Đưa tiếng sáo Việt bay xa

P.V: Xin chào anh, mới hơn 30 tuổi nhưng anh đã có nhiều thành quả đáng nể? Anh có thể kể về con đường đến với sáo trúc của mình?

Nguyễn Văn Mão: Tôi chỉ có thể nói rằng đó là hành trình tự nhiên nhất, là niềm đam mê từ nhỏ, đúng hơn hết là sự dấn thân vì đam mê. Từ nhỏ tôi đã yêu sáo trúc qua tiếng sáo của cha tôi, cái chất sáo của ông khiến tôi mê mẩn từ nhỏ, tôi mày mò học những nốt âm thanh đầu tiên từ cây sáo trúc do cha tôi làm nên và dạy cho. 8 tuổi, tôi đã có thể thổi những giai điệu đầu tiên từ sáo. Tôi say sưa và mê mải học hỏi trong cả chặng đường tuổi thơ, trong suốt thời niên thiếu.

P.V: Và anh chọn con đường sự nghiệp với sáo trúc cũng như một lẽ tự nhiên?

Nguyễn Văn Mão: À không hẳn, nhưng vì đam mê nên tôi thực hành và lan tỏa sáo trúc mọi lúc, mọi nơi, từ khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường. Và từ đó, những CLB sáo trúc đầu tiên được chúng tôi thành lập với rất nhiều bạn trẻ đam mê sáo. Cũng từ đó, tôi bắt đầu hướng dẫn và truyền lửa những xúc cảm mà tôi có được. Tôi còn nhớ lần đầu tiên có một bạn trẻ vì không có sáo để chơi và tôi đã thử làm tặng bạn. Từ những sự tỷ mẩn, thận trọng từng ly từng tý, nắn nót trong từng cung đoạn và cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành được một chiếc sáo trúc hẳn hoi. Cũng từ đó tôi đã tập tành làm sáo, hoàn thiện dần dần. Đó là lần đầu tôi chạm ngõ với sự nghiệp chơi và làm sáo trúc chuyên nghiệp.

P.V: Trong chặng đường đó hẳn có nhiều khó khăn nhưng cũng có những nấc thang vinh quang để đời đối với cá nhân anh?

Nguyễn Văn Mão: Vâng đúng vậy, khi tôi đang học khoa Toán Đại học Vinh, tôi đã nghĩ làm sáo và thực hành sáo cũng chỉ là nghề tay trái, thế nhưng không hiểu sao niềm vui lan tỏa sáo trúc cứ đeo đuổi tôi mãi kể cả trong bữa ăn giấc ngủ. Và sau khi tôi thực hành làm sáo trúc cho nhiều người thì ý nghĩ khởi nghiệp với sáo trúc càng lớn dần lên trong tôi. Đang học sư phạm Toán, tôi rẽ hướng sang Đại học Kiến trúc, do nghĩ nghề này gần với việc chế tác sáo trúc hơn. Học đến năm thứ 2, tôi chế tác sáo trúc rất nhiều nhưng chủ yếu là đem tặng bạn bè và dạy mọi người thổi sáo miễn phí khắp Hà Nội. Đó là thời gian thật đẹp!

P.V: Được biết thời điểm đó bạn cứ ngược xuôi từ Hà Nội về Nghệ An, lặn lội để tìm nguyên liệu về làm sáo rồi chế tác đem tặng khắp nơi. Sau đó bạn mới bán chúng cho nhiều người có nhã ý muốn sở hữu những cây sáo mới và những thành viên mới trong các CLB của bạn. Vậy đó có phải là nấc thang khởi nghiệp đầu tiên?

Nguyễn Văn Mão: Sau khi dành tặng nhiều người chơi sáo những cây sáo do chính tay tôi làm. Một người bạn thân của tôi đã góp ý: Cậu làm sáo để tặng người ta mà không tính công thì không có giá trị. Lời khuyên chân thành đó chỉ cho tôi một con đường – làm ra sản phẩm là phải tạo ra giá trị để bán. Đến năm thứ 3 đại học thì tôi bắt đầu bán sáo online. Từ dạy sáo miễn phí, chơi sáo lan tỏa cộng đồng đến làm sáo trúc bán trên thị trường với tôi là một câu chuyện hấp dẫn. Đó là cách lấy đam mê để nuôi đam mê mà đến bây giờ tôi vẫn cho là đúng đắn.

P.V: Hấp dẫn hơn, thú vị hơn là khi bạn được vinh danh ở kỷ lục Guinness Việt Nam, bạn có thể kể về sự vinh danh thú vị này và những kỷ niệm gắn liền với nó?

Nguyễn Văn Mão: Năm 2018, tình cờ tôi thấy một nghệ nhân ở Trung Quốc thổi cây sáo 1m8 mà người giới thiệu chương trình đã thông tin đó là cây sáo trúc lớn nhất hiện nay. Vậy là một ý định nảy ra trong đầu tôi sẽ làm một cây sáo lớn hơn thế để xem có thành công không. Sau hai tuần, cây sáo dài 2,3m, dài nhất có thể với khả năng tìm nguyên liệu ở thời điểm đó, đã hoàn thiện. Tôi thực sự vui sướng với những giai điệu ngân lên từ cây sáo độc đáo này. Và không ngờ nó được vinh danh là “Cây sáo lớn nhất Việt Nam”.

Đến kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2020 với tên gọi “Người thổi được nhiều bản nhạc nhất từ rau củ quả”. Kỷ lục này đối với tôi cũng vô cùng ấn tượng, khi bất chợt nảy ra trong đầu với nhạc cụ là củ cải, củ cà rốt,… khi nó chế tác những âm thanh theo kỹ thuật của cây sáo trúc. Sau nhiều ngày mày mò, “nhạc cụ đặc biệt” cuối cùng cũng có những giai điệu đặc biệt với các nốt “đồ rê mi pha”… Chỉ là thú vui, niềm đam mê chinh phục và âm nhạc hóa sản vật bình thường trong cuộc sống thôi, nhưng không ngờ những sản phẩm đó cũng được vinh danh.

P.V: Tôi cũng được biết trong vòng 10 năm, anh đã gây dựng được hàng trăm CLB Sáo trúc, lập trang web, Fanpage CLB Sáo trúc trên Facebook và kênh Youtube với hàng trăm nghìn thành viên đăng ký. Vậy đây đã là thành tích “chơi sáo” lớn nhất mà anh mong muốn hướng đến chưa?

Nguyễn Văn Mão: Thực tế tôi chỉ mới có 2 kỷ lục Guinness Việt Nam về sáo, nhưng theo tôi giải thưởng lớn nhất đó là hành trình lan tỏa sáo trúc đến với các bạn trẻ của mình. Đến nay, tôi đã thành lập hơn 200 CLB sáo trúc từ khắp đất nước và hơn 20 quốc gia trên thế giới. Điều quan trọng là chúng tôi thường xuyên sinh hoạt trao đổi cách thức chơi và trao đổi các điệu mới, khoe thành quả với nhau. Và ngoài những thành viên cũ có những người đã nhiều tuổi nhưng vừa mới biết đến các CLB và tìm đến chúng tôi, bằng một niềm hân hoan, bằng sự cầu thị và cầu tiến để mong mang tiếng sáo của mình đến với mọi người. Cũng có những em nhỏ đăng ký vào các CLB, vừa học vừa chơi sáo, tạo nên một sân chơi, một cộng đồng hết sức vui vẻ, thân thiện nhưng thấm đẫm âm nhạc dân tộc. Chúng tôi chơi sáo cho nhau nghe bằng một niềm háo hức, hạnh phúc và bình an.

Tôi chỉ nghĩ rằng một người biết chơi sáo có nghĩa là họ muốn cho người khác được nghe tiếng sáo của mình, muốn được truyền cảm hứng cho những người xung quanh mình. Nếu có ai đó yêu thích muốn thử thì họ sẵn sàng tận tình chỉ dạy, chừng nào người ta biết chơi thì mới thôi. Và bản thân người mới bước vào sân chơi này cũng muốn chinh phục bằng được, bằng sự háo hức và cả say mê. Đó chính là điều kỳ diệu của âm nhạc nói chung và âm thanh quyến rũ từ sáo trúc nói riêng mang đến cho chúng ta. Vậy thì nói việc lan tỏa tình yêu sáo trúc cho hàng trăm ngàn người như thế rõ ràng không phải chỉ là sự nỗ lực của tôi mà của rất nhiều người. Chúng tôi đến với sáo không chỉ bằng tình yêu, niềm đam mê và dấn thân mà còn đến với nó bằng cả trách nhiệm của một người gìn giữ nhạc cụ truyền thống. Vậy để nói đó đã phải là thành tích lớn nhất mà tôi hướng đến chưa thì rõ ràng là chưa, bởi tôi muốn nhiều hơn thế. Tôi mong rằng nhạc cụ truyền thống này được biểu diễn khắp nơi, khắp các sân khấu lớn nhỏ trong nước và thế giới.

Có lần tôi được một người bạn mời đến chơi sáo cho một bác cao tuổi đang mang trọng bệnh, bác nhắn nhủ với con rằng muốn được nghe tiếng sáo trúc và con trai bác ấy đã muốn tôi được truyền cho bác những cảm hứng, những năng lượng tích cực nhất từ sáo trúc. Tôi đến gặp bác và trò chuyện về sáo và thật không ngờ những hiểu biết, những năng lượng từ bác lại khiến tôi được bồi đắp hơn nữa về cảm xúc.

Chính vì thế những điều chúng ta đạt được hôm nay chưa thể gọi là sự hài lòng, mà chúng ta phải cố gắng nhiều hơn, để mang đến những điều đẹp hơn từ cây sáo trúc nhỏ nhắn nhưng vô cùng quyến rũ.

P.V: Trò chuyện với bạn khiến tôi nghĩ đến việc lập nghiệp từ đam mê và nuôi sống đam mê từ chính nó. Bạn là người dám làm và đã thành công khi sống được với đam mê. Vậy bạn có thể nói về điều này với những bạn trẻ đang muốn sống vì đam mê nhưng lại vướng nỗi lo “cơm áo gạo tiền”?

Nguyễn Văn Mão: Tôi thấy mình cũng có những may mắn trên chặng đường vừa qua, tuy nhiên tôi là người cầu tiến, vậy thì điều nỗ lực và sự may mắn sẽ gặp được nhau nếu chúng ta tin vào bản thân, tin vào sự nỗ lực.

Và tôi nghĩ, hãy cứ đam mê và hãy cứ sống vì nó, bạn sẽ có cách để tạo ra giá trị vật chất từ những đam mê của chính mình!

P.V: Cảm ơn cuộc trò chuyện của bạn!