Đức đang phải trả giá cho chính sách năng lượng với Nga
(Baonghean.vn) - Theo giới chuyên gia, Đức đang phải trả giá cho những chính sách sai lầm bằng lạm phát cao, giá năng lượng cao và cả sự thịnh vượng của đất nước, trong đó bao gồm việc từ chối mua khí đốt từ Nga.
Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng năng lượng sâu sắc mà Đức và châu Âu đang phải đối mặt. Theo nhà lãnh đạo Đức, châu Âu đã mất tổng cộng 120 tỷ mét khối khí đốt. Sự thiếu hụt dẫn đến giá cả tăng cao.
Thủ tướng Đức cáo buộc Nga chịu trách nhiệm về việc ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu
10/12/2023 07:08
Theo RT, bất chấp các đường ống dẫn khí đốt của Dòng chảy phương Bắc bị phá hoại, Moskva vẫn không ngừng cung cấp nguồn năng lượng cho các nước châu Âu. Phát biểu tại Diễn đàn Khí đốt quốc tế St.Petersburg năm nay, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga, Nikolai Shulginov cho biết, Nga vẫn xem mình là “nhà cung cấp đáng tin cậy”, chưa bao giờ đóng cửa xuất khẩu khí đốt theo hướng Tây, và tiếp tục bơm qua hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine, cũng như Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Shulginov nhấn mạnh, người khởi xướng việc ngừng cung cấp chính là “theo sáng kiến” của các quốc gia châu Âu.
Các chuyên gia chỉ ra, chính sách của Thủ tướng Olaf Scholz đã trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình hình khó khăn của nền kinh tế Đức. Do đó, việc thiếu nguồn năng lượng và giá khí đốt tăng vọt đã khiến Đức rơi vào cuộc khủng hoảng công nghiệp và ngân sách quy mô lớn.
Aleksei Grivach, Phó Tổng Giám đốc phụ trách các vấn đề khí đốt của Quỹ An ninh Năng lượng quốc gia Nga cho hay: “Hành động của ông Scholz đã gây ra khó khăn lớn cho cả nền kinh tế Đức nói chung, và ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, đặc biệt là ngành hóa chất. Tất nhiên, ông ấy sẽ bào chữa và đổ lỗi mọi chuyện cho Nga. Nhưng ngay cả những cử tri và cả đối thủ chính trị của ông Scholz chưa chắc đã tin vào những lời tuyên bố đó”.
Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, Thủ tướng Scholz không có ý định từ bỏ lộ trình hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Đồng thời, Thủ tướng Đức thừa nhận rằng, việc hỗ trợ Kiev đã trở thành một “thách thức tài chính” nghiêm trọng đối với Berlin.
Đến nay, tổng ngân sách của Đức viện trợ cho Ukraine đã vượt quá 25 tỷ Euro, kể từ tháng 2/2022. Đồng thời, chi tiêu ngân sách cho Ukraine vào năm 2024 vẫn chưa đạt được sự thống nhất.
Trong bối cảnh đó, mức độ tín nhiệm của ông Scholz ngày càng suy giảm. Theo cuộc khảo sát mới nhất do YouGov thực hiện, 74% số người được hỏi tin rằng, Thủ tướng Đức đang không làm tốt vai trò nhiệm vụ của mình. Chỉ có 22% người dân đánh giá tích cực về công việc của chính phủ.
Vladislav Belov, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Đức tại Viện Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, những cáo buộc chống lại Nga là cách mà Thủ tướng Scholz đang cố gắng tự bào chữa cho mình, thoát khỏi trách nhiệm về cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng, bầu cử sớm sẽ diễn ra ở Hạ viện, nếu tín nhiệm của thủ tướng sụt giảm đến mức tối thiểu.
“Chính phủ Đức hiện chưa đưa ra những quyết định chính trị liên quan đến Dòng chảy phương Bắc. Theo thời gian, Đức sẽ bắt đầu khôi phục việc mua tài nguyên năng lượng của Nga. Đức cần nguồn năng lượng của Nga. Nhiều người ở Đức hiểu rằng, nếu không có nguồn năng lượng của Nga thì ngành công nghiệp của nước này sẽ mất đi khả năng cạnh tranh. Đức phải trả giá cho chính sách như vậy bằng lạm phát cao, giá năng lượng cao và cả sự thịnh vượng của đất nước” – chuyên gia Belov nhận định.
Ông Belov tin rằng, nguồn cung cấp khí đốt của Nga sẽ tiếp tục khi xung đột Ukraine kết thúc./.