Đường kéo nhuyễn của người đàn ông bại liệt

28/05/2017 11:31

(Baonghean.vn) - Cả tay và chân đều co quắp do chứng teo cơ, di chuyển trên chiếc xe lăn nhưng ông Nguyễn Đình Hiệp đã trở thành thợ cắt tóc nổi tiếng trong vùng, ai chứng kiến cũng đều nể phục.

Xem ông Nguyễn Đinh Hiệp cắt tóc cho khách:

Ngôi nhà của ông Nguyễn Đình Hiệp (SN 1963) ở xóm 12, xã Tường Sơn (Anh Sơn) ngày nào cũng đông khách, người trong xã tìm đến để có được mái tóc ưng ý, tiền công lại phải chăng. Từ hàng chục năm nay, ông là thợ cắt tóc nổi tiếng trong vùng, điều đáng nói là người đàn ông này chân tay bị co quắp do mắc chứng bệnh teo cơ từ lúc mới 5 tuổi.

“Chuyện của tôi dài lắm, mà hầu như toàn chuyện buồn, phải mấy năm gần đây mới có niềm vui” - vừa cắt tóc cho khách, ông Hiệp vừa trò chuyện. Vào năm 1968, khi vừa tròn 5 tuổi bỗng dưng bị trận đau bụng quằn quại mấy ngày liền. Khi hết đau, thấy tay chân bủn rủn, có lúc run lẩy bẩy, rồi đau nhức, cơn đau mỗi lúc một nặng, lan ra khắp toàn thân. Bố mẹ dùng các lá cây xoa bóp nhưng không giảm, có vẻ như mỗi ngày một đau hơn.

Ông Nguyễn Đình Hiệp dành một góc nhỏ trước hiên nhà để hành nghề cắt tóc. Bình quân hàng ngày có khoảng 20 khách
Ông Nguyễn Đình Hiệp dành một góc nhỏ trước hiên nhà để hành nghề cắt tóc. Bình quân hàng ngày có khoảng 20 khách đến cắt tóc tại quán của ông. Ảnh: Công Kiên

Cho đến lúc tay chân tê buốt, toàn thân không còn cử động được nữa, bố mẹ đưa ông đến bệnh viện nhưng lực bất tòng tâm. Bởi trong cảnh chiến tranh, bệnh viện mấy lần sơ tán nên việc cứu chữa gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, gặp lúc gia cảnh nghèo, nhà lại đông anh em, bố mẹ suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để mưu sinh nên đành gạt nước mắt nhìn cậu phải chịu cảnh tật nguyền.

Chân tay ngày một teo dần, teo dần, đến lúc chỉ còn da bọc xương và khẳng khiu như cành củi khô, thân hình teo tóp, việc cử động và di chuyển chưa bao giờ khó khăn như vậy... Nhưng thật may trí tuệ của Nguyễn Đình Hiệp vẫn phát triển bình thường. Mỗi khi các anh chị học bài, cậu bé lặng lẽ quan sát và lắng nghe, chỗ nào chưa hiểu nhờ anh chị giảng lại. Lâu dần thành thói quen, việc học gần như trở thành một nhu cầu hàng ngày.

Tuy đôi bàn tay bị co quắp do chứng teo cơ
Tuy bị co quắp do chứng teo cơ nhưng đôi bàn tay của ông Nguyễn Đình Hiệp vẫn có được những đường kéo nhuần nhuyễn chẳng khác gì người thợ có đôi tay lành lặn, bình thường. Ảnh: Công Kiên

Thấy bạn bè cùng trang lứa ngày ngày tới trường, Hiệp tủi thân đến phát khóc. Thương con, bố mẹ ông đã không quản ngại vất vả, gian nan, hàng ngày thay nhau cõng con đến trường. Suốt mấy năm trời như thế, Nguyễn Đình Hiệp kiên trì với từng con chữ. Cho đến một ngày toàn thân đau buốt, cử động càng khó khăn hơn, buộc lòng phải dừng bước trên con đường đến trường.

Tóc trên đầu bố mẹ điểm hoa râm, lưng bắt đầu còng rạp, anh chị em cũng bắt đầu dựng vợ, gả chồng, Nguyễn Đình Hiệp chạnh lòng nghĩ đến cuộc đời, số phận của mình. Người đàn ông tật nguyền ấy mong ước có một tương lai tốt đẹp hơn, bởi ông biết rằng bố mẹ rồi sẽ đi xa, anh chị em ai cũng sẽ có gia đình riêng nên phải gượng lên để dựng xây cuộc sống của riêng mình.

Nhưng với một sức vóc yếu đuối, chân tay co quắp, cử động khó khăn, ông Hiệp có thể tìm được công việc gì phù hợp? Một hôm, thấy người em trai cắt tóc cho hàng xóm, ông để ý quan sát và thấy công việc này phù hợp với mình. Từ đó, tập hành nghề cắt tóc, đôi tay tật nguyền, co quắp lúc đầu cầm chiếc kéo, chiếc tông đơ rất khó khăn, các ngón tay đau buốt, lưng cũng mỏi nhừ.

Đôi bàn tay co quắp của ông Hiệp
Đôi bàn tay co quắp của ông Hiệp cầm tông đơ và lược cũng rất chuẩn xác, khách đến với ông luôn có được mái tóc ưng ý. Ảnh: Công Kiên

Công việc không dễ dàng, có lúc tưởng như phải bỏ cuộc nhưng rồi ông đã cắn răng trước những cơn đau tê buốt toàn, nhẫn nại với từng đường kéo. Cuối cùng, những nỗ lực ấy cũng được đền đáp, đường kéo của ông ngày một nhuần nhuyễn, mái tóc anh cắt ngày càng đẹp, được khách ưa thích. Đến nay, đôi bàn tay cầm kéo, cầm đơ của ông đã thực sự điêu luyện.

Lúc đầu, chỉ những người quanh xóm đến ông cắt tóc, rồi “tiếng lành đồn xa”, nhiều người trong xã tìm đến để có được mái tóc ưng ý, nay ông Hiệp đã là người thợ có tiếng và hành nghề lâu năm. Khách tìm đến đến với ông một phần vì có được tóc đẹp, phần khác vì muốn ủng hộ một người tật nguyền giàu nghị lực sống.

Bộ đồ hành nghề cắt tóc của ông Nguyễn Đình Hiệp. Ảnh: Công Kiên
Bộ đồ hành nghề cắt tóc của ông Nguyễn Đình Hiệp. Ảnh: Công Kiên

Vậy là cuộc đời không lấy đi tất cả, ông Hiệp được bù đắp bằng một công việc phù hợp để mưu sinh, không những đủ nuôi sống bản thân mà còn giúp có một ít vốn tích lũy. Và đáng mừng hơn, có người phụ nữ đã yêu thương ông thật lòng và sẵn sàng cùng anh chia sẻ những đắng cay, ngọt bùi trong cuộc sống. Người phụ nữ ấy là bà Phạm Thị Minh, một người hoàn toàn khỏe mạnh.

Cảm thương hoàn cảnh của ông, bà Minh đã nhận lời cầu hôn mà không mà không hề ngần ngại, dù biết phía trước sẽ lắm gian nan. Sau hơn 10 năm chung sống, vợ chồng ông Hiệp chị đã xây được căn nhà nhỏ khá vững chãi sinh được 3 đứa con (2 trai, 1 gái) đều khỏe mạnh và ngoan ngoãn, biết thương yêu bố mẹ.

Hàng ngày, ông Hiệp cắt tóc và bán hàng tạp hóa để có nguồn thu nhập, còn bà Minh tất tả với công việc đồng áng để có đủ cái ăn. Cuộc sống còn lắm khó khăn, vất vả nhưng mái ấm của gia đình luôn ăm ắp tiếng cười...

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đường kéo nhuyễn của người đàn ông bại liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO