Đừng ngại mang mác 'sinh viên' khi đi xin việc

27/03/2017 09:04

(Baonghean) - Cả nước hiện có trên 1 triệu lao động đang trong tình trạng thất nghiệp, hơn 200.000 người trong số đó có trình độ đại học trở lên. Nghệ An với quy mô dân số đứng thứ tư cả nước cũng đang có khoảng 30.000 lao động thất nghiệp. Với sinh viên sắp ra trường, tìm việc và viễn cảnh thất nghiệp là hai điều gây ám ảnh nhất.

Nếu không muốn rơi vào cảnh thất nghiệp, có nên chờ đến khi ra trường mới bắt đầu cuộc hành trình đi tìm việc làm? Theo lời khuyên của các chuyên gia và những người đi trước, bắt đầu tìm việc sau khi tốt nghiệp là quá muộn.

Định hướng nghề nghiệp trước khi vào đại học

PGS. TS Bùi Văn Dũng - Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Vinh cho rằng, trước khi đặt chân vào thế giới việc làm, cần nắm được xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động. Kết hợp với các yếu tố chủ quan như năng lực, sở thích và khả năng tài chính của bản thân, gia đình, từ đó đưa ra lựa chọn về nghề nghiệp và các ngành học phù hợp. Sự chuẩn bị tốt ngay từ đầu vào sẽ đem lại tỷ lệ thành công cao hơn khi tìm kiếm việc làm ở đầu ra.

Ghi thông tin vào phiếu đăng ký tuyển dụng cho doanh nghiệp cung cấp. Ảnh: Thục Anh
Ghi thông tin vào phiếu đăng ký tuyển dụng cho doanh nghiệp cung cấp. Ảnh: Thục Anh

Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Vinh cũng nhấn mạnh, sự quan trọng của việc chọn nghề theo nhu cầu của xã hội. “Các bạn thấy ngành nào đó đang hot thì đổ xô vào học nhưng không biết rằng có thể năm, mười năm sau là nhu cầu về ngành, nghề đó đã bão hoà. Thậm chí có ngành, nghề còn “biến mất”. Vậy là thất nghiệp thôi”.

Theo thầy Dũng, trong tương lai gần sẽ có sự chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu các ngành nghề. Một số ngành được dự đoán sẽ giảm mạnh về nhu cầu tuyển dụng như kỹ sư dân dụng, giáo viên, nhân viên kiểm soát không lưu, kế toán, biên dịch viên, phóng viên báo giấy, các ngành nghề vận chuyển… Lý do là vì các tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ dần thay thế con người trong các ngành nghề này. Đồng thời, một số ngành nghề mới sẽ “sinh ra” hoặc phát triển mạnh lên như khai thác và cung cấp thông tin, kinh doanh trực tuyến, dịch vụ không dây và quản trị mạng, tư vấn tài chính cá nhân, tư vấn thương thảo đàm phán, chuyên gia tâm lý xã hội học, chuyên gia văn hoá - sức khoẻ cộng đồng - dịch vụ xã hội…

Cập nhật thông tin liên tục khi còn ngồi trên giảng đường

Sinh viên Việt Nam nhìn chung còn thụ động trong tiếp cận và cập nhật kiến thức thường thức và tình hình kinh tế - xã hội. Kiến thức trong sách vở có quán tính lớn còn xã hội thì lại vận động không ngừng. Sinh viên không chủ động làm mới kiến thức, kỹ năng của bản thân khi ra trường khó có thể bắt nhịp ngay với thế giới việc làm.

Trần Kim Việt (sinh năm 1990), Giám đốc Công ty TNHH SXTM Vườn ươm Việt là một ví dụ điển hình của thành công nhờ linh hoạt, thích nghi với hoàn cảnh. Bản thân là một người tàn tật khó khăn trong đi lại, Việt chọn học Nông nghiệp để có thể “nhìn thế giới dưới mười ngón tay”. Đồng thời, Việt đăng ký học thêm Công nghệ thông tin. “Lúc đó mình nghĩ Công nghệ thông tin chắc chắn sẽ phát triển mạnh bởi nó hiện diện trong tất cả các ngành khác. Mọi ngành nghề rồi cũng sẽ số hoá và cần đến công nghệ, kể cả ngành Nông nghiệp”.

Sinh viên Trường ĐH Vinh tìm hiểu các chương trình tuyển dụng tại Ngày hộiviệc làm 2017. Ảnh: Thục Anh
Sinh viên Trường ĐH Vinh tìm hiểu các chương trình tuyển dụng tại Ngày hội việc làm 2017. Ảnh: Thục Anh

Từ một sinh viên đạt điểm số cao ở trường đến một cử nhân có thể làm được việc ngay sau khi ra trường là cả một khoảng cách lớn. Để rút ngắn khoảng cách đó, giải pháp duy nhất là không ngừng thực hành. Quay trở lại với Trần Kim Việt, ông chủ công ty chuyên về giống cây và các giải pháp sinh học với 13 nhân viên làm toàn thời gian, 10 nhân viên thời vụ từng phải vay mượn thầy giáo 500.000 đồng để mua chiếc máy tính cũ của quán net giá hơn 1 triệu đồng.

“Mình hứa với thầy là nhận được tiền học bổng sẽ trả lại tiền cho thầy nhưng bản thân thậm chí còn không chắc là có được nhận học bổng hay không. Lúc đó mình nghĩ bằng mọi giá phải mua được máy tính để có cái mà thực hành”. Nói về bí quyết khởi nghiệp thành công, Việt cho rằng quan trọng nhất là sự linh hoạt, năng động: “Kiến thức học được ở trường chỉ là viên gạch đầu tiên, còn thế giới việc làm thì như đồ thị hình sin lúc lên lúc xuống. Thích nghi được thì tồn tại, không thích nghi được thì thất bại”.

Đừng ngại mang mác “sinh viên” đi xin việc

Nhiều bạn cho rằng cầm tấm bằng cử nhân đi xin việc còn khó huống hồ là sinh viên. Đây là một suy nghĩ sai lầm. Thực tế thì nhà tuyển dụng thường phải đào tạo lại nhân viên là cử nhân vừa tốt nghiệp mới có thể đáp ứng nhu cầu công việc. Về mặt kinh nghiệm, cử nhân mới ra trường và sinh viên không có nhiều khác biệt. Bạn hoàn toàn có thể thay đổi điều này và trở thành ứng viên nổi bật trong một rừng cử nhân cầm bằng mới đi xin việc.

Nhiều nhà tuyển dụng đặc biệt quan tâm đến sinh viên năm thứ ba và bốn của các trường đại học. Họ liên kết với trường tổ chức các vòng tuyển dụng từ trước khi sinh viên tốt nghiệp. Hình thức tuyển dụng sớm này vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa có lợi cho sinh viên. Nếu được chọn thì không nói làm gì, bạn có thể yên tâm không rơi vào cảnh thất nghiệp sau khi ra trường. Thậm chí sau đó nếu muốn hướng đến việc làm hấp dẫn hơn thì hồ sơ của bạn sẽ “đẹp” hơn nhiều khi có kinh nghiệm một vài năm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Ngay cả khi không được chọn, bạn vẫn rút được kha khá kinh nghiệm trong việc làm hồ sơ, CV và phỏng vấn tuyển dụng. Điều đó sẽ giúp bạn tăng khả năng thành công trong các lần xin việc tiếp theo.

Nguyễn Minh Tài, một cựu sinh viên của Trường ĐH Vinh hiện đang làm việc tại Unilever Việt Nam - một trong 100 công ty có môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ tốt nhất Việt Nam - chia sẻ với các em khoá sau tại Ngày hội việc làm 2017 diễn ra ngày 21/3 vừa qua. “Ai trong số các bạn ở đây muốn có việc làm ngay sau khi ra trường với lương khởi điểm là 12 triệu đồng/tháng? Cơ hội đó là có thật và đã đến với mình khi đang là sinh viên năm cuối. Nếu các bạn chờ sau khi ra trường mới nghĩ đến chuyện đi xin việc thì những cơ hội như vậy có thể đã bị người khác lấy mất từ lâu rồi”.


Thục Anh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Đừng ngại mang mác 'sinh viên' khi đi xin việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO