Đùa

Nếu bạn không may liên tục trượt chân trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc, hãy vui lòng chấp nhận lời khuyên của một kẻ nghèo kinh nghiệm như tôi rằng, dọn đến làng Vĩnh Hoàng, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị mà sinh sống.

Hẳn bạn sẽ tò mò để hỏi lại rằng, hà cớ gì mà lại phải cất công về một làng quê nghèo miền Trung đầy cát và gió ấy? Rất đơn giản, vì đó là ngôi làng mà hàng trăm năm nay có truyền thống… nói đùa!

Ngộ thế, dưới cái gầm trời chật ních những bon chen, giữa những tiếng hổn hển cơm gạo áo tiền vây bủa thì thật khó mà tưởng tượng lại tồn tại một cộng đồng lấy tiếng cười làm không gian giao tiếp. Mà không chỉ có mỗi Vĩnh Hoàng đâu, còn có cả làng đùa Văn Lang thuộc xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Thậm chí vùng đất Kinh Bắc thì gần như huyện nào cũng có “làng cười”. Đấy là miền Trung và miền Bắc, còn miền Nam thì ai mà chả nghe danh nhân vật Ba Phi huyền thoại. Thế mới biết cuộc sống vẫn đáng yêu biết nhường nào!

Đùa tất nhiên không phải là thật, nhưng khác với dối trá, đùa mang lại gia vị cho cuộc sống. Ở đâu có con người thì ở đó xuất hiện nhu cầu niềm vui, ở đâu có nhu cầu niềm vui thì ở đó xuất hiện sự đùa. Đùa là một hoạt động có chủ ý của con người thông qua các hành vi hay lời nói nhằm mang lại sự sảng khoái cho cộng đồng. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Tôi từng nghĩ đó chỉ là một cách cường điệu nhằm khích lệ tiếng cười. Nhưng không, một công trình nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, hoóc môn căng thẳng cortisol làm tổn hại các tế bào thần kinh cũng như hàng loạt vấn đề sức khỏe khác, kể cả bệnh cao huyết áp, tiểu đường và bệnh tim. Các chuyên gia đến từ Đại học Loma Linda (Mỹ) đã thực nghiệm chiếu một đoạn video gây cười. Kết quả là tình nguỵen viên giảm đáng kể lượng hoóc môn căng thẳng, người tiểu đường  giảm đáng kể nồng độ cortisol. Tiến sĩ Lee Berk, một thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích: “Mọi chuyện diễn ra rất đơn giản, khi ít bị căng thẳng hơn, bạn sẽ có trí nhớ tốt hơn. Sự hài hước giúp giảm các hoóc môn gây căng thẳng, có hại như cortisol, hạ huyết áp, tăng luân chuyển máu và cải thiện tâm trạng. Hành vi cười sảng khoái hay đơn giản là tận hưởng sự hài hước nào đó gia tăng sự giải phóng các chất endorphin và dopamine, vốn gắn với cảm giác thỏa mãn và vui thích trong bộ não”. Thấy chưa, đùa cũng là một phương pháp chữa bệnh đấy. Đừng đùa!

Có lẽ “đùa” ra đời khi khởi sinh cùng thủy tổ loài người. Trong cuộc sống không thể thiếu tiếng cười và cũng không nên để thiếu nó. Thật là buồn nếu không nói là địa ngục khi cuộc sống của chúng ta bị tước đoạt tiếng cười. Không phải ngẫu nhiên mà lĩnh vực điện ảnh có cả một dòng phim hài, sân khấu rẫy đầy hài kịch. Các diễn viên hài được người hâm mộ dành tình cảm đặc biệt. Quả là may mắn nếu chúng ta được sống bên cạnh những người thích đùa và biết đùa. Tuy nhiên đùa cũng đòi hỏi có văn hóa, có trí tuệ và có cả sự tinh tế. Đùa như thế nào, đùa với ai, đùa vào lúc nào, đùa ở đâu là những câu hỏi cần thường trực trong ý thức dù bạn có khiếu hay không có khiếu hài hước. Không phải lúc nào đùa cũng mang lại niềm vui, thậm chí nó có thể làm tổn thương kẻ khác. Tôi có một anh bạn rất vui tính, hình như mọi thứ trên người anh đều mang theo thông điệp của tiếng cười, nổi trội nhất là kiểu chuông điện thoại khá ngộ nghĩnh. Cứ mỗi lần tiếng chuông điện thoại của anh bất ngờ nổi lên là mọi người được phen nghiêng ngả. Trong lần nọ anh đi đám tang của một đồng nghiệp, khi anh cùng mọi người bắt đầu cắm hương lên bàn thờ thì bỗng nhiên chiếc điện thoại réo lên “Cái tay, cái tay, cái tay, nắm lấy cái tay, túm lấy cái chân với lại cái đầu…”. Khỏi phải nói anh bối rối nhường nào, luống cuống không mò ra nút tắt, trong lúc chiếc điện thoại quái quỷ vẫn cứ ngoan cố nhả đạn “Cái đầu rất to cái chân rất dài, bay cao nào nhảy cao nào, bay cao nào nhảy cao nào…”. Mọi người trong đám tang ngao ngán nhìn anh như một vật thể lạ. Vâng, anh không cố ý, nó chỉ là tai nạn, một tai nạn “dở khóc dở cười”!

Lại một một câu chuyện khác. Thuở thiếu thời, một người đàn ông trong làng tôi thường chơi trò nghịch lấy tờ tiền buộc sợi chỉ rồi thả xuống đất nhử nhằm trêu chọc những người đi đường. Lần nọ, một chị phụ nữ thấy tiền liền chạy đuổi theo, chị càng chạy thì kẻ nấp trong bụi cây lại càng rút ngắn sợi chỉ, cho đến khi, “rầm!” một chiếc công nông cán qua người chị. Cách đây chưa lâu, một sự việc đau lòng cũng đã xảy ra từ trò đùa tai hại tại thôn 8, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nạn nhân là nữ sinh lớp 12 trường T đi về cõi vĩnh hằng, bỏ lại lá thư kể câu chuyện đẫm nước mắt: “Hôm đi học thêm Toán, thằng H. nó lấy ảnh cháu, về nó ghép linh tinh, cháu bảo nó mà nó không bỏ, nó bảo nó sẽ đăng lên facebook. Thế sau nó đăng lên facebook của lũ con trai của lớp. Thằng Đ. thấy thế download về đăng lên facebook của cả lớp. Cả lớp xem được. Cháu bực mình gây sự thế là cả lớp thích chí càng trêu hơn. Cháu dọa cho là cháu sẽ chết vì bức ảnh đó. Nó bảo cháu chết luôn đi, cho bọn nó ăn mừng, thế là cháu làm liều”. Chao ôi, quá đau lòng, chỉ vì một trò đùa mua vui vô bổ mà cướp đi một mạng người. Đùa trở thành  tội ác.

Trong cuộc sống không thiếu những kẻ lấy chữ đùa để làm nơi trú ẩn cho những điều gian dối. Sống cạnh người hay đùa thì đúng là thú vị, nhưng cũng thật thảm họa khi sống cạnh những người không biết đùa mà vẫn cứ hay đùa. Tôi từng chứng kiến một thủ trưởng cơ quan nọ rất chi là hám đùa. Hình như cứ hội tụ đủ từ ba người trở lên là ông bắt đầu hồ hởi mang mớ truyện tiếu lâm cũ rích ra kể đi kể lại. Những câu chuyện nhàm chán cộng với lối rặn chữ nhạt như nước rửa ốc mà ngày nào ông cũng  thô bạo nhét vào tai nhân viên. Sếp đã kể thì phải chống cằm nghe, đã nghe thì phải cười, đã cười thì phải nhăn răng. Tóm lại ngày nào sếp cũng bắt buộc anh em nhăn răng đến mỏi mồm. Khốn khổ là sếp không biết, khốn khổ hơn là không ai dám nói cho sếp biết. Thế là sau mỗi câu chuyện của sếp anh em lại phải nhăn răng mà cười theo… kế hoạch! Vậy mà trong số ấy vẫn có một người hễ cứ thấy sếp kể chuyện là lăn ra cười ngặt nghẽo, tìm hiểu mới biết té ra người này cười vì không phải sếp kể chuyện đùa hay, mà cười vì chính sếp là một trò đùa của tạo hóa!

Lại có những chuyện thật mà nghe cứ như đùa. Tin vừa đưa, mỗi chùm nho Nhật Bản có giá đến 11 triệu đồng, nhưng vừa về đến Sài Gòn đã hết nhẵn! Thật đấy, không đùa đâu! Cũng tin chính thống, một địa phương nọ đang dự định một cái nhà hát trị giá 1.500 tỷ đồng. Nó ra đời khi trên các trang mạng đang lan truyền clip cô trò một nơi nào đó thành thạo chui vào bao ni lông để qua sông. Họ phân trần phải cõng con chữ chui bao ni lông qua sông vì địa phương không thể có 500 triệu đồng làm cầu. Ừ nhỉ, chui vào bao ni lông để vượt sông đến trường là một chuyện, còn văn hóa văn nghệ lại là một chuyện khác. Nhạc giao hưởng sẽ cất lên và làm cho mọi người sảng khoái mà hăng say lao động, khi đã hăng say lao động thì của cải vật chất sẽ dồi dào, khi của cải vật chất đã dồi dào thì tha hồ tiền mà… mua bao ni lông. Chỉ có điều rất thật chứ không đùa là cái nhà hát ấy có giá trị tương đương 3.000 cây cầu cần thiết nơi cô trò đang chui vào túi ni lông qua suối ấy…

Đùa như là gia vị, không thể thiếu đùa nhưng đừng để thừa đùa! Chỉ có điều, đùa với ai thì đùa, đùa với cái gì thì đùa xin đừng dại mà đùa với pháp luật!