Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vào chỉ tiêu đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm
(Baonghean.vn) - Đây là một trong những đề nghị của các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Sáng 19/12, tại Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo thực hiện chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Lê Hồng Quang - Phó chánh án TANDTC. Đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương. Tại điểm cầu 63 tỉnh thành phố có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Để có thể đánh giá, xác định đầy đủ định hướng, nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thì việc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW là hết sức cần thiết. Hội nghị cũng sẽ đánh giá tình hình kết quả thực hiện Chỉ thị 32 và các văn bản liên quan; cho ý kiến dự thảo báo cáo tổng kết và định hướng sự lãnh đạo của đảng trong PBGDPL; khen thưởng, tôn vinh các cá nhân, tập thể trong công tác PBGDPL.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Hoài Thu |
Tại hội nghị, sau khi đánh giá, tổng kết công tác thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW trong thời gian 15 năm qua, có 11 ý kiến tham luận, phát biểu của đại diện các bộ, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL. Trong đó, các đại biểu đề xuất đối với các tỉnh có đường biên giới đề nghị bố trí kinh phí nhiều hơn để tăng cường công tác PBGDPL cho đồng bào vùng biên; đề xuất đưa việc thực hiện công tác PBGDPL vào tiêu chuẩn đánh giá chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của đảng viên, cán bộ công chức hàng năm, xem đây là một trong các tiêu chí xếp loại thi đua hàng năm. Đề nghị tăng kinh phí hỗ trợ PBGDPL...
Trước đó, báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDGPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân tại hội nghị cho thấy, Kết quả: xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về công tác PBGDPL; triển khai các chương trình, đề án về PBGDPL phù hợp từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kiện toàn hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; lựa chọn nội dung và hình thức PBGDPL phù hợp với địa bàn, đối tượng.
Về bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia PBGDPL, giai đoạn 2010 - 2019 cả nước đã bố trí hơn 2.747 tỷ đồng, trong đó có nhiều tỉnh, thành quan tâm bố trí kinh phí cho công tác này như: Hà Nội 400 hơn tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh hơn 280 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 260 tỷ đồng, Phú Thọ hơn 200 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 120 tỷ đồng, An Giang gần 120 tỷ đồng… Bên cạnh đó một số tỉnh bố trí còn ít như Cao Bằng gần 10 tỷ đồng, Bạc Liêu hơn 18 tỷ đồng, Gia Lai hơn 20 tỷ đồng; Nghệ An hơn 56 tỷ đồng…
Nhờ việc triển khai tốt công tác PBGDPL, nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 với 8.805/11.147 xã đạt chuẩn (79%).
Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại như: công tác PBGDPL chưa được sự quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức; chưa xác định công tác này “là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị”, thậm chí còn bị cho là nhiệm vụ của chính quyền các cấp hoặc của riêng ngành Tư pháp. Bên cạnh đó còn có một số tồn tại, hạn chế về nguồn nhân lực, công tác bồi dưỡng, hướng dẫn, kiểm tra về PBGDPL; khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí dành cho công tác PBGDPL…
Nghệ An tổ chức Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật năm 2019. Ảnh: Hoài Thu |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh một số kết quả nổi bật qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW. Những kết quả đó là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị cả nước. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có những tồn tại, hạn chế, trong đó có việc ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tốt. Một số nơi công tác PBGDPL còn chưa phù hợp, chưa có chiều sâu, chưa ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; kinh phí đảm bảo cho công tác PBGDPL cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Đồng chí Trương Hòa Bình cũng lưu ý, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã có những tác động nhất định đối với nền kinh tế - xã hội cả nước, vì vậy cần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL về chiều rộng và chiều sâu một cách nhanh chóng. Đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, đề nghị cần làm tốt: tiếp tục nâng cao vai trò công tác PBGDPL trong đời sống chính trị, xã hội.
Cũng tại hội nghị, 16 tập thể, 14 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, công bố Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân vì thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW.