Những người trẻ khởi nghiệp từ ‘tài nguyên’ của làng
(Baonghean.vn) - Họ, những chàng trai trẻ, từng rời làng ra phố, tình yêu quê hương đã thôi thúc họ trở về, khởi nghiệp bằng chính những sản phẩm đặc trưng của quê nhà, vun lên giấc mơ khởi nghiệp từ chính “tài nguyên” của làng, mang câu chuyện làng quê mình kể với muôn phương...
“Giấc mơ sen” ở làng Sen
Làng Sen nay đã ngát hương sen. Ảnh: Thanh Phúc |
Làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn) đã trở thành địa danh thân thuộc với bất cứ người dân Việt Nam nào, bởi đó là quê Bác - Quê chung. Bao đời tên làng gắn với những ao sen ngát hương bao bọc lấy làng. Thế nhưng, làng dần bê tông hóa, nhiều ao sen bị san lấp thành đất ở, chỉ còn lại rải rác vài ao sen nhỏ, cây sen mọc tự nhiên, còi cọc.
“Làng Sen mà chẳng có sen. Kim Liên mà vắng mùi thơm của sen”, biết bao người mỗi khi đến quê Bác đều chung một nỗi niềm, một sự tiếc nuối. Và trong khi, những ao sen đang dần biến mất đó, làng Sen cũng như đang thiếu đi hồn cốt ấy thì đúng lúc chàng trai trẻ Phạm Kim Tiến, thạc sĩ nông nghiệp sau một biến cố đã “bỏ phố về quê” để thực hiện giấc mơ với cây sen quê Bác...
Chàng trai Phạm Kim Tiến đã hiện thực hóa giấc mơ sen ở làng Sen. Ảnh: NVCC |
“Sinh ra ở làng Sen, lớn lên bên những cánh đồng sen bát ngát, sống trong hương sen ngào ngạt, tôi dành tình yêu đặc biệt với loài hoa này. Trở về quê, ngoài kinh doanh, tôi dành thời gian chăm sóc, sưu tầm các giống sen, tìm hiểu đặc tính sinh học và các sản phẩm khác nhau từ sen. Ước mơ của tôi là phục hồi các đầm sen, phủ kín các ao, hồ, ruộng lầy trong làng bằng các giống sen tạo cảnh quan cho du khách thưởng ngoạn khi đến thăm quê Bác. Đồng thời, thay đổi tập quán trồng sen nhỏ lẻ, đem lại sinh kế cho người dân từ việc trồng và chế biến sâu các sản phẩm từ cây sen”, Phạm Kim Tiến bộc bạch.
Người dân làng Sen sơ chế các sản phẩm tách ra từ hoa sen. Ảnh: Thanh Phúc |
Và rồi, với số tiền gần 200 triệu đồng của đôi vợ chồng trẻ bao năm tích góp, Tiến dốc vào sen. Đấu thầu ao sâu, ruộng hoang của xã; cải tạo đất, mua giống sen các loại, thuê nhân công về trồng thử nghiệm. Thời gian đầu, không ít người hoài nghi về ý tưởng này của Tiến, rằng sen từ Thái Lan, Trung Quốc, từ Nhật Bản… về liệu có hợp với ruộng lầy, đồng hoang? Mà nếu có sống, có ra hoa, có gương, có hạt, có ngó, có củ rồi bán cho ai? Liệu hàng trăm triệu đồng đó có hóa bùn theo sen?...
Chàng trai Phạm Kim Tiến đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho những người dân xã Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: CSCC |
Vượt qua những hoài nghi đó, từng bước, từng bước một, Tiến âm thầm và quyết tâm kiên trì theo hướng đi mà mình đã vạch ra. Những ao sen với hàng trăm loại sen đua nhau khoe sắc: sắc trắng bạch liên, sắc hồng Super lotus, sắc vàng của sen Thái, sắc đỏ sen Bắc Kinh, sen ngàn cánh… “Mỗi loại sen có những ưu điểm, nhược điểm, lợi thế sử dụng riêng. Có giống mình trồng để thu hoạch hoa, có giống thu hoạch củ, có giống để phục vụ ướp trà, làm trà… Do đó, để sen trở thành hàng hóa, thì phải mở rộng diện tích trồng gắn với chế biến các sản phẩm từ sen", Tiến chia sẻ.
Để mở rộng diện tích trồng sen, ngoài việc thuyết phục người dân chuyển đổi ruộng ngập úng, kém hiệu quả sang trồng sen, Tiến còn hỗ trợ giống sen, hướng dẫn kỹ thuật trồng và cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Năm 2019, Tiến mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Sen Quê Bác, vừa trồng, cung ứng giống sen, hoa sen vừa chế biến sâu các sản phẩm từ sen như: Các loại trà sen (trà ướp hoa sen, trà lá sen, trà Liên Tu, trà Bạch Liên Nữ Vương...), nhóm sản phẩm từ hạt (hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, sữa hạt sen; kim chi sen, củ sen muối; làm hương thắp từ sen...).
Tách gạo sen làm trà. Ảnh: Thanh Phúc |
“Sản phẩm khởi nghiệp trên quê Bác nên cũng có những thuận lợi riêng khi được chính quyền từ địa phương đến huyện, đến tỉnh quan tâm, tạo điều kiện. Đặc biệt, lượng khách về tham quan quê Bác hàng năm lên đến mấy triệu lượt khách; những sản phẩm chế biến sâu từ sen rất phù hợp để làm quà biếu tặng cho du khách khi đến làng Sen. Đây cũng chính là “sản phẩm đặc trưng” của Nghệ An, thích hợp để các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp làm quà cho người thân, bạn bè, đối tác. Do đó, tiềm năng thị trường cho các sản phẩm của sen rất rộng mở”, Tiến cho biết.
Để biến tiềm năng thành hiện thực, Tiến đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất, đa dạng hóa các loại sản phẩm, đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác để nâng tầm giá trị các sản phẩm từ sen. Hiện nay, HTX đã có 17 thành viên, mở rộng quy mô trồng sen lên tới 100 ha với hơn 100 giống; có 15 sản phẩm chế biến sâu từ cây sen, trong đó, có 11 sản phẩm được công nhận 3-4 sao OCOP. Hiện nay, các sản phẩm từ HTX Sen Quê Bác đã có mặt khắp các thị trường trong Nam, ngoài Bắc; trên các kệ hàng của các siêu thị; được nhiều đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp lựa chọn làm quà biếu, tặng.
Phạm Kim Tiến giới thiệu sản phẩm chế biến từ sen đến du khách. Ảnh: Thanh Phúc |
“Đáng tự hào nhất đó là sản phẩm sen quê Bác đã trở thành bản sắc, là sản phẩm đặc trưng của quê Bác được du khách ưa chuộng, trở thành món quà ngoại giao ở các hội nghị, trong các dịp lễ, Tết. Những hộp trà sen, mứt sen, bánh cà sen mang đủ đầy giá trị, thức vị và linh hồn của quê Bác, chứa đựng trong đó niềm tự hào, là hồn cốt quê hương Người...”, Tiến tự hào.
Với người dân làng Sen, trong câu chuyện của làng hôm nay, đã có thêm câu chuyện về chàng trai “bỏ phố về làng”, hiện thực hóa “giấc mơ sen”, để làng giờ đã thực ngát hương sen, rực rỡ sắc hoa sen đúng như định danh của làng.
Đưa bánh đa xứ Lường sang trời Tây
Xưởng tráng bánh đa của hai chàng trai trẻ xứ Lường (Đô Lương). Ảnh: Thanh Phúc |
Sinh ra và lớn lên ở Đô Lương, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Xây dựng, hai chàng kỹ sư Nguyễn Ngọc Phương (xã Quang Sơn) và Nguyễn Bá Thắng (xã Nhân Sơn) đều mải mê theo những công trình trong Nam, ngoài Bắc… Trong cảnh “nay đây, mai đó”, sống xa vợ con, một ngày hai bạn trẻ đồng hương, đồng môn và cũng là đồng nghiệp mong muốn được về quê sinh sống với gia đình.
Nhưng, về quê thì làm gì để sống? Sau nhiều lần bàn bạc, trao đổi với nhau, cả hai quyết định trở về, lấy nghề truyền thống của cha ông là tráng bánh đa để khởi nghiệp. Ban đầu, cả hai gặp phải những phản ứng quyết liệt từ gia đình, người thân. “Gia đình phản đối kịch liệt lắm, rằng cho con ăn học để thoát khỏi lũy tre làng, đi ra có việc làm, có thu nhập, không phải còng lưng bên bếp lửa, chạy mưa, chạy nắng, nai lưng đi bán từng cái bánh đa để đổi lấy bữa ăn hàng ngày. Vậy mà, giờ lại bỏ việc Nhà nước với thu nhập tháng chục triệu đồng để về nhà tráng bánh đa!...”, Phương kể lại.
Tráng bánh bằng dây chuyền hiện đại. Ảnh: Thanh Phúc |
Nhưng với Phương và Thắng, thì đó đã là một quyết định chín chắn, được suy tính kỹ, và họ đã vạch hẳn cả một chiến lược dài hơi. “Bánh đa là đặc sản của người dân quê tôi, Đô Lương có hẳn làng nghề bánh đa trăm năm tuổi. Bánh đa luôn là món quà, là niềm tự hào của mỗi người dân xứ Lường với bạn bè. Song, từng chứng kiến người dân làng tôi lam lũ trên đồng, làm ra hạt gạo, hạt vừng; rồi vất vả xay bột, mướt mồ hôi tráng từng chiếc bánh, lại mất công phơi khô. Rồi chính họ, phải oằn lưng gánh bánh đi chợ, quạt bánh và bán lẻ cho khách muôn nơi. Và nếu chỉ dừng lại như vậy thì bánh đa cũng chỉ ở mức là một nghề truyền thống”, Nguyễn Bá Thắng bộc bạch.
Năm 2017, cả hai quyết định trở về khởi nghiệp từ chính bánh đa vừng - thức quà tuổi thơ và là đặc sản của quê hương xứ Lường. Thay vì đắp lò đất, mua củi đốt lò tráng bánh, Phương và Thắng đã mượn đất, mở nhà xưởng, thuê thợ cơ khí thiết kế dây chuyền máy móc sản xuất bánh đa. Người dân Đô Lương bắt đầu tò mò, đến “tâm phục, khẩu phục” trước dây chuyền sản xuất bánh đa hiện đại, các công đoạn xay bột, đảo bột, tráng bánh đều được tự động hóa bằng máy móc. Từ xưởng bánh đó, hàng ngày, những xe tải trọng lớn vào “ăn hàng”, những chiếc bánh đa vừng được đóng gói vào túi, vào hộp, vào thùng phân phối khắp cả nước.
Bánh đa - Đặc sản xứ Lường đã được xuất bán sang các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và sắp tới sẽ là các nước châu Âu. Ảnh: Thanh Phúc |
“Chúng tôi phân công nhau, một người phụ trách sản xuất, một người phụ trách thị trường. Người làm sản xuất thì lo khâu nguyên liệu đầu vào làm sao cho chuẩn; chế biến sao cho đúng vị bánh đa xứ Lường; đóng gói làm sao cho đẹp. Người làm thị trường thì khảo sát nhu cầu, thị hiếu của khách; xây dựng mạng lưới cộng tác viên, đại lý, kết nối để có mặt tại các gian hàng, siêu thị; tham gia quảng bá sản phẩm… Khoảng 2 năm đầu, cả hai đều làm việc cật lực, không có thời gian nghỉ ngơi. Bởi đã làm, đã bỏ vào đó bao vốn liếng, công sức thì phải làm đến cùng, nếu dừng lại có nghĩa là thua cuộc, là phá sản”, Phương chia sẻ.
Và thành công đã đến từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ đó của đôi bạn trẻ. Đơn hàng từ Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Đồng Nai đến Hà Nội, Hải Phòng về tới tấp, sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Đặc biệt, năm 2020, bánh đa Lương Sơn được công nhận “3 sao” OCOP cấp tỉnh như một tấm giấy “thông hành” giúp sản phẩm vươn xa hơn đến mọi miền Tổ quốc. Có nhiều thời điểm, bánh sản xuất ra không đủ để cung ứng cho thị trường.
Nguyễn Bá Thắng (bìa trái) và Nguyễn Ngọc Phương (Áo trắng, ngồi giữa, bìa phải) - Hai chàng trai trẻ khởi nghiệp từ đặc sản quê nhà. Ảnh: Thanh Phúc |
Năm 2020, đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản thành công đã tạo động lực cho Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh thực phẩm Lương Sơn mở rộng sản xuất và hướng đến thị trường xuất khẩu. Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ thêm: “Người Nghệ ở khắp muôn phương. Xa quê càng lâu, càng thành đạt thì càng nhớ quê, càng muốn được thưởng thức hương vị quê nhà, chính họ là cầu nối để bánh đa Lương Sơn có mặt ở nhiều nơi trên thế giới”.
Năm 2022, xưởng được mở rộng quy mô, đưa vào sử dụng công nghệ sấy khép kín tổng vốn đầu tư 4 tỷ đồng, công suất tối đa gần 40 triệu bánh/năm, tạo việc làm cho hơn 50 lao động địa phương. “Nếu trước đây bánh tráng xong phải phơi nắng, phụ thuộc vào thời tiết nên có khi quá giòn, có khi lại ẩm mốc, thì với công nghệ sấy khép kín, nguyên liệu trước đó lại đã lựa chọn kỹ càng, nên chất lượng luôn đảm bảo giữ “trọn vị” bánh đa đặc sản xứ Lường”, Thắng chia sẻ.
Đóng gói bánh đa xuất khẩu. Ảnh: Thanh Phúc |
Hiện nay bánh đa Lương Sơn đã “phủ sóng” cả nước với gần 600 đại lý và cộng tác viên; đặc biệt, trong năm 2022 đã xuất khẩu 1 triệu bánh sang một số nước như Nhật, Hàn, Đài Loan, Úc,… Ngoài bánh đa vừng truyền thống, hiện còn có thêm dòng bánh đa gạo lứt cao cấp. “Ngoài doanh thu và lợi nhuận, điều khiến chúng tôi tự hào nhất là mang đặc sản quê hương - bánh đa thơm bùi của mảnh đất xứ Lường được bạn bè muôn phương biết đến”, Nguyễn Ngọc Phương tự hào.
Tạo giá trị mới cho cây tre Trà Lân
Đất Con Cuông - miền Trà Lân gắn với cây trúc, cây tre từng xuất hiện trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Tre mét là cây trồng bản địa, là sinh kế của hàng nghìn người dân sống dựa vào rừng và cũng là “mảnh hồn làng” của vùng quê này. Sinh ra, lớn lên ở Khe Choăng, xã Châu Khê, Thái Đăng Tiến cũng như bao chàng trai bản khác có cả một quãng đời gắn bó với cây tre, được ăn no, mặc ấm, được đi học là nhờ vào tiền khai thác, bán tre của cha, mẹ.
Thái Đăng Tiến - người tạo giá trị mới cho cây tre Trà Lân. Ảnh: Thanh Phúc |
Học xong THPT, xuống phố học nghề và nhiều năm đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, hình ảnh về rừng tre luôn xanh trong nỗi nhớ nhà của Tiến. Ba năm ở Đài Loan, làm việc ở những xưởng chế biến tre trúc, Tiến nung nấu bao ý tưởng, ấp ủ bao mơ ước. “Từ những thân tre, gộc tre xù xì họ sản xuất ra những đồ mỹ nghệ tinh xảo với giá trị kinh tế gấp cả trăm lần, được người tiêu dùng ưa chuộng. Còn ở quê mình, người dân nai lưng đốn cả rừng tre, mét đem bán mà giá bán chẳng được bao nhiêu, người dân vẫn nghèo khi sống trên vùng tài nguyên vô giá. Họ làm được, sao mình lại không?”, Thái Đăng Tiến chia sẻ.
Sau khi hết hạn xuất khẩu lao động, Tiến trở về quê, dần hiện thực hóa ý tưởng của mình. Số vốn mấy năm trời lăn lộn ở xứ người, Tiến dốc vào mở xưởng sản xuất tre mỹ nghệ, lặn lội học hỏi kinh nghiệm khắp nơi để cho ra đời sản phẩm. Từ những cây tre gai góc, gộc xù xì, qua bàn tay tài hoa của những người thợ, hiện lên những dáng lọ hoa, bình trà, cốc chén, bình đựng nước, đồ gia dụng… tinh xảo, tính thẩm mỹ cao và rất hữu dụng.
Những sản phẩm mỹ nghệ từ cây tre Trà Lân. Ảnh: Thanh Phúc |
Những sản phẩm mang thương hiệu “Trà Lân Bamboo” có mặt trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận chính là động lực để Thái Đăng Tiến đi xa hơn với quyết tâm mang lại giá trị mới cho cây tre Trà Lân. Hiện nay, ngoài các sản phẩm mỹ nghệ, đồ gia dụng từ tre, xưởng của Tiến còn nhận trang trí nội thất bằng tre, làm đồ dùng dạy học, đồ chơi từ tre và cái đích mà Tiến hướng đến là xuất khẩu các sản phẩm từ tre mang thương hiệu “Trà Lân Bamboo”.
Tiến trao đổi: “Thị trường cho sản phẩm tre trúc có tiềm năng rất lớn khi các nước trên thế giới đang có xu hướng tiêu dùng xanh. Ước mơ của em là những sản phẩm từ tre Trà Lân sẽ có mặt ở mỗi gia đình Việt; là nội thất ở các khu du lịch cộng đồng; là món quà lưu niệm không thể thiếu của mỗi người khi đến với Nghệ An. Và xa hơn là xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu hiện đại, hay chinh phục thị trường khó tính như Nhật Bản…
Xưởng tạo việc làm cho những người yếu thế tại địa phương. Ảnh: Thanh Phúc |
Trước hết là mang lại giá trị kinh tế cho cây tre, nâng cao thu nhập cho người dân quê, tạo việc làm cho lao động địa phương. Sau nữa, điều mà em mong muốn là quảng bá địa danh Trà Lân - Con Cuông quê mình đến muôn nơi. Cuối cùng, là hướng mọi người đến với lối sống xanh, tiêu dùng xanh để bảo vệ môi trường”.
Hiện nay, Thái Đăng Tiến đã trồng thử nghiệm 2 ha tre trúc giống mới, vận động người dân phát triển vùng nguyên liệu tre mét theo quy hoạch, chăm sóc và khai thác tre mét đúng theo quy trình, không tận diệt.