Thời sự

Gần 100% hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại Nghệ An có chốn an cư kiên cố

Mai Hoa 23/07/2025 06:08

Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, huy động tổng lực, Nghệ An đã vận động, hỗ trợ gần 100% hộ nghèo, khó khăn về nhà ở có chốn an cư kiên cố.

 1
Xã Mường Ham huy động các tổ chức chính trị - xã hội làm nhà cho người dân. Ảnh: Mai Hoa

Sáng tạo trong cách làm

Na Loi là xã vùng sâu, vùng xa biên giới của huyện Kỳ Sơn (cũ), nơi 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều gia đình sống trong nhà dột nát, tạm bợ.

Thực hiện Chương trình vận động, hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo theo chủ trương của tỉnh, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã Na Loi đã vào cuộc đồng bộ, chung tay xây dựng nhà cho người nghèo.

Xã Na Loi huy động các lực lượng vũ trang và nhân dân làm nền nhà cho người dân. Ảnh: Mai Hoa
Xã Na Loi huy động các lực lượng vũ trang và nhân dân làm nhà cho người dân. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Pịt Thị Hà – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Na Loi cho biết: Bên cạnh nguồn lực từ Nhà nước, xã đã chủ động rà soát, vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh cùng vào cuộc làm nhà cho hộ nghèo. Nhờ vậy, giai đoạn 2023 - 2025, địa phương đã vận động, hỗ trợ làm 117 căn nhà cho người nghèo, trong đó, làm mới 110 căn, sửa chữa 7 căn.

Xã vận dụng nhiều hình thức hỗ trợ phù hợp với từng hoàn cảnh hộ dân, như làm nhà “chìa khóa trao tay” bằng mô hình lắp ghép của Bộ Công an; kêu gọi nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ xây nhà trọn gói; mua vật liệu; tặng vật dụng thiết yếu; tặng con giống tạo sinh kế…

 4
Xã Na Loi huy động các lực lượng vũ trang và nhân dân sửa chữa nhà cho người nghèo. Ảnh: Mai Hoa

Đáng chú ý, chương trình không chỉ giúp người dân có nơi ở an toàn, mà còn phát huy nguồn lực tại chỗ. Nhiều tổ thợ xây, thợ mộc, thợ cơ khí đã hình thành, nâng cao tay nghề và tạo việc làm ổn định. Điển hình như anh Kha Văn My, từ người được hỗ trợ làm nhà, anh đã lập tổ thợ xây và cơ khí 5 người đi làm nhà cho bà con; vợ anh tham gia Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Na Loi, kết hợp chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.

 5
Xã Quỳnh Văn trao nguồn hỗ trợ làm nhà cho người nghèo. Ảnh: Mai Hoa

Tại xã Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu cũ), từ năm 2023 đến nay, địa phương đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 24 căn nhà cho hộ nghèo.

Chia sẻ về cách làm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đặng Ngọc Hòa cho biết: Ngoài rà soát đúng đối tượng, tạo sự thuyết phục và lan tỏa sự đóng góp, chung tay của cộng đồng, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình làm nhà ở cho người nghèo, Ủy ban MTTQ xã đã làm tốt công tác tham mưu, huy động cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của người đứng đầu các tổ chức, lan tỏa tinh thần sẻ chia trong cộng đồng chung tay làm nhà cho người nghèo.

Trường hợp gia đình ông Hoàng Đình Thái (xã Quỳnh Thạch cũ) là minh chứng rõ nét. Cả nhà sức khỏe yếu, không có khả năng đối ứng, xã đã họp bàn với người thân, tìm kiếm tài trợ, vận động các nguồn lực để xây nhà trị giá gần 200 triệu đồng. Ngày vào nhà mới, ông Thái xúc động chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi nghĩ có được căn nhà khang trang như thế. Tinh thần phấn chấn, sức khỏe tốt hơn, tôi sẽ cố gắng thoát nghèo trong thời gian tới”.

Từ những cách làm sáng tạo, linh hoạt và đầy tình người, Chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo đã thực sự mang lại đổi thay rõ nét trong cuộc sống của đồng bào vùng khó, thắp sáng niềm tin và động lực vươn lên.

 7
Xã Quỳnh Văn huy động các lực lượng chung tay xây dựng và sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Ảnh: Mai Hoa

Gần 100% hộ nghèo có chốn an cư

Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 21, ngày 10/2/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An là một điểm sáng trong công tác an sinh xã hội; thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, nhân văn sâu sắc của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh.

 9
Xã Quỳnh Anh huy động các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ ngày công làm nhà cho người nghèo. Ảnh: Mai Hoa

Theo tổng hợp từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, tính từ tháng 2/2023 đến ngày 17/7/2025, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa 20.602 căn nhà cho người nghèo có nơi ở ổn định, kiên cố (xây mới 14.215 căn, sửa chữa 6.387 căn)/tổng nhu cầu của cả giai đoạn được các địa phương phê duyệt là 20.805 căn, đạt 99,02%.

Những căn nhà được xây mới, sửa chữa thời gian qua trên địa bàn tỉnh, không chỉ là nơi che nắng, che mưa, mà còn là biểu tượng của tình người, của sự sẻ chia, khơi dậy trong mỗi người dân niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và vai trò kết nối của Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở.

Một trong những điểm nhấn nổi bật của chương trình là cách làm linh hoạt, sáng tạo, phát huy tối đa nội lực trong dân và huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa.

MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, minh bạch, công khai từ khâu khảo sát đến hỗ trợ và nghiệm thu công trình. Đặc biệt, việc trao quyền cho người dân được tự thiết kế, tự giám sát và đóng góp nguồn lực, ngày công, vật liệu xây dựng đã giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm, giảm tối đa chi phí, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại; đối với những gia đình quá đặc biệt khó khăn, cán bộ các địa phương tự thiết kế nhà ở, cho đến huy động nguồn lực và nhân lực làm nhà để "trao tay” cho người dân.

bna_-xa-minh-son-huyen-thanh-chuong-huy-donfg-cac-luc-luong-va-nhan-dan-tham-gia-pha-do-nha-cu-de-lam-nha-cho-nguoi-ngheo.-5f388f71538f982c0e8d4ceceb2f5043.jpg
Xã Cát Ngạn huy động nhân dân tham gia phá dỡ nhà cũ để làm nhà mới cho người nghèo. Ảnh: Mai Hoa

Từ thực tiễn triển khai Chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khó khăn, đồng chí Nguyễn Đức Thành - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An chia sẻ một số kinh nghiệm quan trọng.

Trước hết, thành công của chương trình đến từ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Ban Chỉ đạo tỉnh. Ngay từ đầu, Ban Chỉ đạo tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị, thành viên; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa, từ doanh nghiệp, con em Nghệ An xa quê đến cộng đồng dân cư tại chỗ, với phương châm “Ai có gì góp nấy”: Người góp công, người góp của, người góp vật liệu. Mặt trận Tổ quốc các cấp đóng vai trò nòng cốt trong điều phối, phân bổ, giám sát nguồn lực và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Chính sự thống nhất trong lãnh đạo, minh bạch trong vận động, hiệu quả trong phối hợp và tinh thần trách nhiệm, sẻ chia sâu sắc trong cộng đồng là những yếu tố then chốt quyết định thành công của chương trình.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Gần 100% hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại Nghệ An có chốn an cư kiên cố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO