Được mùa, dân vẫn chưa vui

10/06/2012 17:30

(Baonghean) - Lúa đông xuân được mùa, nhưng người nông dân vẫn không vui vì giá lúa quá thấp, thậm chí không bán được. Nóng hơn là giá phân bón cũng trên đà tăng, khiến họ đang lâm vào cảnh thiệt đơn, thiệt kép...

Lúa được mùa, rớt giá

Về huyện lúa Yên Thành vào những ngày này, đi đến đâu cũng nghe nông dân “than” giá lúa quá thấp so với mức khung giá Nhà nước đặt ra để thu sản phẩm. Ông Cung Đình Hùng- Phó Bí thư Đảng ủy xã Lăng Thành, băn khoăn: Vụ xuân này, bà con được mùa, nhưng giá lúa quá thấp nên nông dân thua thiệt. Nhà nước thông báo khung giá thu sản phẩm quy ra lúa, với giá 6.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường chỉ hơn 5.000 đồng/kg. Các năm trước, giá lúa thị trường cao hơn khung giá Nhà nước nên bà con có lợi. Cũng may, nhiều gia đình có con em đi lao động ở các thành phố, hoặc đi lao động xuất khẩu nên chờ vào nguồn tiền gửi về để nộp sản phẩm. Tuy nhiên, đó chỉ là con số ít, phần lớn nông dân phải bán lúa để nộp sản phẩm, do vậy giá lúa chênh lệch như thế này là gánh nặng cho nông dân.




Nông dân Yên Thành được mùa vụ xuân nhưng không vui vì giá lúa giảm, giá phân bón lại tăng.

Trong không khí nhộn nhịp trên những cánh đồng, bà con thu hoạch lúa và chuẩn bị làm đất gieo cấy vụ hè thu, chúng tôi trao đổi với một số lão nông. Đặt gánh lúa trĩu nặng từ trên vai xuống, ông Phan Văn Hải ở xóm 2, xã Bắc Thành than thở: Gia đình có 5 sào ruộng khoán, vụ xuân nào cũng thu về gần 2 tấn lúa. Vụ xuân này giống lúa nào cũng được mùa, thấp nhất đạt 3 tạ/sào. Tuy nhiên người nông dân thiệt thòi quá, mới rồi xóm, xã thông báo thu nộp sản phẩm giá nhà nước đặt ra là 6.000 đồng/kg, nhưng giá thị trường chỉ 5.000 - 5.200 đồng/kg. Nếu Nhà nước có chủ trương thu lúa thì bà con sẽ nộp lúa, vì bán lúa để nộp tiền là nông dân thiệt. Năm ngoái nhà tui phải nộp 2,5 triệu đồng (kể cả tiền vay phân bón), năm nay gia đình không vay phân bón, cũng phải nộp tổng cộng hơn 1,5 triệu đồng cho Nhà nước và các khoản đóng góp cho địa phương. Ý định của gia đình bán 4 tạ lúa để nộp sản phẩm và mua phân bón cho vụ hè thu, giá lúa thấp như thế này, nóng ruột lắm. Hạt lúa làm ra khó nhọc từ khi gieo hạt thóc đến đưa hạt lúa về nhà mà giá cả như ri, buồn vô kể!

Với ông Đào Quốc Hường, xóm 1, xã Lăng Thành lại có cách làm khác, làm lợi cho chính mình. Nhà có 6 sào ruộng, ông dành 4 sào để cấy lúa giống. Thu hoạch xong, công ty giống đến tận nhà thu mua với giá 7.200 đồng/kg. Tính ra sản xuất lúa giống thu nhập cao hơn so với sản xuất lúa thương phẩm. 2 sào còn lại, gia đình gieo cấy giống lúa lai để dùng.

Đến điểm chuyên thu mua lúa gạo của anh Nguyễn Đăng Thắng tại xã Nam Thành, lớn nhất khu vực phía Nam của huyện, anh cho biết: Hiện nay, rất nhiều gia đình “khóc dở mếu dở” vì giá lúa ngày càng giảm. Vụ xuân năm trước giá lúa 6.500 – 6.700 đồng/kg, nhiều gia đình có điều kiện, tung tiền mua lúa về trữ, sau một thời gian ngắn là bán để lấy lời. Có những gia đình trữ tới chục tấn lúa lai, mong muốn sau một thời gian kiếm ít triệu tiền chênh lệch giá. Nào ngờ, càng về sau giá lúa càng giảm, và điều dễ hiểu là nhiều nông dân rơi vào tình trạng “ôm rơm xót bụng”. Hồi ra Tết, giá lúa hạ xuống còn 6.000 đồng/kg và đến thời điểm này chỉ còn 5.200 đồng/kg. Thậm chí không thể bán nổi, vì bế tắc khâu tiêu thụ. Anh Thắng, chia sẻ: Hiện nay tôi chỉ mua lúa Khang dân 18 để vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Giá lúa Khang dân 18 hiện là 5.200 đồng/kg. Sở dĩ lúa Khang dân 18 bán được là do các tỉnh phía Bắc mua để chế biến bánh, bún… Còn lúa Lai không thể tiêu thụ được, nên giá cả cũng không biết bao nhiêu? anh Thắng cho biết, hiện nay lúa cũ trong dân còn tồn đọng rất nhiều, người dân rất muốn bán nhưng không thể bán được. Cơ sở thu mua lúa của anh Thắng lâu nay sử dụng 5 lao động để xay xát, bốc vác… nhưng nay trong kho trống rỗng, 2 giàn máy không hoạt động, công nhân tạm thời nghỉ việc? Theo anh Thắng, khi nào Nhà nước thu mua lúa dự trữ thì may ra bà con mới bán được lúa?!

Vẫn biết rằng, Nhà nước đặt khung giá lúa là có mục đích về chiến lược bình ổn giá, nhưng sự chênh lệch giá giữa thị trường và khung giá nhà nước quá xa, khiến người nông dân thiệt thòi. Có ý kiến cho rằng, trước khung giá như vậy, các địa phương cần áp dụng thu sản phẩm một cách linh hoạt, bằng cách, các khoản thu của Nhà nước thì bà con chấp nhận đóng 6.000 đồng/kg, còn các khoản đóng góp của địa phương thì nên áp dụng với giá lúa thực tế, để phần nào bà con nông dân bớt gánh nặng. Ý kiến này xem ra có lý, chúng tôi đề cập với một số lãnh đạo huyện Yên Thành, nhưng để áp dụng giải pháp này là địa phương cần phải cân nhắc...

Phân bón tăng giá

Anh Thống, nông dân ở Thị trấn Yên Thành đặt bao phân đạm Phú Mỹ từ yên xe xuống, than vãn: Mình chậm chân có một ngày, phải chấp nhận chi thêm 25.000 đồng để mua bao phân đạm 50 kg. Mặc dù giá tăng, bà con chen nhau mua, vì lượng phân bón bán tại cửa hàng rất ít. Người nông dân bà tui làm ra hạt lúa vất vả, giá lúa thấp, phân bón lại tăng, thì khó cho nông dân quá.

Tại ky ốt bán phân đạm của Trạm Vật tư Yên Thành, sáng ngày 1/5, chúng tôi quan sát thấy bà con đến hỏi mua phân bón rất nhiều, nhưng hết hàng. Người bán hàng cho biết: Bước vào vụ hè thu này, nguồn phân đạm Phú Mỹ rất khan hàng và giá đang trên đà tăng, từ 12.000 đồng/kg, nay 12.500 đồng/kg. Phân đạm Trung Quốc thì nhiều hàng và giá cả ổn định, nhưng bà con rất ít sử dụng. Mấy ngày nay lượng phân đạm Phú Mỹ chuyển về trạm nhỏ giọt, nông dân đến mua thì nhiều, nên không đáp ứng nhu cầu. Không biết thời gian tới giá cả có tăng nữa không, nhưng hàng chắc vẫn hiếm.

Tại HTX Nông nghiệp Nam Thành, theo ghi nhận của chúng tôi, chiều ngày 3/6, trong kho không còn một bao phân đạm Phú Mỹ nào, đạm Trung Quốc cũng không hề có. Anh Liên, trực bán hàng cho biết: Đạm Phú Mỹ chúng tôi bán với giá 13.000 đồng/kg cũng không có bán. Mùa vụ đang đến, phân bón khan hàng, bà con nông dân chạy đôn chạy đáo. Mấy ngày nay, Ban quản lý HTX liên lạc với nhiều cơ sở dịch vụ phân bón để cung ứng kịp thời cho bà con cũng không đủ hàng.

Bà Thu, xóm Lộc Thành, nói: Nhà tui làm 4 sào ruộng, vụ này cần khoảng 40 kg phân đạm. Nghe nói giá phân tăng, tui lật đật đến HTX mua nhưng không có. Nhìn lên bảng thông báo của HTX, thấy giá phân đạm Phú Mỹ đã lên 13.000 đồng/kg. Hỏi cán bộ bán hàng khi nào có phân đạm thì họ lắc đầu không dám chắc khi nào. Tăng giá thì bà con chấp nhận thêm ít tiền mua để đầu tư, còn hơn không có hàng để mua. Lâu nay, nông dân sử dụng phân đạm Phú Mỹ quen rồi, nếu chuyển sang đạm Trung Quốc là không yên tâm. Sản xuất vụ hè thu là tranh chấp với thời gian, nếu đầu tư thiếu cân đối, cây lúa sẽ kém phát triển, kéo dài thời gian sinh trưởng.

Thực trạng thiếu nguồn phân đạm U Rê -Phú Mỹ đang diễn ra trên khắp địa bàn huyện Yên Thành, tâm lý đang đè lên người nông dân. Ông Dương Văn Thắng – Trưởng Trạm vật tư Nông nghiệp huyện Yên Thành, cho biết: Thời gian qua lượng phân bón đạm U rê – Phú Mỹ có bán tại Trạm ít, không đáp ứng nhu cầu sử dụng của bà con nông dân. Theo kế hoạch đến ngày 5/6, Trạm sẽ được cung ứng thêm một đợt đạm Urê – Phú Mỹ để bán lẻ, chứ không có nhiều.

Ông Nguyễn Văn Dương – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành, khuyến cáo: Trường hợp thiếu đạm Urê, bà con cần đầu tư thêm phân bón NPK để bón cho lúa. Những diện tích đất cao rất cần nhiều lượng phân bón NPK hơn là phân đạm Urê.

Ông Nguyễn Bá Thức – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ, cho biết: Nắm được thông tin các huyện đang thiếu phân đạm Urê – Phú Mỹ, nên Tân Kỳ đã lên kế hoạch giao cho Trạm vật tư nông nghiệp huyện chủ động tìm nguồn hàng để cung ứng đủ cho bà con. Được biết sắp tới, Trạm sẽ tiếp nhận 40 tấn phân đạm U rê để tiếp tục phục vụ sản xuất vụ hè thu.

Người nông dân vốn khó khăn, quanh năm vất vả đánh vật với hạt lúa, nay lại chịu áp lực về giá cả đầu vào đầu ra, khiến cuộc sống thêm khó khăn. Rất cần sự chia sẻ với bà con nông dân trong lúc này!


Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Được mùa, dân vẫn chưa vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO