Dứt điểm rút giấy phép khai thác vàng trên núi Pu Phen!

Bởi cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Yên Tĩnh đều tỏ rõ thái độ bất bình trước tình trạng khai thác vàng trên núi Pu Phen; trong khi ở Tương Dương, rất nhiều địa phương cơ sở phải hứng chịu nhiều hệ lụy của vấn nạn khai thác vàng trái phép. Thế nên chúng tôi đã đặt ra câu hỏi: Thời điểm Bộ TN&MT cấp phép khai thác quặng vàng cho Công ty CP XD&TMTH Thủ đô, quan điểm của huyện Tương Dương như thế nào? Để rồi đi tìm câu trả lời.

Sau một thời gian, được một cán bộ nguyên là lãnh đạo huyện Tương Dương cho biết, giai đoạn cấp phép khai thác quặng vàng trên núi Pu Phen, huyện Tương Dương có được hỏi ý kiến. Xác định khi Công ty CP XD&TMTH Thủ đô tổ chức các hoạt động thăm dò, địa phương Yên Tĩnh phải hứng chịu nhiều hệ lụy. Thế nên, huyện Tương Dương đã trả lời đúng thực tế, đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền thận trọng cân nhắc khi cấp phép khai thác quặng vàng. Ông nói: “Tôi nhớ rất rõ việc này. Vì đã từng đọc văn bản trả lời của huyện về việc cấp phép, và đã có lần trả lời cử tri Tương Dương khi họ có kiến nghị đến đại biểu Quốc hội. Tôi tin văn bản này phải được lưu trữ đầy đủ”.

Lần theo thông tin trên, chúng tôi tiếp cận được các văn bản liên quan. Cụ thể, vào ngày 13/11/2015, Sở TN&MT có Công văn số 5802/STNMT.KS gửi UBND huyện Tương Dương về việc cho ý kiến về khu vực cấm, tạm cấm đối với khu vực khai thác vàng tại Yên Na – Yên Tĩnh, xã Yên Na và xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương. Nội dung như sau: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 7507/UBND-TN ngày 20/10/2015, về việc xác định các vấn đề liên quan đến khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản đối với diện tích xin cấp phép khai thác vàng gốc tại khu vực Yên Na – Yên Tĩnh thuộc xã Yên Na và xã Yên Tĩnh huyện Tương Dương của Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ đô.

Khu vực vàng gốc Yên Na – Yên Tĩnh thuộc xã Yên Na và xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An được Bộ TN&MT cấp Giấy phép thăm dò số 633/GP-BTNMT ngày 28/3/2008 cho Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ đô. Kết quả thăm dò đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia phê duyệt tại Quyết định số 761/QĐ-HĐTLKS ngày 12/11/2010.

Để có cơ sở báo cáo UBND tỉnh trả lời Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam về nội dung trên, Sở TN&MT kính đề nghị UBND huyện Tương Dương rà soát cho ý kiến xác định khu vực cấm, tạm cấm theo Khoản 1, 2 Điều 29 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, đồng thời trực tiếp gửi UBND tỉnh để báo cáo”.

Trả lời của UBND huyện Tương Dương được thể hiện tại Công văn số 742/UBND-NL ngày 27/11/2015 về việc xin cấp phép hoạt động khoáng sản của Công ty Thủ đô. Nội dung Công văn số 742/UBND-NL nêu rõ: “Sau khi kiểm tra thực địa tại khu vực được cấp phép thăm dò theo Quyết định số 633/GP-BTNMT ngày 28/3/2008 của Bộ TN&MT, UBND huyện Tương Dương có ý kiến như sau:

  1. Khu vực được cấp phép thăm dò vàng gốc của Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ đô thuộc khu vực núi Pu Phen xã Yên Na và xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương không thuộc khu vực cấm, tạm cấm khai thác khoáng sản.
  2. Trong thời gian triển khai thăm dò, khu vực mỏ của Công ty có hiện tượng khai thác trái phép gây ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự trên địa bàn nên không nhận được sự đồng thuận của nhân dân địa phương.

UBND huyện Tương Dương đề nghị cấp có thẩm quyền trước khi cấp phép khai thác cho Công ty cần đánh giá kỹ vấn đề tác động của dự án, như mất đất sản xuất của đồng bào dân tộc, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, an ninh trật tự trên địa bàn”.

Ngày 19/1/2017, Bộ TN&MT quyết định cấp Giấy phép số 75/GP-BTNMT cho phép Công ty CP XD&TMTH Thủ đô khai thác quặng vàng bằng phương pháp hầm lò tại khu vực thuộc xã Yên Na và Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Theo Giấy phép số 75/GP-BTNMT, diện tích Công ty CP XD&TMTH Thủ đô được phép khai thác là 126,71ha; mức sâu khai thác cốt + 537 (khu vực Yên Tĩnh) và cốt +567 (khu vực Yên Na); trữ lượng khai thác là 13.800 tấn quặng (tương đương 80kg vàng); thời hạn khai thác 15 năm (năm đầu chỉ được xây dựng cơ bản mỏ, không được khai thác).

Cũng tại Giấy phép số 75/GP-BTNMT nêu rõ trách nhiệm của Công ty CP XD&TMTH Thủ đô như tại quy định ở Khoản 2, Điều 55, Luật Khoáng sản 2010 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Đó là có trách nhiệm nộp lệ phí cấp giấy phép khai thác khoáng sản, các khoản phí khác có liên quan. Thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo giá trị và thời gian đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tiến hành khai thác quặng vàng theo đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất, địa chỉ chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trước khi tiến hành khai thác, phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Báo cáo UBND tỉnh Nghệ An để chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới phạm vi khu vực được phép khai thác, phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trước khi tiến hành khai thác, Công ty CP XD&TMTH Thủ đô phải lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Phương pháp cải tạo, phục hồi môi trường của Dự án “Đầu tư khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực xã Yên Na và xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An”, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để được hướng dẫn thực hiện đối với việc lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Phương pháp cải tạo, phục hồi môi trường, phê duyệt theo quy định. Thực hiện đầy đủ nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Phương pháp cải tạo, phục hồi môi trường Dự án “Đầu tư khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực xã Yên Na và xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An”, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt lại và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện việc ký quỹ môi trường, cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản theo quy định, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác theo quy định…

Nghiên cứu Luật Khoáng sản 2010, tại Điều 58 quy định Giấy phép khai thác khoáng sản sẽ bị thu hồi nếu: “Sau 12 tháng, kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa xây dựng cơ bản mỏ, trừ trường hợp bất khả kháng”; “Sau 12 tháng, kể từ ngày dự kiến bắt đầu khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa tiến hành khai thác”; “Tổ chức, cá nhân vi phạm một trong các nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g Khoản 2, Điều 55 của Luật này mà không khắc phục trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thông báo bằng văn bản”.

Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương, ông Nguyễn Phùng Hùng cho biết, từ năm 2017, thời điểm Bộ TN&MT cấp Giấy phép số 75/GP-BTNMT cho đến nay, Công ty CP XD&TMTH Thủ đô chưa hề thực hiện các nội dung Bộ TN&MT nêu rõ trong giấy phép. Vì vậy, trong những năm gần đây Sở TN&MT từng có văn bản đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Bộ TN&MT thu hồi giấy phép. Đối với UBND huyện Tương Dương, thời gian gần đây có nhận được công văn của Sở TN&MT đề nghị góp ý dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra dự án chậm tiến độ, UBND huyện đã nêu rõ quan điểm xử lý vấn đề liên quan Công ty CP XD&TMTH Thủ đô. Đó là thống nhất đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – Bộ TN&MT thu hồi Giấy phép số 75/GP-BTNMT ngày 19/1/2017 đã cấp cho Công ty CP XD&TMTH Thủ đô.

Trước khi rời Tương Dương, chúng tôi đã liên hệ và được làm việc với Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, ông Phan Đức Sơn. Đề cập đến vấn đề này, ông Phan Đức Sơn nói rằng trong nhiều thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Tương Dương và các xã liên quan rất vất vả để trên địa bàn cơ bản không còn tình trạng khai thác trái phép khoáng sản vàng. Đối với khu vực núi Pu Phen, huyện giao cấp ủy, chính quyền 3 xã Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hòa cử lực lượng luân phiên tuần tra; mỗi xã trực 1 tháng quay vòng và từng tháng phải có báo cáo gửi về huyện. Huyện cũng thực hiện cấp kinh phí cho mỗi xã 5 triệu đồng/tháng để hỗ trợ công tác tuần tra; đồng thời chỉ đạo, nếu để tái diễn tình trạng khai thác trái phép, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sẽ phải chịu hình thức kỷ luật của Huyện ủy và UBND huyện.

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, ông Phan Đức Sơn cho biết: “Năm nay, UBND huyện Tương Dương đã lên kế hoạch đánh sập toàn bộ các hầm vàng trên địa bàn. Huyện đã hợp đồng với một đơn vị để thực hiện nội dung này. Tuy nhiên, vì dịch bệnh Covid-19 nên đành phải lùi thời gian theo kế hoạch”. Về việc cấp phép khai thác vàng gốc trên núi Pu Phen, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nói: “Quan điểm của UBND huyện Tương Dương đã được nêu rõ tại văn bản góp ý dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra dự án chậm tiến độ gửi lên cơ quan của tỉnh. Cá nhân tôi, đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”.