Đưa 'sức nóng' và chuyển động của vùng đặc thù lên trang báo

07/02/2017 06:57

(Baonghean) - Tối 3/2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam đồng tổ chức Lễ công bố và trao giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ nhất - năm 2016. Trong đó, chuyên đề 3 kỳ về “Củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù” của nhóm phóng viên Mai Hoa, Khánh Ly (Phòng Thời sự - Chính trị, Báo Nghệ An) vinh dự giành giải B. Dịp này, nhóm tác giả đã có những chia sẻ về quá trình thực hiện chuyên đề.

Thôi thúc từ thực tiễn

Từ hoạt động tác nghiệp mảng xây dựng Đảng của Báo Nghệ An, qua nắm bắt thực tiễn cho thấy, công tác xây dựng hệ thống chính trị nói chung và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở các vùng có đồng bào dân tộc và đồng bào tôn giáo nói riêng đang đặt ra nhiều khó khăn, bất cập. Vì vậy, đây cũng là vấn đề mà Ban Biên tập, phòng chuyên môn, phóng viên chuyên trách luôn quan tâm, trăn trở.

Đặc biệt, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Đề án số 01/ĐA-TU ngày 10/8/2016 về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2012 - 2020”, vấn đề này được Tỉnh ủy Nghệ An quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có hệ thống và xuyên suốt từ trước đến nay với nhiều giải pháp đồng bộ và quyết tâm cao nhằm từng bước giảm số lượng xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên tại chỗ.

Cụ thể, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV (nhiệm kỳ 2000 - 2005) đến khóa XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Tỉnh ủy Nghệ An liên tục ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, chỉ thị liên quan đến việc xây dựng hệ thống chính trị vùng đặc thù. Đáng chú ý là Nghị quyết số 18/NQ-TU năm 2004 về củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số, vùng giáo; Kết luận số 10/KL-TU năm 2006 về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số; Kết luận số 09/KL-TU năm 2006 về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo; Chỉ thị số 20 về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 09/KL-TU.

Ông Mù Bá Zờ (thứ hai, trái sang) - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) trao đổi với phóng viên. Ảnh: P.V
Hai phóng viên Mai Hoa (trái) và Khánh Ly (phải) tại lễ trao Giải Búa liềm vàng lần thứ nhất. Ảnh: P.V

Từ nhận thức được tầm quan trọng và trăn trở để tuyên truyền có hiệu quả về những khó khăn và sự vào cuộc của hệ thống chính trị vùng đặc thù, khi nhận được thông báo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và công văn đôn đốc của Thường trực Tỉnh ủy về việc tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng do Ban Tổ chức Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phát động nhân Kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2016), Ban Biên tập Báo Nghệ An đã trực tiếp chỉ đạo phòng Thời sự - Chính trị triển khai các chuyên đề tham gia dự giải. Trong đó chú trọng việc phải đưa được hơi thở sinh động của thực tiễn công tác xây dựng Đảng vùng đặc thù ở địa bàn Nghệ An, những vấn đề đã ấp ủ từ lâu, đến với trang báo Đảng.

Qua tác nghiệp, nắm bắt tình hình thực tiễn, nhận thấy: cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể mang lại những chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị vùng đặc thù được củng cố, kiện toàn và ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ; tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập nhất là ở cấp thôn, xóm, bản. Đáng quan tâm nhất là bên cạnh ở một số thôn, xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên thì nguy cơ tái “trắng” chi bộ đảng, nhiều chi bộ nhiều năm liên tục không kết nạp được đảng viên tiếp tục đặt ra...

Từ thực tiễn đặt ra và trên cơ sở Đề án số 01/ĐA-TU của Tỉnh ủy mới ban hành, nhóm tác giả đã quyết định lựa chọn và trình Ban Biên tập duyệt đề tài “Củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù” để thực hiện chuyên đề sâu.

Hội ngộ cơ duyên của tâm huyết và trách nhiệm

Để thực hiện chuyên đề này, Ban Biên tập đã chỉ đạo nhóm phóng viên chọn tìm hiểu thực tế ở nhiều địa phương theo hai tuyến vùng có đông đồng bào theo đạo và vùng dân tộc thiểu số.

Quá trình triển khai phải lặn lội vào tận các vùng sâu, vùng xa các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Quế Phong, thời tiết giá lạnh, đường sá đi lại khó khăn. Có khi vừa đi xe máy, vừa đi bộ từ sáng sớm đến 9 - 10 giờ tối mới có thể từ trong bản ra đến vùng trung tâm, có những đoạn đường trơn trượt ngã lấm lem bùn đất, ê ẩm cả người nhưng vẫn quyết tâm phải “mắt thấy, tai nghe” để thu thập tư liệu đầy đủ, chính xác từ cơ sở.

Thời điểm thực hiện chuyên đề đúng vào ngày mùa, bà con các đồng bào dân tộc thiểu số thường đi rẫy, nên để có thể gặp gỡ, trò chuyện với bí thư chi bộ, các đảng viên ở chi bộ thôn bản vùng sâu, vùng xa có khi phóng viên phải kiên nhẫn chờ đến đêm mới có thể tiếp cận.

Ông Mù Bá Zờ (thứ hai, trái sang) - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) trao đổi với phóng viên.
Ông Mù Bá Zờ (thứ hai, trái sang) - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An.

Đối với vùng có đông đồng bào theo đạo, ngoài tìm hiểu tổng thể chung của từng địa phương, nhóm tác giả phải về tận các địa phương, đến tận từng xóm, gặp gỡ từng bí thư chi bộ để trao đổi thực tiễn đặt ra. Quá trình tiếp cận cơ sở, gặp gỡ nhân vật, trở ngại lớn nhất đối với nhóm phóng viên đó là sự thiếu cởi mở trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, thực tiễn đang đặt ra từ cơ sở. Tuy nhiên, bằng nhiều phương pháp, nhóm phóng viên cũng thu nhận được nhiều vấn đề mang hơi thở cuộc sống.

May mắn là quá trình thực hiện tác phẩm, nhóm tác giả đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ sát sao của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, không chỉ cung cấp các tư liệu liên quan để có thể phác ra một bức tranh toàn cảnh về công tác củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, xóa yếu, giảm trắng chi bộ và phát triển đảng viên ở vùng đặc thù, mà còn tạo điều kiện cho nhóm phóng viên được tham dự một số buổi khảo sát, làm việc giữa Ban chỉ đạo đề án 01/ĐA-TU về xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ, giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh với các huyện, thành, thị.

Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng nhận được sự phối hợp, ủng hộ, tạo điều kiện của Huyện ủy các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Tân Kỳ, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Yên Thành... Cán bộ các ban Đảng cũng đã không quản ngại khó khăn, vất vả đồng hành với phóng viên xuống cơ sở để nắm bắt thực tiễn, tham mưu cho cấp ủy các giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển đảng, củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù.

Sau khi chuyên đề “Củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù” được hoàn thành (gồm 3 kỳ: Những chuyển biến mới; Vấn đề đặt ra trước nguy cơ “tái trắng” chi bộ; Để “xóa yếu”, “giảm trắng” bền vững) đăng tải trên các ấn phẩm Nghệ An nhật báo và Nghệ An điện tử (baonghean.vn) đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương và bạn đọc nói chung ghi nhận, phản hồi tích cực.

Hầu hết đều đánh giá chuyên đề đã không chỉ nêu lên những chuyển biến mới, những nỗ lực, giải pháp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc phát triển đảng viên, xóa yếu, giảm trắng chi bộ ở vùng có đông đồng bào theo đạo, vùng dân tộc thiểu số, mà còn thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân, thực trạng dẫn tới nguy cơ tái trắng các chi bộ đảng ở vùng cao, vùng có đông đồng bào theo đạo.

Đồng thời, thông tin chuyển tải cũng đã bám sát thực tiễn ở cơ sở nghiên cứu và đề xuất những giải pháp, bài học kinh nghiệm khắc phục tình trạng “trắng” đảng viên, tổ chức đảng ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, gợi mở cách làm, hướng đi cho cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, nhân dân về tầm quan trọng của việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nhất là tại các vùng đặc thù.

Việc chuyên đề được Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ nhất mang tên Búa liềm vàng đánh giá cao và trao giải B trong ngày Kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng thực sự là niềm động viên, khích lệ rất lớn đối với tập thể Báo Nghệ An nói chung và đội ngũ phóng viên chuyên trách phản ánh mảng xây dựng Đảng nói riêng vốn lâu nay được coi là “khô, khó và khổ”.

Sau 6 tháng triển khai, cơ quan thường trực Giải Búa liềm vàng đã tiếp nhận tổng số 1.173 tác phẩm báo chí gửi về tham dự giải. Trong đó, có 704 tác phẩm báo in, 108 tác phẩm báo điện tử, 84 tác phẩm phát thanh, 266 tác phẩm truyền hình và 11 tác phẩm ảnh báo chí. Ban tổ chức đã trao giải cho 47 tác phẩm xuất sắc nhất. Trong đó, 3 giải A, 7 giải B, 12 giải C và 25 giải Khuyến khích. Ngoài ra, 10 cơ quan xuất sắc tiêu biểu cũng được chọn để khen thưởng.

N.P.V

TIN LIÊN QUAN

Đưa 'sức nóng' và chuyển động của vùng đặc thù lên trang báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO