F0 làm việc trực tuyến dựa trên tự nguyện, còn F1 đi làm được không?

tuoitre.vn 08/03/2022 19:15

Cho người thuộc diện F0, F1 có thể đi làm là một trong những đề xuất của Bộ Y tế chuẩn bị cho việc tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia y tế, doanh nghiệp và người lao động xung quanh vấn đề này. Các giải pháp đảm bảo an toàn ra sao nếu F1 đi làm việc trực tiếp?

Cho người thuộc diện F0, F1 có thể đi làm là một trong những đề xuất của Bộ Y tế chuẩn bị cho việc tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, cần cân nhắc từng địa phương, không nên áp dụng đại trà.

F0 làm việc trực tuyến: dựa trên tự nguyện

Nhiều đề xuất mới về quy định làm việc đối với người F0, F1.

Bộ Y tế vừa có đề xuất cho người F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm với hình thức trực tuyến, có thể chăm sóc người bệnh COVID-19 tại gia đình, cơ sở điều trị.

Đồng thời, F1 được chuyển sang theo dõi sức khỏe 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm (thay vì cách ly tại nhà 5 ngày), tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến. Người F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm vắc xin đều có thể tham gia làm việc trực tiếp và trực tuyến; nếu làm việc trực tiếp, các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các F1.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên để người F0 làm việc vì người mắc COVID-19 hiện là người bệnh vẫn đang được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm, họ có quyền lợi của người bệnh.

Xoay quanh việc bệnh nhân F0 có nên làm việc trực tuyến tại nhà, PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nếu bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng có thể để họ được tự nguyện làm việc với hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, đó phải là điều tự nguyện và trong suốt thời gian làm việc phải luôn theo dõi sức khỏe của mình, nếu có bất thường phải báo ngay cho cơ quan y tế, đơn vị để xử trí kịp thời.

"Nếu không có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, đau rát họng, có thể ở nhà làm việc trực tuyến, tuy nhiên cần phải xem xét kỹ tùy trường hợp. Ví như một giáo viên nhiễm bệnh có triệu chứng đau họng, viêm họng, dù nó ở thể nhẹ thì không thể yêu cầu họ tiếp tục dạy trực tuyến.

Các đơn vị, doanh nghiệp nên bố trí sẵn sàng kịch bản nhân sự thay thế vì diễn biến của dịch bệnh khi vào cơ thể vẫn rất khó lường. Cần có những cơ chế khuyến khích người làm việc ở vị trí trọng yếu để không đứt gãy chuỗi công việc", ông Phu chia sẻ.

Phải chú ý quyền lợi của F0 vẫn làm việc

Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho rằng, vấn đề chính hiện nay là việc tiêm ngừa để độ phủ vắc xin luôn được đảm bảo. Với việc lây nhiễm bệnh ở cộng đồng là điều rất khó tránh khỏi. Có chăng việc phòng ngừa lây nhiễm chủ yếu tập trung ở các nhóm yếu thế, giảm tổn thất về con người.

"Vấn đề cơ bản là tiêm ngừa, còn làm việc tùy thuộc từng nhu cầu, mong muốn của mỗi cá nhân và doanh nghiệp. Hiện giờ, với bệnh cảm cúm thông thường nếu người bệnh muốn xin nghỉ thì họ được nghỉ thôi, họ vẫn được hưởng chế độ đau ốm và COVID-19 cũng được thế", ông Chiến chia sẻ.

Đồng thời, cũng có những băn khoăn về yếu tố diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân khi nhiễm bệnh. Một bác sĩ chuyên khoa nhiễm có quan điểm rằng hiện nay COVID-19 vẫn là một bệnh truyền nhiễm nhóm A, vẫn có mức độ nguy hiểm nhất định.

Với bệnh nhân F0 dù không có triệu chứng nhưng không thể phủ nhận cơ thể đang có virus xâm nhập, không thể khẳng định liệu có diễn tiến nặng hơn không. Chính vì vậy, người mắc COVID-19 nên được nghỉ ngơi trong khoảng thời gian 2-3 ngày sau phơi nhiễm.

"Theo đề xuất người F0 làm việc trực tuyến, mặc dù công ty cho phép nhân viên tự nguyện đăng ký làm việc hoặc nghỉ ngơi, nhưng nếu họ chọn nghỉ ngơi họ lại có tâm lý quan ngại đánh giá của đơn vị. Hoặc có thể xảy ra tình trạng một số đơn vị, doanh nghiệp thiếu nguồn lực và họ bắt người F0 vẫn phải làm việc để đáp ứng nhu cầu nhân sự", vị bác sĩ này chia sẻ.

Mới nhất

x
F0 làm việc trực tuyến dựa trên tự nguyện, còn F1 đi làm được không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO