Dùng "vũ khí hạt nhân" trị ung thư
Các liệu pháp điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị thường đi kèm với nguy cơ các tế bào khỏe cũng bị “vạ lây” trong khi diệt trừ tế bào bệnh.
Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos đã và đang nghiên cứu ứng dụng các kiến thức hạt nhân trong điều trị ung thư - Ảnh: |
Nhưng các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện khả năng điều trị chọn lọc của chất phóng xạ actini.
Ẩn mình giữa núi non và bình nguyên ở phía bắc bang New Mexico nước Mỹ, Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos không được nhiều người biết tới.
Từng một thời có tên đơn giản Dự án Y, nơi đây là phòng thí nghiệm bí mật chuyên nghiên cứu bom nguyên tử của Mỹ.
Theo NBC News, sau 70 năm hoạt động, các nhà khoa học tại đây vẫn tiếp tục những công việc liên quan tới vũ khí hạt nhân, nhưng họ cũng đang nghiên cứu ứng dụng các kiến thức đó vào lĩnh vực điều trị ung thư.
Khả năng độc đáo của ac-225
Nhà vật lý Eva Birnbaum là một trong các chuyên gia ở Los Alamos. Bà đang nghiên cứu actini 225 (hay ac-225), chất phóng xạ thuộc nhóm các đồng vị giải phóng hạt alpha dùng trong xạ trị.
Giới nghiên cứu đánh giá đây là liệu pháp xạ trị độc đáo, vì ac-225 có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư mà không làm tổn thương tới các tế bào khỏe mạnh khác.
Các hạt alpha do ac-225 phóng ra hoạt động tương đối yếu, vì vậy chúng không gây tổn hại ở các khu vực không thuộc vùng chữa trị.
Với chu kỳ bán rã là 10 ngày, tức có tới một nửa chất này sẽ phân rã sau 10 ngày, phóng xạ ac-225 sẽ không tồn tại lâu trong cơ thể người bệnh.
Bà Birnbaum nói: “Tôi nghĩ chúng tôi rất hi vọng chất này sẽ có tác động đáng kể với một số chứng bệnh ung thư ngay mà tại thời điểm này chưa có cách điều trị hiệu quả”.
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy ac-225 có khả năng điều trị bệnh bạch cầu, u hắc sắc tố cùng một số dạng ung thư khác như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt.
Khó sản xuất
Tuy nhiên, vấn đề khiến các chuyên gia trị liệu ung thư băn khoăn nhiều hơn không phải là khả năng hứa hẹn trong điều trị ung thư của chất actini ra sao, mà là làm thế nào có đủ lượng chất phóng xạ quý giá đó dùng trong các thử nghiệm lâm sàng.
Nguồn cung ac-225 rất hạn chế vì khó sản xuất.
Các nhà khoa học ở Los Alamos có thể sử dụng máy gia tốc hạt vốn dùng trong các sản phẩm hạt nhân cho vũ khí hay sản xuất điện để tạo nên ac-225 từ một loại phóng xạ khác là thorium.
Ông Kevin John, quản lý dự án sản xuất ac-225 tại Trung tâm nghiên cứu Los Alamos, giải thích: “Dự án này nhằm mục tiêu tạo ra được gấp 50 lần lượng chất phóng xạ ac-225 hiện có”.
Để dùng ac-225 trong điều trị ung thư, các nhà khoa học phải gắn đồng vị phóng xạ này vào một loại kháng thể - loại protein trong hệ thống miễn dịch của người - đã được cấu trúc trong phòng thí nghiệm để có khả năng truy tìm các tế bào ung thư.
Khi được tiêm vào cơ thể, kháng thể này sẽ trú ẩn trong khối u cần tấn công và tìm diệt các tế bào ung thư tại đó.
Ông Joseph Jurcic, chuyên gia huyết học kiêm ung thư học tại Trung tâm y tế Đại học Columbia, nói: “Đây là liệu pháp xạ trị tập trung hơn. Nó chính xác hơn và giúp tiêu diệt hiệu quả chỉ các tế bào ung thư”.
Ông Jurcic đã tiến hành một số thử nghiệm lâm sàng bước đầu với phương pháp này.
Bản thân ông cũng là thành viên ban giám đốc Công ty Actinium Pharmaceuticals, nơi đang nghiên cứu phát triển liệu pháp điều trị ung thư bằng đồng vị phóng xạ ac-225.
Theo ông Jurcic, điều trị ung thư bằng ac-225 có hiệu quả với những người có khối u nhỏ hoặc những khối u đã di căn. Tuy nhiên vẫn cần có thêm các nghiên cứu khác trước khi hiệu quả của nó được công nhận.
Giá thuốc tăng như tên lửa
Liên đoàn Chống ung thư của Pháp đã lên tiếng tố cáo việc giá thuốc ung thư hiện nay là “bất công” và “cao ngất ngưởng”.
Hôm 16-12, theo báo Le Figaro, liên đoàn này cho biết giá thuốc cao quá mức như thế không chỉ đe dọa hệ thống chăm sóc sức khỏe mà còn gây ra bất công giữa các bệnh nhân giàu/nghèo.
Giáo sư Jean-Paul Vernant, thuộc Bệnh viện Pitié-Salpêtrière, nêu ra dẫn chứng: “Hồi năm 2004, thuốc trị ung thư chỉ đạt doanh số 24 tỉ USD; đến năm 2008 lên 40 tỉ và năm 2014 đã lên đến 80 tỉ USD trong tổng số 650 tỉ USD tiền thuốc tiêu thụ trên thị trường thế giới”.
Ông dự báo nếu không có điều gì được điều chỉnh thì đến năm 2020, thuốc trị ung thư sẽ móc hầu bao của nhân loại đến 155 tỉ USD, tức tăng gấp đôi trong vòng sáu năm.
Lý do được giải thích là các hãng dược hiện nay tìm cách thu lợi nhanh. Theo giáo sư Vernant, trước kia một loại thuốc được bào chế nhắm mức hồi vốn và thu lãi trong 70.000 trường hợp ung thư.
Nay thuốc được bào chế theo nhóm nhỏ hơn với quảng cáo “thích ứng hơn”, do đó hãng dược muốn thu hồi vốn và thu lãi trên loại thuốc dùng trị cho chỉ 5.000 bệnh nhân.
Phía các hãng dược dĩ nhiên cũng phản pháo khi cho rằng họ không thể tự tiện ra giá thuốc, mà có sự quản lý của cơ quan chức năng.
Thêm vào đó, giá thuốc cao vì thất bại trong nghiên cứu bào chế là rất cao khiến chi phí đầu tư cao và bị tính vào giá thành với sản phẩm thành công.
Theo Soha
TIN LIÊN QUAN