Đưa nghiên cứu vật lý của Đại học Vinh tiếp cận với thế giới

02/12/2015 16:35

(Baonghean) - Với sự tham gia của nhiều nhà vật lý hàng đầu của Việt Nam và thế giới, Hội nghị quốc tế “Quang học phi tuyến và Vật liệu mới” do Trường Đại học Vinh phối hợp với Trường Đại học Tổng hợp Warszawa (Ba Lan) được chờ đợi sẽ đem đến nhiều triển vọng mới trên lĩnh vực hợp tác khoa học và ứng dụng các công trình nghiên cứu vào thực tiễn…

Giáo sư, Tiến sỹ Cao Long Vân đến từ khoa Vật lý và Vũ trụ, Trường Đại học Tổng hợp Zielona Góra, Ba Lan chưa quên được kỷ niệm cách đây hơn 25 năm. Khi đó, trong một dịp tình cờ về thăm trường Đại học Vinh ông đã rất trăn trở khi nhìn thấy trường đại học, dù đã 30 năm tuổi và đứng chân trên vùng địa linh nhân kiệt, là “đất học” của miền Trung, nhưng cơ sở vật chất lại hết sức thiếu thốn, nghèo nàn.

Trước khi về lại Ba Lan, tại Hà Nội, ông đã có một bài viết tâm huyết “tham mưu” những định hướng tương lai cho Trường Đại học Vinh, đặc biệt à trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển nhân lực. Một thời gian ngắn sau đó, chính ông là người đã làm “cầu nối” để giúp hàng chục nhà trường được sang học tập và làm nghiên cứu sinh tại Ba Lan. Những người tham gia lớp nghiên cứu sinh đầu tiên ấy sau này đều thành đạt và hiện đang giữ những vị trí quan trọng, hàng đầu tại Trường Đại học Vinh.

Một buổi thuyết trình
Một buổi thuyết trình trong khuôn khổ hội nghị.

Cũng từ mối quan hệ này, trường Đại học Vinh ngày càng có nhiều hợp tác gắn bó với các trường đại học ở Ba Lan, đặc biệt là trên lĩnh vực Vật lý. Năm 2009, Trường Đại học Vinh và Trường Đại học Tổng hợp Warszawa đã tổ chức hội nghị đầu tiên về Vật lý. Đến lần thứ 2, năm 2015, Hội nghị có sự có mặt của hơn 100 nhà khoa học, tiến sỹ, giáo sư, trong đó có hơn 20 nhà khoa học đến từ các trường đại học danh tiếng của Ba Lan, Israel, Canađa. Điều này cho thấy Quang học phi tuyến và Vật liệu mới đang là một lĩnh vực khoa học rất được quan tâm.

Lãnh đạo Đại học Vinh và các nhà khoa học dự Hội nghị
Lãnh đạo Đại học Vinh và các nhà khoa học dự Hội nghị.

Tại hội nghị năm nay, hầu hết các đại biểu đều đem đến những công trình nghiên cứu mới nhất của mình tập trung vào các vấn đề về máy tính lượng tử, phổ phân giải siêu cao, giao thoa lượng tử... Trong đó, có những công trình đã được đăng trên Tạp chí Nature - một trong những tạp chí uy tín nhất của thế giới về các lĩnh vực khoa học, tiêu biểu như các công trình “Nghiên cứu về sự trộn sóng vật chất”, “Nghiên cứu khám phá hiện tượng vật lý ở nhiệt độ 0 tuyệt đối” của Giáo sư, Tiến sỹ Boris A.Malomed đến từ trường Đại học Tel Aviv của Israel…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để giới thiệu về các công trình Vật lý đã đạt giải thưởng Nobel Vật lý từ năm 2001 đến nay, như máy tính lượng tử, môi trường trong suốt điện tử, công nghệ quang tử tiên tiến dựa trên môi trường trong suốt cảm ứng điện tử, Quang học sóng vật chất… Tất cả các tham luận, báo cáo đều sử dụng tiếng Anh (không có phiên dịch), cho thấy hội nghị đang ngày được tổ chức chuyên nghiệp theo hình thức của một hội nghị quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Huy Bằng (Trưởng khoa Vật lý và Công nghệ, Trường Đại học Vinh) chia sẻ: “Tham dự hội nghị lần này là một cơ hội tốt để chúng tôi học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Được tiếp cận cách làm việc khoa học và các hướng nghiên cứu mới, tiên tiến của thế giới…”. Về phía cá nhân Tiến sỹ Nguyễn Huy Bằng, công trình “Nghiên cứu về ứng dụng của các môi trường ở nhiệt độ 0 tuyệt đối vào thiết bị quang tử tiên tiến” cũng là một công trình được đầu tư công phu với hơn 4 năm nghiên cứu. Công trình đã được đăng tại 5 tạp chí của Mỹ và Đức, tháng 12 này sẽ được trình bày tại Hội nghị về khoa học tư nhiện cho các nước Đông Nam Á ở Thái Lan.

Xem báo cáo tóm tắt
Các đại biểu xem báo cáo tóm tắt các công trình được giới thiệu tại Hội nghị

Vật lý và nghiên cứu khoa học cũng là một thế mạnh nhiều năm nay của Trường Đại học Vinh và là một trong những lĩnh vực có thể tiếp cận được với thế giới. Phó giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “15 công trình nghiên cứu của Trường Đại học Vinh được báo cáo tại hội nghị này đều được nghiên cứu, thực nghiệm tại trường. Nhà trường hy vọng, sau hội nghị lần này, hợp tác song phương về nghiên cứu khoa học giữa trường Đại học Vinh và Đại học Tổng hợp Warszawa cũng được ký kết:

Tại hội nghị lần này, bên cạnh sự tham gia của các trường đại học thì một số tổ chức liên quan đến năng lượng cũng đã tham dự. Tất cả đều xem đây là cơ hội để tìm kiếm những công trình có tính ứng dụng cao để từ đó xây dựng và phát triển trong thực tế”.Hơn tất cả, điều ý nghĩa nhất mà hội nghị này mang tới chính là giúp cho sinh viên, học viên Việt Nam được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến hiện đại. Đã đến Nghệ An lần thứ 3, nhưng lần nào Giáo sư, Tiến sỹ Marek Tripenbach đến từ trường Đại học Tổng hợp Warswada cũng lỉnh kỉnh rất nhiều trang thiết bị thí nghiệm. Lần này, ông cùng với các đồng nghiệp còn tạo điều kiện để xây dựng một phòng thí nghiệm Vật lý giá trị hơn 1 triệu USD, giúp sinh viên Trường Đại học Vinh có cơ hội được thực hành trong một phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trao đổi
Các đại biểu trao đổi với học viên, sinh viên trường Đại học Vinh.

“Là những nhà sư phạm, sứ mệnh của chúng tôi là giảng dạy và tạo ra những kiến thức mới. Chúng tôi rất vui vì có thể đem tâm huyết, đem kiến thức và đem những điều thiết thực nhất để có thể hỗ trợ và giúp đỡ sinh viên Nghệ An, từng bước giúp sinh viên Nghệ An phát triển và có nhiều thành tựu hơn nữa trong nghiên cứu và thực hiện các công trình khoa học” - Giáo sư Tripenbach thổ lộ.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đưa nghiên cứu vật lý của Đại học Vinh tiếp cận với thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO