EU và Trung Quốc 'chạy nước rút' trước khi Mỹ có chính quyền mới

Thúy Ngọc 01/01/2021 07:50

(Baonghean.vn) - Sau gần 7 năm đàm phán, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) giữa hai bên. Việc EU và Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ đàm phán trong những ngày cuối cùng của năm để tiến tới ký kết hiệp định được cho là “bước chạy nước rút” trước thời điểm chuyển giao chính quyền ở Mỹ - một động thái có thể đặt ông Joe Biden vào “thế khó” trong xử lý mối quan hệ thương mại với cả Trung Quốc lẫn EU trong tương lai.

Nhượng bộ chiến lược

Khởi động đàm phán từ năm 2013, Hiệp định Đầu tư Toàn diện giữa EU và Trung Quốc là một cuộc “đấu trí” kéo dài, nơi mà Trung Quốc hướng tới mục tiêu bảo vệ thị trường, còn châu Âu hướng tới mục tiêu tái cân bằng trong hoạt động đầu tư song phương. Đặc biệt, phía EU cho rằng, các doanh nghiệp châu Âu khi hoạt động tại Trung Quốc bị ràng buộc bởi nhiều quy tắc mang tính phân biệt, đối xử, trong khi các công ty Trung Quốc hoạt động tại châu Âu lại được hưởng một sân chơi bình đẳng theo các nguyên tắc trung lập, không phân biệt, đối xử được quy định trong hệ thống luật của EU. Chính vì vậy, trong suốt một thời gian dài, cuộc đàm phán bị đẩy vào thế bế tắc khi Trung Quốc từ chối một loạt yêu cầu của châu Âu liên quan đến 3 lĩnh vực chính là tiếp cận thị trường, tạo sân chơi bình đẳng và phát triển bền vững.

EU – Trung Quốc đẩy mạnh đàm phán về hiệp định đầu tư trong những ngày cuối năm. Ảnh: EU Observer
EU - Trung Quốc đẩy mạnh đàm phán về hiệp định đầu tư trong những ngày cuối năm. Ảnh: EU Observer

Nhưng trong thời điểm cả thế giới đều đang đếm ngược tới lễ nhậm chức của ứng cử viên Tổng thống Joe Biden, các nhà đàm phán của Bắc Kinh bất ngờ chấp nhận đưa ra những nhượng bộ chiến lược trong cả 3 lĩnh vực này. Giới phân tích cho rằng, đó là cách để Trung Quốc ngăn chặn khả năng chính quyền mới ở Mỹ liên kết với EU để đặt ra những mục tiêu về mở cửa thị trường và không phân biệt, đối xử trong quan hệ đầu tư, thương mại với Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc chấp nhận dỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực xe điện, viễn thông và bệnh viện tư nhân - những lĩnh vực mà giới công nghiệp châu Âu vô cùng khao khát. Trung Quốc cũng chấp nhận mở cửa các lĩnh vực dịch vụ tài chính, bất động sản và dịch vụ vận tải biển, nhưng ở mức độ hạn chế hơn.

Một nhượng bộ đáng chú ý khác của Trung Quốc là lần đầu tiên trong một hiệp định song phương, Trung Quốc chấp nhận các điều khoản liên quan đến việc xử phạt các doanh nghiệp nhà nước và minh bạch hơn về trợ cấp công nghiệp. Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn né tránh việc đưa ra cam kết này, vì Trung Quốc lo ngại có thể bị gây sức ép để đưa ra cam kết tương tự trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - cam kết có thể ảnh hưởng tới hoạt động trao đổi thương mại với các đối tác ở quy mô rộng hơn nhiều. Trung Quốc cũng đồng ý "nỗ lực liên tục và bền vững" để theo đuổi việc phê chuẩn các Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Thế giới về lao động cưỡng bức - vấn đề từng khiến Trung Quốc vấp phải nhiều chỉ trích của các nước phương Tây liên quan đến lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Do môi trường đầu tư của EU vẫn được đánh giá là cởi mở hơn nhiều so với Trung Quốc, nên không có gì ngạc nhiên khi những nhượng bộ từ phía Trung Quốc lớn hơn so với những nhượng bộ từ phía EU. Nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc không đạt được những mục tiêu mà mình mong muốn dựa trên nguyên tắc mà Trung Quốc cho là “có đi, có lại”. Đó là việc EU loại bỏ rào cản đối với đầu tư từ Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng mới, điện toán đám mây, dịch vụ tài chính và y tế.

Hiệp định Đầu tư Toàn diện EU - Trung Quốc kết nối hai thị trường thuộc hàng lớn nhất thế giới. Ảnh: EU Parliament Website
Hiệp định Đầu tư Toàn diện EU - Trung Quốc kết nối hai thị trường thuộc hàng lớn nhất thế giới. Ảnh: EU Parliament Website

Dù chấp nhận những nhượng bộ được cho là “chưa từng có” trong các hiệp định song phương, song Trung Quốc vẫn giữ vững quan điểm cứng rắn liên quan đến mua sắm công, trong bối cảnh giá trị mua sắm hàng hóa, dịch vụ trong các cơ quan Chính phủ Trung Quốc lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Với quan điểm này, các công ty châu Âu vẫn chưa được đối xử bình đẳng trong các cuộc đấu thầu mua sắm công tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng từ chối yêu cầu của EU về thiết lập một hệ thống tòa án chuyên để xử lý tranh chấp giữa các nhà đầu tư, kể cả việc nhà đầu tư kiện Chính phủ Trung Quốc. Liên quan đến các cam kết về cải thiện quyền của người lao động, hai bên vẫn để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đàm phán chi tiết hơn trong tương lai.

Còn đó những hoài nghi

Theo dữ liệu của Eurostat, trong năm 2019, EU đã xuất khẩu hàng hóa trị giá khoảng 198 tỷ euro (242 tỷ USD) sang Trung Quốc và nhập khẩu hàng hóa trị giá 362 tỷ euro, với kim ngạch thương mại song phương trị giá 650 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là nước nhận FDI lớn thứ hai sau Mỹ trong năm 2019, trong đó, có 1,6 tỷ USD mới được công bố trong các dự án FDI của các công ty EU tại Trung Quốc trong quý cuối cùng của năm nay. Vì thế, Hiệp định Đầu tư Toàn diện EU - Trung Quốc sẽ là sợi dây kết nối đầu tư giữa 2 thị trường thuộc hàng lớn nhất thế giới. Và thông thường, một hiệp định như vậy sẽ mang lại niềm hân hoan cho cả hai bên. Nhưng hiệp định này vẫn đề lại khá nhiều băn khoăn, đặc biệt là với phía EU.

Những người theo trường phái thận trọng ở châu Âu cho rằng, tiếp nối Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đầu tư Toàn diện EU – Trung Quốc là một thành tựu quan trọng khác của Trung Quốc trong việc thiết lập không gian kinh tế để ứng phó với cuộc chiến thương mại ngày càng “tăng nhiệt” với Mỹ. Ngược lại, những cam kết của Trung Quốc liên quan đến tiếp cận thị trường, tạo sân chơi bình đẳng và phát triển bền vững lại chưa có gì chắc chắn, nhất là khi Trung Quốc từ chối thiết lập hệ thống tòa án chuyên biệt để xử lý các tranh chấp. Một số người đã nhắc lại câu chuyện rằng, Trung Quốc trước đây từng đưa ra cam kết trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Trung Quốc - bằng cách này hay cách khác vẫn phải chia sẻ các bí quyết công nghệ với đối tác Trung Quốc. Vì vậy, châu Âu cần chuẩn bị sẵn tinh thần để thực hiện các biện pháp đóng cửa thị trường trở lại nếu Trung Quốc không thực hiện các cam kết theo thỏa thuận.

Công nhân tại một nhà máy sản xuất linh kiện tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Công nhân tại một nhà máy sản xuất linh kiện tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Một mối lo ngại khác từ phía châu Âu, đó là Hiệp định Đầu tư Toàn diện EU - Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho các tập đoàn lớn, nhưng lại gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu tại thị trường châu Âu, vì họ sẽ phải đối phó với sự cạnh tranh ngày càng lớn hơn với các tập đoàn lớn của Trung Quốc, trong khi châu Âu không có các quy định bảo vệ thị trường mạnh mẽ như Trung Quốc.

Đặc biệt, nhiều chính trị gia tại châu Âu đang bày tỏ lo ngại về việc châu Âu chưa có tham vấn với chính quyền mới ở Washington về hiệp định ký kết với Trung Quốc, thậm chí một số chuyên gia về Trung Quốc ở châu Âu còn gọi đây là “quyết định vội vàng”. Tất nhiên, việc EU ký kết Hiệp định Đầu tư Toàn diện với Trung Quốc có thể chứng minh quyền tự chủ, chiến lược rộng mở, hội nhập sâu rộng, tôn trọng sự bình đẳng của EU. Nhưng có ý kiến so sánh việc EU ký kết hiệp định đầu tư với Trung Quốc mà không tham vấn Mỹ giống như của Mỹ mà châu Âu từng chỉ trích rất nhiều, đó là phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà không tham vấn châu Âu. Dù đội ngũ chuyển giao của ông Joe Biden hiện không ở vị thế để có thể đưa ra bình luận chính thức về bước đi của EU, nhưng chắc chắn hiệp định này sẽ đặt chính quyền mới ở Washington vào “thế khó” trong xử lý mối quan hệ thương mại với cả đối thủ Trung Quốc và đồng minh châu Âu, thậm chí có thể tạo ra rào cản không cần thiết cho nỗ lực hàn gắn quan hệ xuyên Đại Tây Dương mà nhiều người từng kỳ vọng.

Mới nhất

x
EU và Trung Quốc 'chạy nước rút' trước khi Mỹ có chính quyền mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO