Đứa trẻ của "trăm năm cô đơn"
(Baonghean) - Từ trước đến giờ, có lẽ thời đi nhà trẻ là cam go và ác liệt nhất đối với mình. Vì sao? Đi muộn là hết cháo, không được cô đút (vì còn bận đút cho đứa đến sớm hơn) và hết đồ chơi. Trưa nằm ngủ thì chán chết đi được vì cô cứ nằm kè kè bên cạnh canh xem mình đã ngủ chưa, có thì thào nói chuyện với bạn không. Nằm thao thức đau khổ được khoảng 5 phút thì mình lăn ra ngủ trong nỗi phiền muộn. Ai bảo trẻ con là không biết đến muộn phiền?
Trẻ con ngày nay thông minh sớm hơn trẻ con ngày xưa, chắc cũng bởi chúng nhiều nỗi muộn phiền hơn nên trán nhăn hơn. Ngày xưa để đút được cho mình một thìa cơm, bố phải cho lên xe Win nhong nhong một vòng thành phố; đi mẫu giáo về bị cô phê bình cũng mách bà để hôm sau bà ý kiến ngay với cô giáo (nhắc lại mà xấu hổ). Ngày nay các bố mẹ bận rộn nên chỉ còn cách phó thác con cho người giúp việc, các trường mầm non quá tải nên phải cho con vào những trường không đảm bảo tiêu chuẩn. Hoặc giả những trường có tiếng là chất lượng tốt, đắt đỏ thì phụ huynh tin vào đồng tiền mình bỏ ra hơn là tin con mình khi chúng về nhà với những cái mếu máo và nỗi sợ hãi mơ hồ. Cuối cùng sản sinh ra một thế hệ mà cô độc và sợ hãi hằn sâu vào tinh thần và thể xác, những vết hằn đi theo chúng đến mãi về sau nếu chúng ta không phát hiện ra, cảm thông và xoa dịu.
Câu hỏi mấu chốt là: Người lớn có tin trẻ con không? Bởi vì yêu trẻ con là một chuyện, nhưng tin chúng hay không lại là một vấn đề khác. Lòng tin rất gần với sự tôn trọng, mà sự tôn trọng thường được ta mặc định cho những người ngang hàng hoặc ở cao hơn ta. Chúng ta không thường tôn trọng trẻ em bởi suy nghĩ trẻ em chưa phát triển đủ về thể chất, tinh thần và trí tuệ trong khi sự thật là người lớn còn phải học trẻ em ở nhiều điều: Sự trong sáng và trung thực tuyệt đối khi nhìn nhận thế giới, sự công bằng và rõ ràng trong cho - nhận, hơn - thua, sự kiên trì và bền bỉ với những hứa hẹn.
Có phải đứa trẻ thấy cái gì hay, dở thì sẽ nói ngay chứ không vòng vo giấu diếm, xun xoe bợ đỡ? Khi chơi trò chơi con nít, thắng là thắng, thua là thua, kẻ "chơi bẩn" sẽ bị "lêu lêu xấu hổ" chứ không nhập nhằng đánh lận con đen bằng cửa này hay cửa khác. Hơn hết, trẻ con dễ tin và dành cho người chúng tin lòng tin tuyệt đối, bởi thế nếu chúng ta có lỡ hẹn với trẻ con, đừng ngạc nhiên rồi cáu bẳn khi chúng mè nheo bởi chính ta là người sai to, sai trầm trọng khi dễ dàng hứa hẹn. Chao ôi, bấy nhiêu đức tính tốt của trẻ con không biết biến đi đâu mất khi ta thành người lớn. Và giờ thì chúng ta lại quay ra chỉ trích, ép uổng chúng vứt bỏ những đức tính ấy, như thể bắt một đứa trẻ 5 tuổi ngừng uống sữa để uống bia như một người đàn ông tuổi 50!
Đến đây, mình chợt nghĩ đến một đoạn trong cuốn "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của Nguyễn Nhật Ánh, trong đó đứa con gái "kết tội" mẹ ở phiên tòa con nít xử phụ huynh. "Mẹ hỏi con thích áo xanh hay áo vàng, con nói thích áo vàng. Ai dè mẹ bảo thôi mặc áo xanh cho mát. Thế thì mẹ hỏi ý con làm gì? (...) Thương con là một chuyện, tôn trọng con lại là một chuyện khác". Mình phì cười không biết bao nhiêu lần, nhưng đấy là khi nghĩ về hồi mình được mẹ chở đi mua dép, mua quần áo. Còn khi nghĩ về những đứa trẻ không-được-hỏi-ý-kiến của thời hiện đại, cũng cười nhưng là cười ra nước mắt. Bởi vì người lớn chúng ta cứ thường tự cho mình là giỏi giang, nhưng hỡi ôi, khi một cô bảo mẫu tát vào mặt con ta, cũng chính là tát vào lòng tin của chúng ta, âu cũng vì ta đặt lòng tin vào nhầm chỗ. Lòng tin ấy, sao không san sẻ cho những đứa trẻ, bởi vì chúng rất cần được tin và được yêu để hạnh phúc mà lớn lên!
Cũng phải ít lâu nữa mình mới có cơ hội thử thách lòng tin của mình dành cho con trẻ. Nhưng đến lúc ấy, chắc là mình sẽ không thôi tự nhắc nhở, rằng không ai có thể sống mà không có niềm tin. Trẻ em lại càng cần có niềm tin, bởi thế giới của chúng dệt nên từ những niềm tin ngây ngô vào bà Tiên, ông Bụt cho đến lòng tin không giới hạn đối với các ông bố, bà mẹ. Khi không có ai để chúng tin và được tin nữa, chúng sẽ thành những đứa trẻ mãi không thể lớn lên được của trăm năm cô đơn!
Hải Triều (Email từ Paris)