‘Đường dài’ như biên chế giáo viên

Mỹ Hà 04/03/2024 15:13

(Baonghean.vn) - Tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên trường học đã diễn ra tại Nghệ An nhiều năm qua, dẫn đến rất nhiều khó khăn cho các nhà trường. Trong khi đó, hàng nghìn giáo viên, nhân viên hợp đồng và sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp lại khó xin việc dẫn đến nhiều nghịch lý.

Mòn mỏi chờ chính thức

Bước sang năm thứ 21 công tác và là tổ trưởng tổ chuyên môn Tổ Khoa học tự nhiên của Trường THCS Nghi Thu (thị xã Cửa Lò), thầy giáo Nguyễn Đình Thanh được xem là một trong những giáo viên kỳ cựu, cốt cán của ngành Giáo dục Cửa Lò. Cần mẫn, luôn kiên trì cố gắng trong công việc, yêu nghề và yêu trò, anh cũng được đồng nghiệp và phụ huynh tin tưởng.

“Tôi vẫn còn là giáo viên hợp đồng và có lẽ là giáo viên hợp đồng kỳ cựu nhất hiện nay”, đó là lời tâm sự của thầy giáo Nguyễn Đình Thanh khi chúng tôi đề cập đến quá trình công tác.

bna-hon-20-nam-cong-tac-nhung-thay-giao-nguyen-dinh-thanh-van-la-giao-vien-hop-dong-877.jpg
Hơn nhiều năm công tác, thầy giáo Nguyễn Đình Thanh vẫn là giáo viên hợp đồng. Ảnh: Mỹ Hà

Dù là giáo viên hợp đồng nhưng chúng tôi vẫn được thị xã trả lương, nâng lương đúng theo các quy định. Cách đây mấy năm, chúng tôi cũng đã được chi trả tiền thâm niên và tiền đứng lớp như các giáo viên biên chế. Mặc dù vậy, so với một giáo viên biên chế chính thức, chúng tôi cũng có những thiệt thòi và khó có cơ hội phát triển, ví dụ như chúng tôi không được trả lương đứng lớp 3 tháng Hè hoặc không được xét thăng hạng giáo viên, không được bổ nhiệm dù có thể đủ điều kiện.

thầy giáo Nguyễn Đình Thanh


Trường Trung học cơ sở Nghi Thủy hiện đang có 6 giáo viên, nhân viên hợp đồng và đều đã có trên dưới 10 năm gắn bó với đơn vị. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều còn nhiều khó khăn.

Cô Võ Thị Thúy Hằng (36 tuổi), từng tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn và sau đó cũng đã hoàn thành thạc sĩ. Thời điểm mới được tuyển dụng vào trường, chị được 1 năm đứng lớp. Tuy nhiên, sau đó vì thừa giáo viên, nhưng lại thiếu văn thư và thư viện, chị chuyển sang đảm nhận công việc này. Gần 10 năm qua, vì yêu nghề và mong ước được trở lại vai trò của người giáo viên, chị chưa bao giờ nguôi hy vọng một lần được đứng trên bục giảng.

“Tôi hiện vẫn thuộc diện hợp đồng và hưởng lương nhân viên nên thu nhập chỉ hơn 5 triệu đồng/ tháng. Trong khi đó, phải chăm sóc bố mẹ già và nuôi 2 con nhỏ. Thực tế, lâu nay, ngoài làm việc ở trường, tối hoặc các ngày nghỉ tôi còn phải dạy kèm để kiếm thêm thu nhập”, cô Hằng cho biết.

bna-mot-so-giao-vien-mam-non-o-thi-xa-cua-lo-van-dang-hop-dong-du-da-cong-tac-nhieu-nam-3558.jpg
Mức lương của một giáo viên mầm non không đủ để các giáo viên trang trải cuộc sống . Ảnh: Mỹ Hà

Với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng, cô giáo Lê Thị Lợi - giáo viên Trường Mầm non Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò đang phải trang trải cho rất nhiều khoản. Trong đó, mỗi tháng chị phải trích gần 2 triệu đồng/tháng để chi trả tiền trọ và tiền xăng xe, vì mỗi ngày đi, về quãng đường gần 40 km.

“Từ ngày nhỏ tôi đã thích đàn, hát và rất yêu công việc của một giáo viên mầm non. Vì thế, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mầm non tôi đã kiên trì với công việc này với hy vọng sớm được vào biên chế. Trong 15 năm công tác, thị xã cũng đã có nhiều lần tuyển dụng nhưng tôi không thuộc đối tượng ưu tiên hoặc chưa đủ điều kiện nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Hiện cả thị xã chỉ còn 3 giáo viên mầm non thuộc diện hợp đồng…”, cô Lợi tâm sự.

Cũng giống như nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng khác, hiện ngoài dạy học ở trường, cô Lợi cũng đang phải sống bằng tiền làm thêm, đó là dạy đàn cho các học sinh đang chuẩn bị thi vào các trường năng khiếu. Tuy nhiên, vì công việc ở trường mầm non quá áp lực, đi sớm về muộn nên số buổi làm thêm cũng không đáng là bao.

Gỡ khó cho lao động và các nhà trường

Không chỉ giáo viên ở thị xã Cửa Lò, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn rất nhiều giáo viên và nhân viên hợp đồng, trong đó, không ít người đã công tác trên dưới 20 năm. Tuy nhiên, số giáo viên hợp đồng may mắn được chi trả lương và hưởng chế độ cơ bản đầy đủ như ở thị xã Cửa Lò không nhiều.

Như tại huyện Quỳnh Lưu, hiện có 9 giáo viên hợp đồng cấp THCS. Họ đều đã tốt nghiệp đại học sư phạm và được UBND huyện Quỳnh Lưu tuyển dụng về giảng dạy có đóng BHXH, trong đó, người có thời gian công tác nhiều nhất là 18 năm, ít cũng 12 năm.

bna-gv2-6194.jpg
Huyện Quỳnh Lưu còn 9 giáo viên hợp đồng cấp Trung học cơ sở, tất cả đều có thâm niên từ 12 đến 18 năm. Ảnh: Tiến Hùng

Trong quá trình công tác, dù đã có nhiều thành tích trong giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi và được ghi nhận về năng lực chuyên môn, nhưng họ chỉ mới được nhận mức lương 4,9 triệu đồng/tháng từ đầu năm 2023.

Còn trước đó, họ chỉ được hưởng với mức lương có hệ số 1,78 (mức lương nhận được là 85% của hệ cao đẳng), không được tính phụ cấp thâm niên công tác, không được tăng lương theo chính sách tiền lương hiện hành của Nhà nước và không được hưởng tiền đứng lớp. Tất nhiên, những giáo viên này không đủ điều kiện để được xét thăng hạng hoặc bổ nhiệm.

Tại huyện Nghi Lộc do tình trạng thiếu giáo viên diễn ra quá trầm trọng, thậm chí ở bậc tiểu học có thời điểm các trường không đủ giáo viên đứng lớp, phải “đôn” ban giám hiệu vào trực tiếp giảng dạy. Để gỡ khó cho các nhà trường, mấy năm nay, huyện Nghi Lộc đã trích ngân sách mỗi năm gần 10 tỷ đồng chi trả cho gần 270 giáo viên đang hợp đồng tại các nhà trường với mức lương 4,7 triệu đồng/ người/tháng.

bna-gio-hoc-cua-hoc-sinh-truong-thcs-nghi-thuy-thi-xa-cua-lo-1612.jpg
Giờ học của học sinh thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, việc chi trả trong thời gian tới sẽ còn khó khăn nếu tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc chi trả lương theo Nghị định số 111 và Quyết định số 4431/QĐ-UBND ngày 28/12/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về việc giao số người làm việc, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên.

Ông Nguyễn Văn Thông – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc cho biết: “Đến tháng 2 này, chúng tôi vẫn chi trả lương cho các giáo viên này theo đúng quy định, nhưng sắp tới chúng tôi chưa biết sẽ có hướng xử lý thế nào nếu như tỉnh lại có văn bản tạm dừng. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của nhà trường vì đội ngũ giáo viên hợp đồng do huyện chi trả ở huyện Nghi Lộc rất lớn. Trong khi đó, nguồn thu của các nhà trường rất hạn chế, không có để chi trả lương cho giáo viên”.
Liên quan đến vấn đề đội ngũ giáo viên ở các nhà trường, những năm qua, ngành Giáo dục Nghệ An đã có nhiều văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và các ban, ngành liên quan vì hiện nay, Nghệ An là một trong những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước với khoảng 6.000 giáo viên. Việc ít được tăng biên chế cộng với việc phải thực hiện tinh giản biên chế khiến cho hoạt động của các nhà trường gặp nhiều khó khăn.

Thực tế, trong năm 2024, sau Thông báo số 1117 – TB/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc giao biên chế năm 2024, các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo đã giảm từ 5.703 biên chế (năm 2023) xuống 5.513 biên chế (năm 2024), giảm 190 biên chế để bảo đảm tỷ lệ tinh giản.

Tuy nhiên, do số lớp, học sinh tăng và số người hiện có hơn 5.630 người, nên ngành Giáo dục đã không tinh giản được như thông báo. Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có 3 tờ trình gửi các cơ quan có thẩm quyền để xin lại số biên chế đã giảm để đảm bảo việc dạy học ở các nhà trường.

Một bất cập khác hiện nay là Nghệ An đang thiếu hàng nghìn giáo viên nhưng cũng có hàng nghìn giáo viên hợp đồng lâu năm và sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp nhưng lại khó có cơ hội xin việc làm hoặc vào biên chế vì không có chỉ tiêu biên chế. Điều này dẫn đến sự lãng phí lao động và nguy cơ “chảy máu” những giáo viên, sinh viên giỏi, vì họ sẽ tìm kiếm cơ hội đến các tỉnh, thành khác.

Một cô giáo vừa tốt nghiệp xuất sắc ngành Sư phạm hiện đang làm giáo viên hợp đồng theo tiết ở một trường THCS ở thành phố Vinh cho biết: “Sau khi ra trường em đã nghĩ sẽ được về ổn định ở một trường học gần nhà. Nhưng với thực tế hiện nay, cơ hội cho chúng em không nhiều và việc hợp đồng theo tiết, theo năm khó có thể đảm bảo việc chúng em có thể gắn bó lâu dài”.

Ngày 6/12/2023, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Quyết định số 2392-QĐ/BTCTW bổ sung 2.187 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập từ năm học 2023 - 2024 cho tỉnh Nghệ An.

Theo đó, khối mầm non được bổ sung 1.352 biên chế; khối tiểu học bổ sung 369 biên chế; khối trung học cơ sở bổ sung 441 biên chế và khối trung học phổ thông bổ sung 25 biên chế.

Trước đó, vào đầu năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị các cấp Trung ương bổ sung cho Nghệ An 6.600 biên chế để đảm bảo đủ giáo viên dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có văn bản đồng ý chủ trương để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh về phân bố bổ sung 2.187 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập.

Mới nhất
x
‘Đường dài’ như biên chế giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO