G7 vẫn bế tắc chuyện đưa Nga trở lại
(Baonghean) - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) diễn ra trong 3 ngày (24-26/8) tại Pháp đã bị phủ bóng đen mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề, từ vấn đề thương mại, khủng hoảng cháy rừng Amazon hay khả năng Nga có thể quay trở lại nhóm này hay không.
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ việc tái kết nạp Nga, đưa G8 trở lại thì các nước thành viên G7 khác vẫn bày tỏ thái độ cứng rắn đối với Moscow. Có vẻ như dù cần Nga trong nhiều vấn đề nhưng các thành viên G7 vẫn chưa sẵn sàng xuống thang!
Vì sao Mỹ muốn Nga trở lại?
Không đợi đến những ngày họp của Hội nghị G7, trước đây vài ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngại phát biểu rằng, ông hoàn toàn ủng hộ việc Nga quay trở lại và “sẽ phù hợp hơn nhiều nếu có Nga trong nhóm”.
Cần nhắc lại, Nga vốn đã bị loại khỏi nhóm G8 sau khi sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Nhưng sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, không ít lần ông Trump đã nhắc tới việc để Nga quay trở lại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Macron thống nhất mời Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2020 tại Mỹ. Ảnh: Getty |
Mới nhất, ông Trump và Tổng thống Pháp Macron đã cùng thống nhất mời Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2020 sẽ tổ chức tại Mỹ. Có lẽ, đây là đòn tâm lý giáng mạnh vào các cường quốc dự hội nghị G7 đang diễn ra tại Pháp; cũng có thể là bước tạo đà để việc Nga trở lại sẽ thành hiện thực.
Bất chấp việc Nga - Mỹ đang căng thẳng trong nhiều vấn đề, đặc biệt là việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF cũng như vụ thử tên lửa mới nhất của Washington, dư luận đặt câu hỏi vì sao Tổng thống Trump vẫn nhiệt tình ngỏ lời mời Nga trở lại như vậy?
Để lý giải cho điều này, trước hết cần nhìn lại Hội nghị G7 mới năm ngoái tại Canada, bức ảnh Tổng thống Trump ngồi một bên và 6 nhà lãnh đạo G7 khác ngồi một bên, đã cho thấy một thế đối đầu ngay trong nội bộ nhóm.
Việc ông Trump bỏ đi và từ chối ký tuyên bố chung đã cho thấy một “bộ mặt” khác của G7 kể từ khi nước Mỹ có nhà lãnh đạo mới. Từ đó đến nay, bất kể là đồng minh hay không, chỉ cần không “thuận” cho chính sách “Nước Mỹ trên hết” thì ông Trump đều có những động thái cứng rắn không khoan nhượng. Các thành viên G7 như Đức, Pháp, Canada hay Nhật Bản cũng chẳng phải là ngoại lệ!
Với ông Trump, Nga hiện đóng vai trò quan trọng trong hàng loạt vấn đề, hồ sơ nóng quốc tế như Syria, Iran..., mà nhóm G7 không thể giải quyết. Không chỉ vậy, bày tỏ thiện chí với Nga cũng là cách mà Tổng thống Trump tìm kiếm thêm đồng minh trong cuộc chiến thương mại đang càng lúc càng căng với Trung Quốc.
Thế đối đầu, bất đồng rõ nét trong nhóm G7 ngày càng rõ nét khiến diễn đàn không còn có tiếng nói và sức ảnh hưởng như trước. Ảnh: Reuters |
Chưa hết, động thái này cũng nhằm gây sức ép với các đồng minh trong nhóm G7 vốn bất đồng với Mỹ trong nhiều vấn đề, như việc đóng góp tài chính cho NATO - nền tảng an ninh mà các nước châu Âu chưa thể hết phụ thuộc vào Mỹ, hay việc một số nước châu Âu vẫn chưa dứt khoát với tập đoàn Huawei của Trung Quốc rồi các bất đồng về thương mại giữa Mỹ và EU, vấn đề biến đổi khí hậu...
Nga có mặn mà?
Nếu như phía Mỹ là thái độ khá nhiệt tình thì về phía Nga, dư luận lại thấy một thái độ không mấy mặn mà với đề xuất quay trở lại. Mặc dù trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Macron mới đây, Tổng thống Putin cũng đã khẳng định rằng, bất kỳ mối liên hệ nào với các nước G7 đều hữu ích và Nga cũng không loại trừ việc quay trở lại và hồi sinh nhóm G8.
Thế nhưng đi kèm với tuyên bố này, phía Nga cũng ra điều kiện là trước khi thảo luận về G8, các bên cần hủy bỏ các lệnh trừng phạt Nga vốn áp dụng suốt thời gian qua.
Dường như Nga đã nhận rõ “giá trị” của mình khi cả Tổng thống Mỹ và Tổng thống Pháp đều muốn và cần Moscow ở một khía cạnh hay những mục đích chiến lược nào đó. Điều này cũng lý giải thái độ “đủng đỉnh” của Nga khi nghe những lời mời trở lại.
Cũng bởi, nhóm G7 hiện nay đã không còn đồng thuận và có tiếng nói, tầm ảnh hướng mạnh mẽ như trước. Thời gian qua, nhóm này dường như bị nhấn chìm trong bất đồng và mâu thuẫn.
Bản thân mỗi nước đều vướng hàng loạt vấn đề nội bộ, như Anh rối ren với Brexit, Nhật Bản vướng tranh cãi thương mại với Hàn Quốc, Italy khủng hoảng khi Thủ tướng Giuseppe Conte từ chức hay Đức là công cuộc chuyển giao quyền lực đang bắt đầu diễn ra...
Nên dễ hiểu, các nước cũng chẳng thể dành tâm huyết và nguồn lực để chung tay giải quyết những vấn đề toàn cầu. Đến mức, Tổng thống Pháp đã quyết định không chuẩn bị một tuyên bố chung nào cho Hội nghị thượng đỉnh năm nay.
Tổng thống Pháp Macron đón tiếp Tổng thống Nga Putin ngay trước thềm Hội nghị G7. Ảnh: RT |
Hay một ví dụ khác, ngay trong những phiên thảo luận đầu tiên liên quan đến việc xử lý vụ cháy rừng Amazon, các thành viên G7 đã không thể tìm được tiếng nói chung.
Các nước đều đã quay ra chỉ trích lời đe dọa từ phía Tổng thống Pháp Macron rằng, ông sẽ ngăn chặn Hiệp định thương mại EU - Nam Mỹ vì vụ cháy rừng ở Brazil.
Các nước cho rằng, ông Macron đang cố tìm lý do để can thiệp vào các hiệp định thương mại vốn bế tắc giữa Pháp và Brazil. Cũng có nghĩa, cơ chế G7 dường như còn đang bị “cá nhân hóa” theo lợi ích của các quốc gia.
Trong bối cảnh như vậy, Nga cho rằng, các diễn đàn đa phương khác như G20 lại đang nổi lên như một cơ chế hoạt động khá hiệu quả. Đó là chưa kể, điều kiện tiên quyết mà các nước thành viên G7 đưa ra để Nga có thể quay trở lại, nếu tình hình chính trị ở Ukraine có những tiến triển đáng kể.
Thậm chí, Ukraine dù không có trong G7 cũng bất ngờ ra điều kiện rằng, Nga phải trả lại bán đảo Crimea, chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông mới có thể nghĩ tới khả năng quay trở lại.
Tất nhiên, đây là điều mà Nga sẽ không bao giờ chấp nhận!Thậm chí, Nga dường như còn đang nắm thế chủ động trong vấn đề này, khi G7 có vẻ như còn cần Nga hơn là chiều ngược lại.
Thế nhưng cũng có một thực tế, nếu Nga có mối quan hệ tốt đẹp hơn với các nước G7 và quay trở lại là thành viên thứ 8, điều này sẽ chỉ có lợi cho nền kinh tế và phát triển của Nga hiện naymà thôi.
Bởi thế, có lẽ Nga sẽ hoàn toàn vui vẻ khi nhận lời tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 vào năm 2020 tại Mỹ. Còn việc có quay trở lại nhóm G8hay không, có lẽ còn chờ thái độ và những điều kiện mặc cả của tất cả các bên!