Gần 6.900 đại biểu ở Nghệ An dự Hội nghị văn hóa toàn quốc trực tuyến

Thành Duy 24/11/2021 13:23

(Baonghean.vn) - Hội nghị nhằm triển khai quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Sáng 24/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị diễn ra trong thời gian một ngày.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: dangcongsan.vn

Tại điểm cầu chính Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Hội nghị; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch nước; Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; cùng các đại biểu là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội;…

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã. Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An có sự tham dự của các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Nghệ An, đại biểu trí thức, văn nghệ sỹ.

Hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến 26 điểm cầu cấp huyện (tương đương), 364 điểm cầu cấp cơ sở với gần 6.900 đại biểu tham dự trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu chính của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và triển khai quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Có thể nói phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội của Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.

Hội nghị cũng là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày báo cáo tóm tắt về “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại diện lãnh đạo Thủ đô Hà Nội, Thừa Thiên Huế, An Giang cùng đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trình bày tham luận. Lãnh đạo một số địa phương, đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cũng đã trình bày tham luận tại hội nghị.

VĂN HÓA PHẢI ĐƯỢC ĐẶT NGANG HÀNG KINH TẾ, CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện toàn diện và sâu sắc hơn. Đây là tiền đề rất cơ bản để chúng ta quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện trong thực tế.

Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương, cảm ơn những đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn thể cán bộ, đảng viên, và đặc biệt là của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các lực lượng tham gia trên mặt trận văn hóa trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ cần nhìn nhận thẳng vào những hạn chế, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa để tìm những nguyên nhân, giải pháp khắc phục.

Đặc biệt, theo Tổng Bí thư, hạn chế, yếu kém nổi bật là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thực sự trở thành nguồn động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.

Vai trò của văn hóa chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí; trong khi đây còn là kênh có chức năng giáo dục con người, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống;…

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Trên cơ sở đó, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng, phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư đề nghị cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết phải khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường; tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại là: Đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo.

“Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi là: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư cũng đặt ra yêu cầu cần phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sáng tạo, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân, thiện, mỹ; nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền của đất nước.

Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là Nhân dân; đề cao phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý cần chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thực sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.

Xây dựng môi trường văn hóa số, phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số; làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4; khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

Để chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo những phương hướng trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong thời gian tới.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa từ Trung ương đến cơ sở.

Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa; trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa; khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung vào kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa; phải quán triệt nghiêm túc quan điểm: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Các đại biểu tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An theo dõi bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Công tác quản lý Nhà nước cũng cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người; đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hóa từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa nghệ thuật; nâng mức đầu tư lên một cách hợp lý từ nguồn ngân sách Nhà nước; đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa.

Trong quá trình đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội;...

Gần 6.900 đại biểu ở Nghệ An dự Hội nghị văn hóa toàn quốc trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO