Dùng trí tuệ nhân tạo để chống muỗi
Một công nghệ phân loại giới tính mới sử dụng muỗi vô trùng sẽ được triển khai ở Singapore hướng đến ngăn chặn loài côn trùng gây hại sinh sản.
Theo CNET, Verily - một công ty con của tập đoàn Alphabet (nắm giữ Google) hiện giúp Singapore thử nghiệm loại muỗi đực vô trùng mang sinh vật nội bào (Wolbachia) để kiểm soát quần thể côn trùng. Những con muỗi này vô trùng, không cắn hoặc lây lan bệnh nhưng khi chúng giao phối với muỗi cái, trứng sẽ không nở và do đó giúp ngăn chặn quần thể muỗi sinh sôi.
Verily đã hợp tác với Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore để đưa công nghệ phân loại giới tính cho muỗi đến thành phố. Động thái này cũng đánh dấu việc bước chân vào thị trường Đông Nam Á của Verily.
Trí tuệ nhân tạo đang được triển khai để giúp kiềm chế sự sinh sản của muỗi Aedes, loài muỗi chịu trách nhiệm cho sự lây lan của các bệnh như sốt xuất huyết, sốt vàng da và virus Zika. Công nghệ phân loại giới tính được phát triển dưới dự án Debug do Verily tài trợ và sử dụng thuật toán thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo để cắt giảm thời gian tách muỗi đực và muỗi cái theo cách thủ công.
Là một phần của dự án, nó đã được sử dụng để phân phối hơn một triệu muỗi đực Aedes bị nhiễm Wolbachia ở các cộng đồng miền bắc Queensland (Úc) vào tháng 4.2018, nơi Verily là đối tác của Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học liên bang (CSIRO), Đại học Queensland và Đại học James Cook.
Verily cũng sẽ giới thiệu một hệ thống giải phóng tự động mới được thiết kế để cải thiện và cung cấp khả năng kiểm soát chính xác việc phân phia và phân phối những con muỗi vô trùng vào đô thị có mật độ dân số cao của Singapore, nơi có nhiều muỗi Aedes sinh sản.