Đừng 'độc quyền' sách giáo khoa!

24/10/2017 16:13

(Baonghean.vn) - Có nhiều ý kiến trái chiều của cán bộ, giáo viên Nghệ An, đặc biệt là về vấn đề dạy và học theo sách giáo khoa, khi Công văn số 4612/BGDĐT – GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành vào đầu tháng 10 này.

Đó là Công văn về “hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018”

Quy định chưa bám sát với thực tế

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì các đơn vị cần tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt.

Đồng thời điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa.

Là giáo viên dạy Địa lý, thầy giáo Nguyễn Lâm Nam, giáo viên Trường THPT Thanh Chương I, tổ trưởng tổ Sử, Địa cho rằng: Sách giáo khoa có vai trò đưa ra những chủ đề, vấn đề theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Trong khi đó, nhiệm vụ của giáo viên là giảng giải, khơi gợi, kể cả cung cấp những dẫn chứng thực tế để giúp học sinh hiểu, vận dụng được kiến thức.

Riêng với môn Địa lý, do đặc thù môn học gắn liền với các kiến thức thực tế nên nếu chỉ bám vào sách giáo khoa, giáo viên và học sinh khó có thể cập nhật được những kiến thức về kinh tế, xã hội hiện thời.

Tuy nhiên, ngay khi văn bản này ra đời, rất nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ quy định “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa” là đi ngược lại với quá trình đổi mới trong dạy và học hiện nay, đặc biệt là trong đổi mới về thi cử và sẽ hạn chế sự vận dụng sáng tạo trong dạy, học.

Bởi những năm gần đây, hầu hết các đề thi đều có những câu hỏi liên hệ thực tế. Tuy nhiên, đây lại là những vấn đề mà sách giáo khoa chưa cập nhật được vì vậy để làm bài tốt thì rõ ràng giáo viên phải “dạy” và học sinh phải “học” thêm nhiều kiến thức ngoài sách giáo khoa.

Học sinh của Trường Tiểu học Nghi Hoa (Nghi Lộc). Ảnh: MH
Học sinh Trường Tiểu học Nghi Hoa (Nghi Lộc) trong giờ lên lớp môn Tiếng Việt. Ảnh: MH

Cùng chung quan điểm, thầy giáo Lê Xuân Hường - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 1 cho rằng: "Sách giáo khoa hiện nay vừa thừa, vừa thiếu. Đó là có nhiều kiến thức hàn lâm, khoa học, nhưng lại thiếu những kiến thức cập nhật trong cuộc sống và có tính ứng dụng cao.

Vì vậy, quá trình giảng dạy, không nên xem sách giáo khoa là pháp lệnh hay pháp lý, mà chỉ là một tài liệu tham khảo. Trên cơ sở đó, giáo viên tìm hiểu các kiến thức bên ngoài để phục vụ cho khung đó. Thực tế, trước đây, khi chúng tôi đi học, một chương trình có thể có nhiều sách giáo khoa và người dạy có thể tùy ý lựa chọn sách nào cho phù hợp và có kết quả cao".

Cô giáo Đặng Thu Hiền - Trường THPT Quỳnh Lưu 1 chia sẻ: Trong dạy học hiện nay, sách giáo khoa chính là tài liệu chính thống nhất. Ở đó, mỗi bài học sẽ cung cấp cho học sinh một lượng kiến thức nhất định. Nhưng chúng ta không nên hiểu cứng nhắc không được dạy ngoài sách đồng nghĩa với việc chỉ được dạy từng chữ trong sách giáo khoa.

Đối với các môn xã hội nói chung, và môn Văn nói riêng, giáo viên vẫn có thể phát triển bài giảng bằng cách liên hệ thực tiễn, miễn sao nó phù hợp và phục vụ giải quyết vấn đề đưa ra trong nội dung kiến thức bài học. Chẳng hạn, đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia những năm qua có cấu trúc đề mở và có đến 2/3 câu hỏi gồm câu đọc hiểu và câu nghị luận xã hội sử dụng ngữ liệu không nằm trong sách giáo khoa.

Tuy vậy, điều này cũng không có nghĩa là đề thi ngoài chương trình sách giáo khoa bởi các kỹ năng, phương pháp tư duy, cách lập luận giải quyết về đề đều phải học kỹ sách giáo khoa mới có thể vận dụng tốt được.

Giảm tải cho học sinh

Đây là lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi có quy định vềtuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”. Theo đó, đại diện của Bộ cho rằng: Sách giáo khoa trong quá trình biên soạn đã cụ thể hóa mục tiêu của chương trình. Vì vậy, quan điểm của Bộ là yêu cầu không dạy, học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với ngữ liệu trong sách giáo khoa.

Trao đổi bài sau giờ học của học sinh Trường THPT Nam Đàn 2. Ảnh:MH
Trao đổi bài sau giờ học của học sinh Trường THPT Nam Đàn 2. Ảnh:MH

Hơn thế, với quy định mới này, cũng nhằm mục đích hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Minh Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Thái Hòa nói rằng: "Chương trình sách giáo khoa do bộ ban hành đã định lượng hóa kiến thức các môn văn hóa thành những bài học với khung chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Nhưng nhiều phụ huynh chúng ta lại có nhu cầu vô cùng đối với con cái, muốn các cháu học giỏi, không thua kém bạn bè và luôn lo lắng kiến thức trong sách giáo khoa là không đủ, cần phải dạy thêm, học thêm để nâng cao kiến thức".

Mặc dù vậy ông cũng bày tỏ sự băn khoăn bởi hiện nay, chủ trương và việc thực hiện còn nhiều vấn đề chưa đồng nhất. Về cá nhân, ông cho rằng, để đạt được mục đích này, thì nội dung đề thi kiểm tra, đánh giá học sinh cũng phải phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng trong chương trình sách giáo khoa.

Thực tế đã xảy ra trường hợp giữa kiến thức học và kiến thức thi cử vênh nhau, dạy học giảm tải, nhưng đề thi, đề kiểm tra lại nâng cao, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Gần đây nhất, Phòng Giáo dục và đào tạo TP. Vinh từng khiến nhiều phụ huynh và học sinh “lao đao” khi ra đề thi khảo sát chất lượng cuối năm dành cho học sinh lớp 5 nằm ngoài chương trình.

Với cách ra đề này, mục đích “phân loại” học sinh đã bị thất bại bởi lẽ việc “toàn thành phố không có học sinh nào được điểm 10” vô tình lại đánh đồng việc không có học sinh nào có năng lực vượt trội.

Từ thực tế này cũng cho thấy, quá trình dạy học giáo viên và học sinh phải vận dụng linh hoạt sách giáo khoa. Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở cho rằng: Sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, là duy nhất trong giáo dục nữa. Nhưng để đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng thì tối thiểu học sinh cần phải nắm chắc các kiến thức trong sách giáo khoa và trên cơ sở đó mở rộng các kiến thức, kỹ năng khác.

Học sinh Trường Tiểu học Yên Na - Tương Dương. Ảnh:MH
Học sinh Trường Tiểu học Yên Na - Tương Dương. Ảnh:MH

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng: Chúng ta cũng có thể hiểu, cấm không dạy ngoài sách giáo khoa, có nghĩa là giáo viên không dạy vượt ngưỡng chuẩn đó trong chương trình chính khóa. Nhưng Bộ và ngành không cấm giáo viên và học sinh đọc thêm nhiều tài liệu từ sách, báo, mạng Internet, để làm phong phú thêm bài học.

Giáo viên có thể sáng tạo phương pháp dạy học, liên hệ với thực tiễn để làm sao chuyển tải được nội dung bài học cho học sinh. Thực tế, chủ đích của việc không dạy ngoài sách là nhằm giảm tải cho học sinh, giúp chương trình học trở nên nhẹ nhàng, không gây áp lực, căng thẳng cho các em.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đừng 'độc quyền' sách giáo khoa!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO