“Đừng bỏ học... theo chồng”
Tảo hôn - vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình là một trong những vấn đề xảy ra nhiều ở các huyện miền núi, nơi chiếm số đông đồng bào dân tộc thiểu số có phong tục tập quán lạc hậu, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp. Những năm qua, mặc dù được sự quan tâm của các cấp, các ngành về công tác phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức, song ở huyện miền núi Tương Dương vấn đề tảo hôn vẫn còn nhức nhối.
(Baonghean) - Tảo hôn - vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình là một trong những vấn đề xảy ra nhiều ở các huyện miền núi, nơi chiếm số đông đồng bào dân tộc thiểu số có phong tục tập quán lạc hậu, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp. Những năm qua, mặc dù được sự quan tâm của các cấp, các ngành về công tác phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức, song ở huyện miền núi Tương Dương vấn đề tảo hôn vẫn còn nhức nhối.
N hiều người dân xã Mai Sơn (Tương Dương) vẫn còn nhớ cái ngày Già Y Mái đi lấy chồng. Bà Lô Thị Thanh ở bản Huồi Xá kể: Hôm đó, một đoàn người từ xã Mường Lống (Kỳ Sơn) kéo đến bản Phá Kháo, xã Mai Sơn “bắt” vợ. Người “bị bắt” là Già Y Mái, con gái của ông Già Nênh Thông ở bản Phá Kháo. Đó là cuối năm 2012, khi Già Y Mái đang học lớp 9, Trường THCS bán trú xã Mai Sơn. Ông Lô Đại Duyên – Chủ tịch UBND xã Mai Sơn (Tương Dương) cho hay, khi đoàn “bắt” vợ đến địa bàn xã, lãnh đạo địa phương cũng đã mời họ vào làm việc và yêu cầu họ trở về vì Già Y Mái chưa đến tuổi.
Nhưng “nhà trai” không nghe mà vẫn tự đến Phá Kháo đưa cô dâu về nhà chồng. Cũng phải nói thêm rằng gia đình của Già Y Mái là gia đình có uy tín ở Phá Kháo, điều kiện kinh tế khá giả nhất bản, Y Mái có chị đang học Trường Sư phạm Mầm non. Thế nhưng tất cả những điều đó cũng không ngăn được một đám cưới của đứa trẻ chưa bước qua tuổi vị thành niên.
Trường hợp như Già Y Mái không phải là chuyện hiếm ở Tương Dương. Chúng tôi tìm đến gia đình La Thị Ngân, sinh năm 1997 ở bản Cặp Chang, xã Yên Tĩnh. Ở tuổi 16 Ngân đã làm vợ được 1 năm. Tổ ấm của vợ chồng Ngân lợp tranh tuềnh toàng, tường được vây bằng những phiến gỗ mỏng, gia tài chẳng có gì ngoài một chiếc giường cũng được kê bằng gỗ tạp. Vây quanh giường là những cây sào vắt dày quần áo. Bên bếp lửa đã tắt, mấy cái nồi nằm chỏng chơ, gói muối ăn bên cạnh thủng lỗ chỗ rơi vãi trên tấm liếp tre. Hỏi chuyện, như người biết lỗi, Ngân không nói gì, hỏi chồng đi đâu, Ngân cho biết: “Hắn đang đi chơi”.
Theo cách tính lũy kế, nếu như năm 2012 ở Tương Dương có 85 cặp vợ chồng lấy nhau khi tuổi còn “ô mai” thì 6 tháng đầu năm 2013 có 56 cặp vợ chồng là đối tượng của nạn tảo hôn. Các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân đều chủ yếu sinh năm 1996, 1997. Cá biệt có những em mới 14, 15 tuổi nhưng đã có con, đã làm bố, làm mẹ, bỏ dở việc học giữa chừng. Đó là Thò Bá Chùa, sinh năm 1999 ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền; Lương Thị Ét, sinh năm 1998 ở bản Đình Yên, xã Yên Hòa; Lữ Văn Yếu, sinh năm 1998 ở bản Huồi Cọ, xã Hữu Khuông… Những xã tập trung nhiều đối tượng chưa đến tuổi thành niên nhưng đã kết hôn là: Hữu Khuông, Lượng Minh, Nhôn Mai, Tam Hợp, Yên Hòa, Yên Na, Yên Tĩnh…
Trẻ em miền núi không có nhiều không gian và thời gian để vui chơi
Tìm hiểu được biết, có nhiều nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng tảo hôn ở Tương Dương, nhưng tập trung nhất là ở các địa bàn xa trung tâm, với đời sống văn hóa tinh thần, trình độ nhận thức hạn chế đã thế điều kiện giao lưu, đi lại khó khăn, điều kiện vật chất tối thiểu không được đáp ứng. Bên cạnh đó còn liên quan đến những tập tục, quan niệm lạc hậu trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Theo tập tục của người Mông, khi người con trai thích người con gái nào đó anh ta sẽ bỏ áo của mình vào trong buồng cô gái, nếu một thời gian ngắn sau đó không thấy cô gái đem trả áo thì cậu trẻ sẽ tiến hành các thủ tục “bắt” vợ.
Chính tập tục này tạo ra những cản trở cho công tác dân số, hôn nhân và gia đình. Cũng theo tư duy của một số đồng bào dân tộc Mông, cưới vợ sớm để có người làm việc nhà. Người con gái sau khi về nhà chồng nếu người chồng là con trai cả thì sẽ chung sống cùng bố mẹ, nếu con trai thứ thì sẽ ra ở riêng. Chính cái việc “ở riêng” này tạo ra những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống gia đình của các cặp vợ chồng “ổi ương”.
Ở góc độ nào đó phải thừa nhận rằng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi với môi trường sinh sống đặc thù nên bắt buộc những đứa trẻ phải quen với công việc bếp núc, nương rãy, rừng núi để tồn tại. Nhưng việc buộc phải thích nghi với “gia đình riêng” hoàn toàn không dễ dàng. Cái ăn có thể lên rừng kiếm măng, tìm nấm, tra hạt nhưng kiến thức về sức khỏe sinh sản, chăm sóc gia đình của một đứa trẻ 15 -16 tuổi cực kỳ hạn chế.
Các trường hợp kết hôn đều tổ chức lén lút không thông qua chính quyền cơ sở, hầu như ở xã nào cũng có hiện tượng tảo hôn, song không thể đưa ra con số thống kê chính xác. Hệ lụy của những đám cưới chồng – vợ đang tuổi tới trường “ăn chưa no lo chưa tới” là tình trạng không việc làm, đói nghèo, con cái sinh ra còi cọc. Bố mẹ chưa trưởng thành nên ý thức và kinh nghiệm chăm sóc con cái cũng vì thế mà rất hạn chế. Vấn đề về chỉ số con người, chất lượng dân số, sự phát triển bền vững bị đe dọa.
Ở huyện Tương Dương đến thời điểm này có lẽ duy nhất có một người dân tộc Mông dám “chống” lại việc lấy chồng sớm. Đó là em Và Y Lê ở bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai. Năm 2012 khi Và Y Lê đang là học sinh lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Tương Dương thì bố em có ý định sẽ đưa em về nhà lấy chồng. Điều này khiến Y Lê vô cùng hoảng sợ, lo lắng. Y Lê đã nhiều lần cầu cứu các thầy, cô giáo để em được tiếp tục nuôi ước mơ học tập. Khi Và Y Lê tốt nghiệp THCS, nhà trường đã tạo mọi điều kiện để em được học lớp 10 – khóa tạo nguồn của Trường Đại học Thủy Lợi. Đây là việc làm đáng được biểu dương, giúp đỡ. Hy vọng rằng, những tấm gương như Và Y Lê được các nữ sinh Tương Dương học tập. Vì một tương lai tốt đẹp và giống nòi khỏe mạnh, mong các em đừng “bỏ học theo chồng”.
Đào Tuấn