Gần 6.000 nông dân Nghệ An được đào tạo nghề nông nghiệp
(Baonghean) - Kết quả sau 9 năm Trung tâm Khuyến nông đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT), đã có gần 6 nghìn người dân được học nghề nông nghiệp ngay tại địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Tạo vùng sản xuất tập trung
Thăm gia trại anh Nguyễn Văn Bá ở xóm 4, xã Diễn Liên (Diễn Châu), anh phấn khởi cho biết: “Thu nhập kinh tế gia đình trước đây chỉ dựa vào 4 - 5 sào ruộng lúa, chăn nuôi 3 - 5 con lợn nên cuộc sống rất vất vả. Được Trạm Khuyến nông huyện tạo điều kiện cho tham gia học nghề trồng nấm, đến nay tôi cùng một số người được học nghề trong xóm đã liên kết hình thành tổ sản xuất nấm mỡ, nấm sò và duy trì thường xuyên 5-6 lao động, mỗi tháng cho thu nhập ổn định bình quân từ 3,5-4,5 triệu đồng/người, giờ đây cuộc sống đã khá hơn nhiều”.
Trồng nấm sò ở xã Nam Lộc (Nam Đàn). Ảnh: Hồng Sương |
Ông Phan Huy Hảo - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Diễn Châu cho biết thêm, đến nay huyện Diễn Châu cũng đã mở được 18 lớp học nghề, tập trung chủ yếu là nghề nuôi bò, nuôi lợn, nuôi gà, sản xuất rau an toàn và kết quả đạt được khá thành công, cơ bản các hộ đều duy trì, phát triển nghề được học và cho thu nhập kinh tế gia đình cao hơn khi chưa học nghề.
Để học nghề có hiệu quả thực sự, trạm đã phải làm tốt từ khâu tuyển sinh lựa chọn người học nghề đến rèn luyện kỹ năng thực hành và tư vấn sau học nghề, nhất là Trạm đã chủ động khâu nối liên kết với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp để tư vấn, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người sau học nghề khi có yêu cầu.
Bà Trương Thị Lài - cán bộ phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Quỳ Hợp thì khẳng định, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT luôn được huyện quan tâm, chú trọng. Trong những năm qua, tuy Trạm Khuyến nông huyện mới tổ chức được 14 lớp dạy nghề trên địa bàn huyện nhưng rất chất lượng, hiệu quả và thiết thực.
Quan trọng nhất là tạo cơ hội cho bà con đồng bào dân tộc miền núi được tiếp cận học nghề, có thêm được việc làm mới, được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó trồng trọt, chăn nuôi thành công và hiệu quả cao hơn, tận dụng được lao động nhàn rỗi.
Để thực hiện tốt công tác dạy nghề, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế, hướng dẫn áp dụng thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT thuộc hệ thống khuyến nông. Quá trình tổ chức đào tạo đều có sự kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết hàng năm để đánh giá chất lượng hiệu quả đào tạo nghề.Trung tâm tiến hành xin cấp phép 20 nghề nông nghiệp cần đào tạo (trồng trọt 10 nghề, chăn nuôi 3 nghề, lâm nghiệp 4 nghề và thủy sản 3 nghề) và biên soạn, hiệu chỉnh được 20 bộ giáo trình để sử dụng, phục vụ cho dạy nghề.
Trồng nấm ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc). Ảnh: Thế Thắng |
Tính đến nay đã đào tạo được 11/20 nghề với 188 lớp, 5.931 học viên tham gia (nữ 4.083/5.931 chiếm 68,8%); trong đó có 48 lớp chăn nuôi lợn, 54 lớp chăn nuôi gà, 16 lớp chăn nuôi bò, 25 lớp sản xuất rau, 8 lớp trồng cam, 4 lớp trồng mía, 5 lớp trồng hoa, 1 lớp trồng nguyên liệu giấy, 1 lớp nuôi cá truyền thống, 18 lớp trồng nấm và 8 lớp trồng chè. Số học viên tốt nghiệp sau học nghề là 5.471/5.931 người, đạt 92,2% (nữ 3.824/5.471 người chiếm 69,9%).
Nổi bật một số huyện điển hình trong công tác tổ chức, thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT trong tỉnh như huyện Yên Thành (19 lớp), Diễn Châu (18 lớp), huyện Thanh Chương (15 lớp), huyện Tân Kỳ (15 lớp), TP Vinh (15 lớp). Các nghề được nhiều người dân có nhu cầu tham gia học tập chủ yếu là chăn nuôi gà 54 lớp, lợn 48 lớp, sản xuất rau an toàn 25 lớp, trồng nấm 18 lớp; 4 nghề này chiếm tới 77,12% tổng số lớp nghề được đào tạo.
Chính từ công tác đào tạo nghề đã góp phần từng bước tạo nên vùng, địa phương sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng nấm tại huyện Yên Thành; trồng cam tại các huyện Con Cuông, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn; trồng chè tại các huyện Thanh Chương, Con Cuông; trồng rau an toàn, nuôi lợn, nuôi gà tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn và TP. Vinh. Đặc biệt các nghề chăn nuôi đã thu hút được nhiều người học và đều đem lại hiệu quả kinh tế từ việc mở rộng quy mô, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.
Mô hình chăn nuôi gà ở Anh Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thái Hiền |
Qua khảo sát cho thấy nhu cầu học nghề nông nghiệp của LĐNT tỉnh Nghệ An còn rất lớn, nhất là đối với đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cần thực hiện tốt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đó là:
Thứ hai, điều kiện tiên quyết của dạy nghề là phải xuất phát từ mong đợi của người học, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề thường xuyên phải tự trau dồi nghiệp vụ, chuyên môn để nâng cao năng lực, chất lượng dạy học và rèn luyện tay nghề cho người học. Tạo điều kiện khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý cùng tham gia, hỗ trợ xây dựng giáo trình, giáo án và dạy nghề.
Thứ tư, khi đào tạo nghề cần chủ động liên kết với các công ty, nhà máy, doanh nghiệp để hỗ trợ học tập, tạo việc làm và tiêu thụ sản phẩm làm ra cho người học nghề, nhất là việc hình thành nên nhóm, tổ, hợp tác xã để chủ động tìm kiếm cơ hội liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm.
Thứ năm, tạo điều kiện cho người sau học nghề được tiếp cận, tham gia các chương trình, dự án, mô hình phát triển sản xuất hoặc vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, khuyến khích, thu hút được nhiều lao động nông nghiệp tham gia và duy trì, phát triển nghề bền vững sau khi học.
Có thể nhận định rằng, sau 9 năm, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, đội ngũ cán bộ khuyến nông ngày càng được chuẩn hóa, nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm; tăng tỉ lệ lao động nông nghiệp được học nghề.
(Baonghean.vn) - Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai thực hiện kế hoạch cơ bản kịp thời, đúng tiến độ, hoàn thành 100% kế hoạch được giao.Nghệ An: Xây dựng 146 mô hình khuyến nông trong năm 2019