Dưới bóng Kim Nhan những ngày thu lịch sử

02/09/2016 15:45

(Baonghean) - Từ bao đời nay, người dân Anh Sơn luôn tự hào vì quê hương mình có núi Kim Nhan- ngọn núi có độ cao đứng thứ 2 xứ Nghệ, chỉ sau đỉnh Pù Xai Lai Leng. Ngọn núi ấy đã đi vào thơ ca và huyền thoại, là một “chứng nhân lịch sử” trong những ngày mùa thu tháng Tám, khi quần chúng cách mạng vùng lên phá bỏ xích xiềng nô lệ...

Núi Kim Nhan nằm ở vùng trung tâm huyện Anh Sơn, khắp nơi trong vùng có thể dễ dàng nhìn thấy, bởi dáng núi cao vòi vọi (khoảng 1340m), đỉnh núi vút lên như chạm tới mây trời. Đầu thế kỷ 19, Tiến sỹ Bùi Dương Lịch (1757-1828) đã viết trong “Nghệ An ký”: “Núi nằm ở sách Kệ Trường, xã Tri Lễ, tại biên giới phía tây huyện. Mạch của nó từ trong dãy núi lớn lại, đến đó đột nhiên một ngọn, đầu nhọn đẹp, cao ngất trời, trông như một búp măng mà xung quanh lại bao bọc bởi các núi nhỏ, lại trông giống như một đóa sen, trên cùng có một hang đá, đến gần trông như miệng cá. Hang rất sâu chưa có dấu chân người”.

Khởi sắc dưới chân núi Kim Nhan (Ảnh: Quang Dũng)
Khởi sắc dưới chân núi Kim Nhan (Ảnh: Quang Dũng)

Cũng viết về núi Kim Nhan, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp có mấy câu thơ: “Thần bút xung tiên bản/ Tiên hồ lạc thế gian” (Như ngọn bút trỏ lên trời/ Như hồ tiên rơi xuống thế gian). Và trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca về khí thế của nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày đánh đuổi giặc Minh trên vùng đất này: “Trèo lên đỉnh núi Kim Nhan/ Quân reo Bồ Ải, sóng tràn Khả Lưu”.

Những năm thực dân Pháp đô hộ, dưới vùng chân núi Kim Nhan, chúng lập đồn để cai trị và khống chế cả tuyến đường bộ và đường sông, ngày đêm cho lính khố xanh canh gác, khám xét và bắt bớ bà con nhân dân qua lại. Cơn bão táp mùa thu nổi lên, quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh tiến hành bao vây đồn Kim Nhan, buộc quân lính phải đầu hàng.

Ngày 15/8/1945, nhận được tin Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, Việt Minh liên tỉnh phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền về các huyện. Rạng sáng 18/8, trên khắp các ngả đường, nhân dân các tổng tràn về sân vận động trung tâm (Thị trấn Đô Lương ngày nay), không gian ngập tràn cả một rừng cờ và biểu ngữ. Tại vùng Đặng Thượng (các xã vùng trung tâm huyện), nơi có đồn Kim Nhan, điểm tập trung đông lính Nhật, Phủ uỷ Việt Minh Anh Sơn trực tiếp chỉ đạo việc đánh chiếm.

Trung tướng- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân thăm lại hang cất giấu
Trung tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân thăm lại nơi cất giấu máy bay chiến đấu tại sân bay Dừa, xã Tường Sơn (Anh Sơn).

Theo kế hoạch, đêm 22/8/1945, trong tiếng trống, mõ và thanh la, các đội Tự vệ chia thành 4 hướng tiến vào đồn địch. Trước khí thế chiến đấu của lực lượng tự vệ cách mạng, cai và lính đồn Kim Nhan phải hạ vũ khí đầu hàng. Cùng lúc đó, hàng vạn quần chúng từ Quan Lãng xuống, từ Tri Lễ, Đại Điền lên, từ Lãng Điền, Hội Tiên qua tràn vào chứng kiến cảnh địch đầu hàng vô điều kiện, rồi trở về tiếp tục đấu tranh đánh đổ bọn hào lý, giành chính quyền.

Toàn bộ hệ thống chính quyền địch từ tổng đến làng trong vùng Đặng Thượng đã về tay Việt Minh, Uỷ ban Cách mạng lâm thời được thành lập. Tiếp đến, các đồn trong phủ Anh Sơn lần lượt giao nộp vũ khí cho cách mạng. Sáng 23/8, hàng vạn quần chúng kéo về phủ đường Anh Sơn chứng kiến sự ra mắt của chính quyền cách mạng lâm thời, đánh dấu việc xoá bỏ vĩnh viễn của chế độ Thực dân- Phong kiến.

Đồng bào dân tộc Thái bản Cao Vều, xã Phúc Sơn (Anh Sơn)
Đồng bào dân tộc Thái bản Cao Vều, xã Phúc Sơn (Anh Sơn) sửa soạn mâm cơm truyền thống.

Hơn 70 năm đã trôi qua, vùng quê dưới chân núi Kim Nhan một thời “Dây thép gai đâm nát trời chiều” nay đã hoàn toàn đổi thay, từ xóm làng đến khối phố đều có chung sự khởi sắc. Thị trấn Anh Sơn đang từng bước hiện hình một phố huyện sầm uất với nhà cao tầng san sát, đường một chiều thênh thang và rộng thẳng tắp. Mảnh đất Yên Phúc (Phúc Sơn), một trong những “làng đỏ” trong phong trào Xô Viết nay xanh ngời sắc màu ngô, lúa.

Đường Hồ Chí Minh đã “thức tỉnh” người dân các xã Cao Sơn, Khai Sơn tưởng chừng mãi “ngủ quên” quanh những sườn đồi vắng lặng. Vùng cực Tây, thị tứ Cây Chanh (Đỉnh Sơn) và vùng đất Bãi Phủ ngút ngàn sắc xanh cây chè, cây cam. Các xã phía tả ngạn sông Lam bao đời cách trở, nay cầu Khai Sơn, cầu treo Đức Sơn, cầu Cây Chanh, cầu Đò Rồng đã “nối những bờ vui”. Tuyến đường liên xã vùng tả ngạn cơn bản đã hoàn thành, đem đến niềm vui cho những người dân, cho con trẻ được tung tăng đến lớp.

Nông dân xã Hùng Sơn (Anh Sơn) thu hoạch chè nguyên liệu bằng máy.
Nông dân xã Hùng Sơn (Anh Sơn) thu hoạch chè nguyên liệu bằng máy.

Các xã Thành - Bình - Thọ trở thành vùng chuyên canh mía, cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy đường Sông Lam. Xuôi về Hùng Sơn, những đồi cỏ tranh, cây dại đã được thay bằng màu xanh của cây chè, cây keo ngút ngàn tầm mắt, bộ mặt làng quê tươi sáng, là đơn vị về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện. Vượt sông Lam qua bờ bên kia là Tường Sơn với cánh đồng Dừa và bãi Làng Trang bát ngát, ít ai nghĩ rằng nơi đây thời chống Mỹ từng có một sân bay dã chiến, bao năm bom Mỹ cày xới tan nát khắp cả một vùng...

Mùa thu về, những cơn gió mơn man mát rượi, niềm sung sướng trào dâng. Bầu trời trong xanh vời vợi, ánh nắng vàng soi bóng núi Kim Nhan như nhắc nhớ về những ngày thu lịch sử. Và nghe văng vẳng đâu đây lời khúc hát “Anh Sơn quê hương tôi” của NSƯT Tiến Dũng: “Có trèo lên Kim Nhan... quê hương em ơ... mới nom hết chân ngàn, mặt biển/ Có về Anh Sơn... ta mới thấy ơ... quê mẹ... đẹp ơ... giàu.../ Sông Lam sóng vỗ dạt dào/ Ngô non chen đậu một màu xanh xanh...”.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Dưới bóng Kim Nhan những ngày thu lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO