Đường bắp Trung Quốc chặn đứng đường Việt
Thị trường gần đây xuất hiện loại đường dạng chất lỏng, gọi là đường bắp (ngô). Dù chỉ mới xuất hiện, nhưng đường bắp đã làm mưa làm gió trên thị trường, gây điêu đứng cho ngành sản xuất mía đường trong nước.
Đường bắp tràn ngập thị trường, đựng trong chai, thùng như hóa chất, bán sỉ lẻ đủ dạng. Theo cơ quan chức năng, đường bắp được nhập khẩu chính ngạch vào nước ta với số lượng cả trăm ngàn tấn/năm.
Ngay khi có mặt trên thị trường, đường bắp đã tác động mạnh đến nhu cầu tiêu thụ đường trắng...
Tràn ngập đường tạm nhập tái xuất
Đường bắp có xuất xứ từ Trung Quốc, nếu nhập khẩu chính thức từ vào nước ta phải chịu mức thuế 13%. Cho nên doanh nghiệp Trung Quốc đã "cao kiến" mượn đường, tạm nhập vào các nước ASEAN, sau đó tái xuất vào Việt Nam để hưởng thuế ưu đãi 0%.
Ngoài ra còn một lượng đường bắp lớn được nhập vào Việt Nam qua tiểu ngạch mà ngành chức năng không kiểm soát được.
Ông Đỗ Thanh Liêm, Tổng giám đốc Công ty Mía đường Khánh Hòa cho biết, đường bắp được nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước uống các loại, chế biến thực phẩm mua vì giá rẻ và độ ngọt cao hơn, tiết giảm chi phí sản xuất đáng kể.
Đường bắp có giá bán buôn 13 Tệ/thùng 5kg (tương đương 43.000 đồng Việt Nam), nhập khẩu về Tp.HCM được nhà phân phối giao hàng tận kho người mua nếu có nhu cầu.
Bà Dương Thị Tô Châu, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công (Tây Ninh) cho biết, đường bắp có thể thay thế đường kính trắng, giá luôn rẻ hơn đường trắng, độ ngọt lại cao nên xu hướng sử dụng ngày càng nhiều. Lúc cao giá nhất như đầu năm 2017, đường bắp 11.000 - 12.000 đồng/kg, trong khi đường trắng 17.000 - 18.000 đồng/kg nên các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước ngọt ưa chuộng.
Lượng đường trắng do các doanh nghiệp sản xuất, chế biến mía đường trong nước cung cấp cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước uống các loại, chế biến thực phẩm... giảm 50% so với trước. |
Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã lên tiếng phản ứng mạnh mẽ bởi đường bắp đang tấn công làm điêu đứng cho ngành sản xuất mía đường trong nước.
Lượng đường trắng do các doanh nghiệp sản xuất, chế biến mía đường trong nước cung cấp cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước uống các loại, chế biến thực phẩm... giảm 50% so với trước.
Các cơ sở, doanh nghiệp cũng cho biết đã giảm sử dụng đường trắng 30% chuyển qua sử dụng đường bắp.
Trước đây, đường bắp được ngành chức năng đưa vào danh mục có hạn ngạch nhập khẩu, nhưng gần đây đường bắp đã được loại khỏi danh mục này nên đường bắp được phép nhập khẩu không giới hạn, không kiểm tra an toàn thực phẩm và không thuế.
Không chỉ nguy hại cho sức khỏe
Theo nhiều chuyên gia, đường bắp gây lo ngại cho sức khỏe người tiêu dùng vì đường bắp được làm từ bắp, có sử dụng hóa chất độc hại và bắp biến đổi gen thủy phân và engym hóa để tạo ra loại đường dạng chất lỏng có độ ngọt cao hơn đường kính trắng làm từ mía 1,3 lần.
Đáng lo ngại, sử dụng đường bắp nhiều, lâu ngày có thể dẫn đến mỡ gan, tiểu đường, tim mạch, thậm chí ung thư.
Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức, chưa có động thái nào hạn chế đường bắp. Một số nước trên thế giới đã khuyến cáo và hạn chế sử dụng đường bắp. Philippines cấm hẳn các hãng sản xuất bánh kẹo, nước ngọt sử dụng đường bắp. Không chỉ đường bắp, ngành sản xuất mía đường Việt Nam còn "chết đứng" với đường tạm nhập tái xuất và đường cát nhập lậu từ Thái Lan.
Đường tạm nhập tái xuất không chỉ cạnh tranh trực tiếp với đường nội trên thị trường trong nước mà còn chiếm luôn thị phần đường trắng xuất sang Trung Quốc của các nhà máy đường và doanh nghiệp kinh doanh đường Việt Nam.
Thống kê từ năm 2012 khi Việt Nam cho phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường thì lượng đường sản xuất trong nước xuất đi Trung Quốc giảm mạnh. Cụ thể, năm 2014 cho phép xuất khẩu 475.000 tấn, thực hiện 38%. Năm 2015 cho phép xuất khẩu 246.000 tấn, thực hiện 33%. Năm 2016 và 2017 cho phép xuất khẩu 220.000 tấn, thực hiện chỉ vài ngàn tấn.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, cuối năm là mùa cao điểm tiêu thụ đường, nhưng đến hết tháng 12/2017, lượng đường ứ đọng tại các nhà máy là 234.581 tấn, tại các công ty thương mại là 20.527 tấn.
Trong năm 2017, có thời điểm lượng đường tồn đọng lên đến 750.000 tấn. Đường trong nước hiện đã giảm dưới giá thành sản xuất, riêng tại TP.HCM chỉ còn dao động 12.700 - 13.400 đồng/kg nhưng đường Thái Lan còn giảm thấp hơn để cạnh tranh.
Nhiều doanh nghiệp cho hay, đầu năm 2017, giá đường sản xuất trong nước 17.000 - 18.000 đồng/kg doanh nghiệp có lời, còn giá đường như hiện đa số doanh nghiệp thua lỗ, một số nhà máy phải đóng cửa, một số hoạt động cầm cự.
Giá đường giảm kéo giá mía giảm theo, các nhà máy mua mía nông dân bình quân 850.000 đồng/tấn, giảm 60.000 - 80.000 đồng/tấn so vụ mía 2016 - 2017, trong khi giá nhân công và vật tư nông nghiệp đều tăng. Với giá mía này nông dân thua lỗ, nhiều nhà máy không thu mua mía, nông dân kêu trời.