Duterte lần đầu nhận 'giết sai' trong cuộc chiến chống ma túy
Tổng thống Philippines cho rằng sai lầm duy nhất của ông khi lãnh đạo đất nước là để xảy ra các vụ giết người ngoại tụng trong cuộc chiến chống ma túy.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại một sự kiện ở Manila hồi năm 2016. Ảnh: Reuters. |
Trong bài phát biểu trước các quan chức chính quyền tại phủ tổng thống vào hôm qua, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte một lần nữa đề cập tới cuộc chiến chống ma túy do ông phát động. Chiến dịch này đã khiến hàng nghìn người chết và gây nhiều tranh cãi liên quan đến tính đúng đắn của nó, theo New York Times.
Duterte tuyên bố các tướng lĩnh quân đội và cảnh sát có thể phế truất ông khỏi ghế tổng thống nếu họ cảm thấy không hài lòng với những gì ông đang làm. "Tôi đã hỏi lực lượng quân đội rằng lỗi lầm của tôi là gì? Tôi đã ăn cắp một đồng peso nào ư?", Tổng thống Philippines nói. "Sai lầm duy nhất của tôi là những vụ giết người ngoại tụng".
Duterte không giải thích chi tiết thêm nhưng phát biểu trên đánh dấu lần đầu tiên ông công khai thừa nhận việc những vụ giết người chưa qua xét xử có xảy ra trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines dưới thời của ông.
Hồi cuối tháng 8, các nhà hoạt động và gia đình 8 người thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy đã đệ trình lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) kêu gọi truy tố Tổng thống Duterte vì "hàng nghìn vụ giết người ngoại tụng".
Theo đơn kiện, những người chống lại chiến dịch chống ma túy của Duterte đều bị "bức hại", trong khi khiếu nại của gia đình các nạn nhân bị giết trong chiến dịch chống ma túy đều "chìm xuống". Đây là đơn kiện thứ hai chống lại Duterte tại ICC. Tháng 4/2017, một luật sư Philippines cũng đã nộp đơn kiện tương tự đối với ông.
Sau khi trở thành tổng thống Philippines vào tháng 6/2016, Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy với sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng cảnh sát quốc gia. Tuy nhiên, chiến dịch của ông vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận trong nước và quốc tế, khi cho rằng cảnh sát đã lạm dụng quyền lực và thực hiện nhiều vụ giết người không qua xét xử.