Đừng vì đạo mà coi thường sức khỏe, tính mạng đồng bào

Phùng Kim Lân 31/05/2021 10:19

(Baonghean.vn) - Toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó có đồng bào tôn giáo trên khắp đất nước đang phải gồng mình “chiến đấu” với đại dịch Covid-19. Thế nhưng ở một vài nơi vẫn có những chức sắc, tín đồ, tổ chức tôn giáo chưa đồng hành với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân.

Không phủ nhận sự đồng hành của các tôn giáo

Những thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam được cả thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Trong thành công chung ấy không ai có thể phủ nhận sự đóng góp của các chức sắc, tín đồ và tổ chức tôn giáo. Ngay từ khi dịch bùng phát, đại đa số đồng bào các tôn giáo trong cả nước đã “đồng hành cùng dân tộc” chủ động, tích cực tham gia vào cuộc chiến phòng, chống loại “giặc” nguy hiểm này. Người đứng đầu các tổ chức tôn giáo đã tích cực đôn đốc, nhắc nhở các tín đồ chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ, các hướng dẫn của ngành Y tế về phòng, chống dịch bệnh. Hầu hết các tín đồ, cơ sở khi tổ chức và tham gia các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo đã thực hiện tốt khuyến cáo “5k” giữ khoảng cách, mang khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế và áp dụng các hình thức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến để góp phần phòng ngừa sự lây lan của dịch.

Tuy nhiên, cần phải chỉ rõ một thực tế là, trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang quyết liệt vào cuộc với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, thì đâu đó vẫn còn một số chức sắc, tín đồ và tổ chức tôn giáo phớt lờ các chỉ thị, quy định của Chính phủ, chính quyền địa phương và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chấp hành không nghiêm quy trình về phòng, chống dịch Covid-19.

Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung đông người mà không tuân thủ các quy định của Chính phủ và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn sẽ là một trong những nguy cơ hàng đầu dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Mấy ngày qua, dư luận cả nước xôn xao về hoạt động củaHội thánh truyền giáo Phục Hưng ở số 415/8/4 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Từ số người được phát hiện ban đầu, đến ngày30/5/2021 đã có hơn 60 trường hợρ dương tính với SARS-CoV-2.

Lực lượng chức năng phong tỏa khu vực là nơi sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Ảnh tư liệu: Độc Lập/TNO
Lực lượng chức năng phong tỏa khu vực là nơi sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (phường 3, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh tư liệu: Độc Lập/TNO

Chưa bàn đến chuyện hoạt động đúng hay sai pháp luật, chỉ xét ở góc độ phòng, chống dịch theo điều tra của cơ quan chức năng, nhóm truyền giáo này hoạt động không chấρ hành quу định về phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và ngành Y tế. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến lây lan dịch bệnh cho nhiều người. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Gò Vấp đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội danh: “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng để tiến hành điều tra xử lý. Sự việc trên có thể xem là một dẫn chứng điển hình về tình trạng một số tín đồ, tổ chức tôn giáo chưa đồng hành với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các địa phương trong phòng, chống dịch bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân.

Trái cả pháp lý và đạo lý

Không chỉ là vi phạm hành chính đơn thuần, những hành vi phớt lờ các chỉ thị, quy định của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chấp hành không nghiêm quy trình về phòng, chống dịch Covid-19 cũng là vi phạm pháp luật. Điều 8, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, nghiêm cấm các hành vi như sau: “Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm; Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Rõ ràng những hành vi như đã nêu của một số chức sắc, tín đồ, tổ chức tôn giáo là vi phạm pháp luật.

Không chỉ trái pháp lý, hành vi của một số chức sắc, tín đồ tôn giáo còn trái cả đạo lý. Đường hướng phát triển cơ bản của các tôn giáo là “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, theo tinh thần “Kính Chúa, yêu nước”; sống “tốt đời, đẹp đạo”;.. Với tư cách là công dân, với trọng trách đứng đầu cơ sở tôn giáo, đáng lẽ các chức sắc phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng. Đặc biệt các chức sắc tôn giáo phải thực sự là người gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, vận động bà con giáo dân tuân thủ các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan chức năng, tích cực đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia phòng, chống dịch.

Thế nhưng giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới và trong nước, một số chức sắc tôn giáo vẫn tổ chức hành lễ, cầu nguyện... Đây có thể xem là hành vi bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của nhân dân mà trước hết là bà con giáo dân. Điều này không chỉ gây nên những băn khoăn, lo lắng trong nhân dân ở các địa phương mà ngay chính bà con giáo dân cũng không yên tâm bởi trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì nguy cơ lây lan từ những buổi tập trung hành lễ, cầu nguyện là rất cao. Rõ ràng hành vi thờ ơ, vô trách nhiệm với bà con giáo dân của một số chức sắc tôn giáo là không thể chấp nhận.

Đẩy mạnh tuyên truyền gắn với xử lý nghiêm các sai phạm

Để khắc phục tình trạng trên, một mặt chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để toàn dân nói chung, bà con giáo dân nói riêng nhất là các chức sắc có tiếng nói trong cộng đồng hiểu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, nhưng mọi hoạt động phải tuân thủ theo đúng pháp luật và vì lợi ích cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Thông điệp 5K của Bộ Y tế phòng, chống dịch Covid-19.
Thông điệp 5K của Bộ Y tế phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, thông qua đẩy mạnh tuyên truyền cần kịp thời cung cấp thông tin chính thống về diễn biến phức tạp, nguy hiểm và yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ đó nâng cao nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm tham gia cho nhân dân nói chung và bà con đồng bào tôn giáo nói riêng. Mặt khác qua các kênh thông tin cần giúp bà con nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng công tác phòng, chống dịch để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của ta mà các thế lực thù địch, phản động đang mưu toan tiến hành. Chỉ có nhận thức rõ những điều ấy nhân dân nói chung, bà con giáo dân nói riêng mới nâng cao “sức đề kháng” không hùa theo và chủ động tham gia đấu tranh với những luận điệu sai trái, những hành vi lợi dụng diễn biến tình hình dịch bệnh để kích động, gây rối rắp tâm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đồng thời phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh những người cố tình lợi dụng hoạt động tôn giáo để vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh hòng tiếp tay cho những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Trong xử lý các vụ việc cần kịp thời nhưng phải chặt chẽ, thận trọng không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động đồng bào tôn giáo vi phạm pháp luật, chống đối chính quyền; bóp méo, xuyên tạc công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Mới nhất

x
Đừng vì đạo mà coi thường sức khỏe, tính mạng đồng bào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO