Đưa thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa
(Baonghean) - Với bờ biển dài 82 km, 5 huyện, thị xã ven biển được hình thành trên địa hình nhiều cửa sông lớn đổ ra biển với 6 cửa lạch, Nghệ An có ngư trường thuận lợi, giàu nguồn lợi thủy sản và phong phú. Khai thác, đánh bắt hải sản luôn giữ vị trí và có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển KT- XH của tỉnh.
Nuôi tôm VietGAP tại xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Phú Hương |
Khai thác tiềm năng, lợi thế
Với bờ biển dài, ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản phong phú, nhiều cửa lạch cùng hàng nghìn ha mặt nước nuôi trồng mặn lợ, Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững.
Những năm qua, theo đà phát triển và được sự khuyến khích từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngư dân trong tỉnh mạnh dạn đầu tư tàu to, máy lớn vươn khơi xa đánh bắt dài ngày để đạt hiệu quả kinh tế cao. Năng lực tàu cá tăng nhanh theo hướng giảm tàu khai thác ven bờ và tăng tàu khai thác xa bờ.
Đến nay, tổng số tàu cá khai thác hải sản toàn tỉnh là 3.521 chiếc, trong đó tàu khai thác xa bờ 1.430 chiếc. Nhiều công nghệ mới trong khai thác, tìm kiếm nguồn lợi, bảo quản sản phẩm, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được ứng dụng. 100% tàu khai thác xa bờ đã trang bị định vị vệ tinh, máy dò cá, máy thông tin liên lạc tầm trung; 50% số tàu khai thác xa bờ trang bị hệ thống thông tin liên lạc tầm xa; hơn 150 phương tiện đã trang bị máy dò ngang; nhiều phương tiện đã lắp đặt hầm bảo quản bằng vật liệu mới (PU) để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo kế hoạch năm 2019, Quỳnh Lưu phấn đấu khai thác đạt sản lượng trên 63.000 tấn hải sản. Ảnh: Việt Hùng |
Hiệu quả hơn là ngư dân Nghệ An đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trên biển. Số lượng tàu cá tham gia khai thác vùng biển Hoàng Sa ngày càng tăng, năm 2014 chỉ mới 1 tàu tham gia với 3 chuyến thì năm 2018 đã có 163 tàu với 621 chuyến. Năm 2018, sản lượng khai thác biển đạt 143.107 tấn, tổng giá trị ước đạt trên 3.383 tỷ đồng; sản lượng khai thác thủy sản nội đồng đạt 6.260 tấn.
Theo ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, bên cạnh nâng cao năng lực khai thác, Nghệ An cũng rất chú trọng khai thác lợi thế vùng ven biển, mặt biển, các ao, hồ để mở rộng diện tích nuôi thủy sản và đưa thêm nhiều đối tượng nuôi mới vào sản xuất. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, tôm thẻ chân trắng thâm canh, nuôi tôm sú, cua càng xanh bán thâm canh, nuôi cá rô phi, cá lóc,… đang được triển khai có hiệu quả ở các địa phương ven biển và vùng miền núi, trung du. Đặc biệt, năm 2015, Nghệ An đã bắt đầu sản xuất và ương hàng tỷ con giống thủy sản, đánh dấu mốc quan trọng trong phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Khi sản lượng sản xuất đạt khá, ngành công nghiệp chế biến cũng phát triển tương ứng, mang lại giá trị tăng thêm khá lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Các nhà máy chế biến xuất khẩu được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp với thiết bị ngày càng hiện đại, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ tích cực nhiệm vụ xuất khẩu trên địa bàn.
Sản phẩm tôm nõn của huyện Diễn Châu dự kiến cuối năm 2019 sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Phú Hương |
Hiện tại, toàn tỉnh có 21.305 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó 18.900 ha nuôi cá nước ngọt, 2.405 ha nuôi mặn lợ; tổng sản lượng thủy sản năm 2018 đạt gần 150.000 tấn.
Theo đó, hiện Nghệ An đã có 14 khu chế biến thủy sản tập trung, hàng năm cung cấp cho thị trường gần 25 triệu lít nước mắm các loại, trên 15.000 tấn bột cá, 5.000 tấn mắm. Các cơ sở chế biến xuất khẩu đã được đầu tư về quy mô, thiết bị, công nghệ sản xuất, đóng góp sản phẩm cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu tiểu ngạch, nhiều mặt hàng nước mắm, tôm nõn, mực khô… có tiếng trên thị trường. Hầu hết các đơn vị sản xuất đều đảm bảo chất lượng, mẫu mã được cải tiến, xây dựng và đăng ký thương hiệu.
Đi đôi với phát triển sản xuất, hạ tầng nghề cá được đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển. Đến nay, các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh, trú bão: lạch Lò, lạch Cờn, lạch Vạn, Cửa Hội đã được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi, giảm thời gian, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện tại toàn tỉnh đã và đang xây dựng 13 cảng cá, bến cá và khu neo đậu trú bão như cảng cá Quỳnh Phương, khu neo đậu tránh, trú bão Nghi Quang, nâng cấp cảng cá Cửa Hội, lạch Vạn, lạch Quèn... Các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền ngày càng được đầu tư cả về số lượng lẫn quy mô, hiện toàn tỉnh có 58 cơ sở.
Hướng mục tiêu ngành sản xuất hàng hóa
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong những năm qua, ngành Thủy sản Nghệ An cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Giá trị ngành Thủy sản trong cơ cấu GDP toàn tỉnh chưa cao; nhiều tàu cá còn lạc hậu; năng suất, sản lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản còn thấp so với tiềm năng.
Cơ sở đóng tàu ở Tiến Thủy, Quỳnh Lưu. Ảnh: VH |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Trần Hữu Tiến cho hay: Để khai thác, phát triển nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững, những năm tới Nghệ An xác định tiếp tục tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn lợi và tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung huy động, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đặc biệt, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản để chủ động được nguồn giống các đối tượng chủ lực theo đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, khuyến khích nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, công nghệ cao.
Đồng thời, đẩy mạnh đóng tàu to có công suất lớn, khai thác xa bờ, được trang bị các trang thiết bị hiện đại đảm bảo hoạt động dài ngày trên biển, từng bước hiện đại hóa nghề cá. Mục tiêu đến năm 2020 là phát triển thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa, ổn định để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập nhân dân.
Ngư dân Quỳnh Lưu trúng đậm cá hố xuất khẩu. Ảnh: Việt Hùng |
Theo đó, phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đến năm 2020 đạt trên 150.000 tấn; trong đó, sản lượng khai thác thủy sản 100.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản 50.000 tấn; năm 2020 sản xuất 100% giống thủy sản có chất lượng và 100% giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng sạch bệnh. Tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHCN, đặc biệt là công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; gắn phát triển thủy sản với củng cố quan hệ sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết các vấn đề xã hội, giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.
Cách đây đúng 60 năm, ngày 1/4/1959, trong dịp về thăm một số đảo, trong đó có cảng cá Cát Bà, Bác Hồ đã nói: Miền Bắc nước ta đã giải phóng. Rừng vàng, biển bạc của ta, do dân ta làm chủ, rồi đây phải đưa máy móc vào nghề cá. Đảng và Chính phủ sẽ giúp đỡ bà con sắm thêm thuyền lưới tốt hơn”.
Để ghi nhớ sự kiện trên, năm 1979, ngành Thủy sản đã chọn ngày 1/4 hàng năm để tổ chức “Ngày hội truyền thống ngành Thủy sản” và năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định tổ chức ngày truyền thống ngành Thủy sản 1/4 hàng năm. Đến nay, nghề cá Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9 tỷ USD. Việt Nam hiện cũng là nước xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới.