Dựa vào dân mà xây dựng Đảng
(Baonghean.vn) - Không phải chỉ khi “xuôi chèo, mát mái” mà cả những khi cam go, nhân dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh vô địch để giành thắng lợi.
Sức mạnh của nhân dân vô cùng to lớn và mạnh mẽ. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi từng viết: “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Bài học “Lấy dân làm gốc” từ lâu đã là bài học lớn, cơ bản, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng của Đảng và dân tộc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Có lực lượng dân chúng thì việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.
Tranh minh họa: Internet |
Mọi chủ trương, nghị quyết, chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước đều xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của nhân dân và thực tiễn cũng chính là tấm gương phản chiếu, kiểm nghiệm những chủ trương, nghị quyết, chương trình, dự án đó có đúng, có chính xác, có thiết thực, có sát với thực tế hay không. Nói cách khác, “sức sống” của nó trong đời sống xã hội thể hiện Đảng đã nắm bắt đúng và trúng nhu cầu của xã hội hay chưa. Thực tế đã chứng minh, mỗi chủ trương, nghị quyết hợp lòng dân sẽ sớm đi vào cuộc sống, việc thực hiện sẽ rất nhanh chóng, hiệu quả.
Tập hợp sức mạnh toàn dân, huy động sức dân mà giải phóng cho nhân dân đã từng làm nên những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử trong các cuộc kháng chiến giữ nước, của công cuộc đổi mới và rất nhiều chủ trương lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
Nhân dân có “trăm tay, ngàn mắt”. Không có việc gì qua được tai mắt của nhân dân. Khi Đảng, Nhà nước thực tâm, cầu thị, mở rộng dân chủ, nhân dân sẽ rất hăng hái, sẵn sàng phản ánh, góp ý với cấp ủy, chính quyền, với cán bộ, đảng viên về các chủ trương, đường lối lớn của Đảng, Nhà nước. Đó chính là khi “Ý Đảng hợp lòng dân” và tạo nên sức mạnh dời non lấp biển.
Thông qua hoạt động đối thoại, tiếp công dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo,... Nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng cách giám sát, góp ý, kiến nghị với Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị những hạn chế, khuyết điểm của tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”, những vấn đề về phong cách, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Đảng ta đã có nhiều quy định, sửa đổi, bổ sung để phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện nghiêm túc phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” như: Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quy định về việc đảng viên tham gia sinh hoạt ở khu dân cư,… Những quy định này đã góp phần làm tăng thêm cơ hội để nhân dân góp ý, xây dựng và hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giám sát đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức về nhiều mặt; tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ngoài việc tham gia trực tiếp, nhân dân còn gián tiếp tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động của Quốc hội, HĐND, MTTQ và các đoàn thể chính trị các cấp. Nhân dân lựa chọn, bầu các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Nhân dân sẵn sàng trao đổi những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình với Quốc hội, HĐND các cấp về những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc, những vấn đề cần tháo gỡ.
Thông qua tiếp xúc cử tri, chất vấn các đại biểu dân cử, thông qua giám sát của nhân dân đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử. Vì vậy mà trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Kết luận Hội nghị lần thứ 4 (khóa XIII) đã nêu: “Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Không phải chỉ khi “xuôi chèo, mát mái” mà cả những khi cam go, nhân dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh vô địch để giành thắng lợi. Những năm tháng “ngàn cân treo sợi tóc”, chính quyền cách mạng còn non trẻ phải chống chọi với thù trong, giặc ngoài; những năm tháng sửa sai sau cải cách ruộng đất; những năm tháng “lụt Bắc, lụt Nam, máu đầm biên giới/ Tay chống trời, tay giữ nước căng gân”; những năm tháng trì trệ, khủng hoảng kinh tế, xã hội trầm trọng khi đất nước mới thống nhất; những năm tháng phá vỡ sự bảo thủ trì trệ, đi vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước; cả những khi cuộc chiến chống nội xâm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đe dọa sự sống còn của Đảng, của chế độ thì nhân dân vẫn một lòng đi theo Đảng.
Văn kiện Đảng ta từng khẳng định: “Trong hoàn cảnh Đảng có sai lầm, khuyết điểm, nhân dân vẫn thiết tha mong đợi Đảng khắc phục sai lầm, đưa đất nước tiến lên. Đảng ta không thể phụ lòng mong đợi đó của nhân dân”.
Thật đáng buồn là trong thực tế, vẫn nhiều khi, nhiều nơi chưa làm tốt công tác dân vận; chưa thực sự mở rộng dân chủ, chưa thành tâm lắng nghe dân nói với thái độ thiếu cầu thị. Vẫn còn hiện tượng hình thức trong lấy ý kiến nhân dân; vẫn có hiện tượng nghe, rồi “hứa cho hạ nhiệt”, “đánh trống bỏ dùi”,... thậm chí có hiện tượng gay gắt, “thù lâu, nhớ dai”, trù dập, gây khó khăn cho những người góp ý,... Họ không biết rằng, những thái độ như vậy sẽ làm cho dân không muốn nói, và từ “không muốn nói” chuyển đến “Dân không thèm nói” là một thiệt thòi cho Đảng!