷ lệ không nhỏ. Những năm qua, dù đã có rất nhiều giải pháp, nhưng việc vận động người dân giảm sinh vẫn còn hết sức vất vả. Gần đây, xu hướng sinh con thứ 3 tập trung nhiều hơn vào những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả và một bộ phận là cán bộ, công nhân viên chức.
Qua thực tế làm công tác dân số tại cơ sở, chị Nguyễn Thị Vân, viên chức Dân số - Trung tâm Y tế xã Xuân Lam (Hưng Nguyên), cho biết: Chúng tôi đồng tình với chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đưa ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần phù hợp với đặc thù của từng vùng miền để chúng tôi có thể dựa trên những quy định để vận động người dân nâng cao chất lượng dân số. Mục tiêu là đảm bảo được khoảng cách giữa các lần sinh, số con sinh ra và làm sao phải có các chính sách phù hợp giúp người dân được nuôi dạy con tốt, đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội.
Tại thành phố Vinh, nơi có mức sinh còn cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có nơi trên 20%, bà Phùng Thị Thanh, Trưởng phòng Dân số - Truyền thông - Trung tâm Y tế thành phố Vinh bày tỏ sự lo ngại: "Tôi cho rằng, khi Luật Dân số mới được thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều gia đình, nhất là những gia đình có kinh tế và trình độ dân trí cao với mong muốn sẽ được sinh thêm con. Như vậy, áp lực sẽ đè lên những người làm công tác dân số, nhất là khi hiện nay nhiệm vụ này đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Chưa kể, nếu tăng mức sinh, áp lực về lâu dài đối với thành phố sẽ là trường học, là y tế, là thi cử. Đây là những vấn đề nan giải đã diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn thành phố Vinh".
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quang, Trưởng phòng Truyền thông – Giáo dục, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho rằng, trong bối cảnh chung của cả nước hiện nay khi tổng tỷ suất sinh trong những năm gần đây liên tục giảm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài, già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội... Hơn thế, nếu mức sinh giảm xuống dưới mức thay thế thì rất khó đưa mức sinh tăng trở lại. Vì vậy, nếu vẫn giữ nguyên quy định "Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định..." như hiện nay, sẽ không còn phù hợp với bối cảnh chung trong tương lai.
Việc quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng trong việc sinh con ở Luật Dân số sẽ giúp bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật, góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới.
ông Nguyễn Hữu Quang - Trưởng phòng Truyền thông – Giáo dục, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh
Tuy nhiên, bên cạnh những quy định chung, đặt trong bối cảnh Nghệ An, ông Quang cho rằng, song song với việc “các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh” thì người dân cũng cần quan tâm tới nhiều nội dung khác trong dự thảo, đó là “nghĩa vụ của các cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con và thực hiện chính sách, pháp luật về dân số”.
Hiện, trong Điều 9, Đề cương dự thảo Luật Dân số cũng đã đề xuất quy định về thực hiện điều chỉnh mức sinh với nhiều biện pháp mới được áp dụng để phù hợp với từng vùng, đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, từng tỉnh, thành phố. Đồng thời, đưa nội dung về điều chỉnh mức sinh và các biện pháp khác về thực hiện điều chỉnh mức sinh vào hương ước, quy ước của thôn, ấp, bản, tổ dân phố trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất của thôn, ấp, bản, tổ dân phố.
Vì thế, nếu dự thảo Luật được thông qua, các địa phương sẽ thực hiện các biện pháp khắc phục trước và sau khi ban hành luật, tránh lợi dụng việc quy định quyền tự quyết định về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân để vụ lợi, tuyên truyền, thực hiện trái với chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới./.