Dùng thuốc Việt giảm chi phí điều trị cho người bệnh

06/03/2013 14:42

Bộ Y tế vừa khởi động Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” trên phạm vi cả nước. Đây được xem là động thái tích cực nhằm mục tiêu điều trị hiệu quả, giảm chi phí cho người bệnh và thúc đẩy nền công nghiệp dược phẩm nước nhà phát triển tiến tới thay thế dần thuốc nhập ngoại.

Bộ Y tế vừa khởi động Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” trên phạm vi cả nước. Đây được xem là động thái tích cực nhằm mục tiêu điều trị hiệu quả, giảm chi phí cho người bệnh và thúc đẩy nền công nghiệp dược phẩm nước nhà phát triển tiến tới thay thế dần thuốc nhập ngoại.

Triển khai đề án người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt

Đề án nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, qua đó góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng, đồng thời thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam phát triển cả về lượng lẫn chất, đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh trong nước. Đề án cũng nhằm góp phần giảm gánh nặng về chi phí điều trị cho người bệnh, gia đình và xã hội, tiết kiệm nguồn lực để phát triển đất nước.

Để triển khai đề án, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở y tế, các sở, ban ngành liên quan sớm thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đề án, đồng thời tích cực vận động toàn dân tham gia có hiệu quả, tạo nên phong trào thi đua yêu nước rộng khắp hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, Sở Y tế, các cơ quan truyền thông cũng nên vào cuộc góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi sử dụng thuốc Việt Nam trong người dân, bệnh nhân, nhất là những người hành nghề y, cán bộ y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng trong, ngoài công lập.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiếncho biết, hiện nay, trong nước có 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc chữa bệnh của người dân. Các nhà máy sản xuất thuốc trong nước đều đạttiêu chuẩn quốc tế (GMP), chất lượng tốt, giá thành rẻ hơn nhiều so với thuốc ngoại cùng loại, đã sản xuất đủ 10 loại vaccine cung cấp cho chương trình tiêm chủng mở rộng, góp phần quan trọng trong công tác dự phòng, giảm tỷ lệ các loại dịch bệnh… Tuy nhiên, nhiều dân chưa tin dùng thuốc sản xuất trong nước, trong khi các nhà máy sản xuất thuốc mới đạt công suất trung bình 47%.



Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam. Ảnh: Minh họa.

Thuốc nội chất lượng như thuốc ngoại?

Theo tính toán của Bộ Y tế, tỷ lệ tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam và thuốc ngoại nhập của bệnh viện các tuyến vào năm 2010 là 15.000 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2009. Trong đó, tỷ lệ tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam chiếm 38,7%, tăng so với năm 2009 (38,2%).

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam (tính theo tỷ trọng tiền thuốc) ở tuyến trung ương chỉ khoảng 10%, tuyến tỉnh trên 40% và cao nhất là tuyến huyện trên 50%. Điều này phản ánh thực tế cơ sở khám chữa bệnh càng tuyến trên thì sử dụng thuốc sản xuất trong nước càng ít bởi chủ yếu điều trị bệnh nặng, thuốc trong nước chưa đáp ứng được.

Vậy làm cách nào để tăng tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước? Đồng thời, một thực tế là làm thế nào để thay đổi tâm lý “sính” thuốc ngoại của nhiều người dân. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là vì sao các doanh nghiệp dược Việt Nam đã và đang đổi mới công nghệ kỹ thuật hiện đại, sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt tương đương thuốc ngoại, giá cả hợp lý, nhưng tỷ lệ tiền thuốc trong nước được sử dụng tại các cơ sở điều trị lại rất thấp.

Ngoài ra, đề án chưa đưa ra những chế tài cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng ngay chính các bệnh viện phải có quy chế về kê đơn thuốc nội bộ, có biện pháp xử lý.

Về mặt bảo hiểm y tế, hiện vẫn còn sự cào bằng mà chưa có cơ chế thanh toán thuốc bảo hiểm y tế theo hướng ưu tiên thanh toán thuốc sản xuất trong nước. Đối với các trường hợp bệnh có nhiều lựa chọn thuốc thì hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh chọn thuốc nước ngoài cũng không có chế tài xử lý. Còn đối với doanh nghiệp dược trong nước lại chịu những thiệt thòi quảng bá so với doanh nghiệp nước ngoài nên chưa tạo niềm tin cho người bệnh.

Để tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước, nhiều ý kiến cho rằng không thể nào khác hơn là tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy, tạo niềm tin cho người dân, cơ sở y tế tăng cường sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, nêu cao trách nhiệm của chính y bác sĩ trong việc kê toa thuốc sản xuất trong nước. Đồng thời phải có những chế tài cụ thể đối với những cơ sở khám chữa bệnh, y bác sĩ “sính” thuốc ngoại không cần thiết. Như vậy mới hy vọng gây dựng hình ảnh thuốc Việt cũng như giảm bớt gánh nặng cho người bệnh.


Theo (VnMedia) - M.Đ

Mới nhất

x
Dùng thuốc Việt giảm chi phí điều trị cho người bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO