Phóng sự

Gần lại Đan Lai…

Nhật Lân - Thành Cường - Võ Hải 10/02/2025 09:20

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn (Con Cuông) đến bản Búng của đồng bào Đan Lai trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, đã dần rõ hình hài…

ganlaidanlai-cover.png

Nhật Lân - Thành Cường - Võ Hải • 10/02/2025

ganlaidanlai-t1.png

Chúng tôi biết việc huyện Con Cuông tập trung đầu tư tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản Búng vào ngày 28/9/2024. Thời điểm ấy, huyện Con Cuông phải hứng chịu không ít những tác động tiêu cực từ cơn bão số 4 ngày 19/9/2024. Đặc biệt là khu vực các bản Cò Phạt, bản Búng của đồng bào Đan Lai, do mưa lớn kéo dài, nước sông Giăng dâng cao, chảy xiết nên 2 bản bị cô lập, đời sống của đồng bào Đan Lai vì vậy hết sức khó khăn. Trước thông tin này, nhóm thiện nguyện Niềm Tin do ông Nguyễn Văn Thông (thời điểm ấy là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy) dẫn đầu đã tổ chức chuyến đi hỗ trợ đồng bào Đan Lai các bản Búng, Cò Phạt.

Đoàn thiện nguyện Niềm Tin ngược sông Giăng vào hỗ trợ đồng bào Đan Lai các bản Búng, Cò Phạt sau cơn bão số 4, năm 2024.
Đoàn thiện nguyện Niềm Tin ngược sông Giăng vào hỗ trợ đồng bào Đan Lai các bản Búng, Cò Phạt sau cơn bão số 4, năm 2024.

Thời điểm đoàn vượt sông Giăng vào lõi rừng Pù Mát, bão số 4 đã qua 9 ngày nhưng nước sông vẫn lớn. Rất nhiều đoạn gấp khúc, nước lớn tạo ghềnh, thác dữ dằn nên phải hơn 3 giờ đồng hồ, đoàn mới vào đến đầu bản Búng - là bản trong cùng của đồng bào Đan Lai.

Ở đây, từ thuyền nhìn lên thấy rõ dưới chân những mái núi thẫm xanh màu rừng nguyên sinh có những vết cắt nâu đỏ kéo dài, và có hai khối xi măng trắng bạc sừng sững hai bên bờ sông. Hỏi những cán bộ huyện Con Cuông cùng đi, được trả lời, những vệt màu nâu đỏ là nơi đang xây dựng đường dẫn vào bản Búng; còn hai khối xi măng là trụ của cây cầu treo số 4, khi hoàn thành sẽ giúp đồng bào Đan Lai trong thâm sơn cùng cốc này thoát khỏi cảnh cô lập vào mùa mưa bão.

Như vắn tắt của Phó Chủ tịch HĐND huyện, ông Nguyễn Thế Mạnh: “Toàn tuyến, tính từ trung tâm xã Môn Sơn vào đến bản Búng có 4 cây cầu treo vượt sông Giăng. Đây là cầu treo cuối cùng, mố cầu đã được hoàn thành để một thời gian nữa sẽ hợp long. Khi đường và cầu hoàn thành, từ trung tâm xã Môn Sơn vào đến bản Búng sẽ chỉ mất khoảng 30 phút đi xe máy, đồng bào sẽ thuận lợi trong giao thông, không còn chịu cảnh cô lập trong mùa mưa bão…”.

z6261493230763_4d01bb5b8cd52058022c0b1f9e3b65a6.jpg
Một góc bản Búng.

Với bản Búng, trước đại dịch Covid-19, năm 2020 chúng tôi từng vài lần vào. Thế nên trong suy nghĩ, đây là khu vực có nhiều khó khăn bậc nhất của tỉnh, đến mức không thể nào thay đổi. Nhưng ở lần này, chỉ sau ít phút rời thuyền đã thấy bản Búng có những thay đổi đáng mừng. Ấy là có một tuyến đường bê tông lớn gắn với hệ thống mương thoát nước chạy xuyên suốt bản nối đến trụ cây cầu treo số 4. Ở hai bên đường, không ít nhà ở của dân bản được sửa sang, lợp mái tôn xanh, đỏ chắc bền, có điểm trường được xây mới.

Ông Nguyễn Văn Thông trò chuyện với người già Đan Lai bản Cò Phạt và trao quà cho đồng bào Đan Lai copy
Ông Nguyễn Văn Thông trò chuyện với người già Đan Lai bản Cò Phạt và trao quà cho đồng bào Đan Lai.

Nhờ đường bê tông, cùng những ngôi nhà được xây mới, sửa sang, bản Búng đã khang trang hơn trước rất nhiều. Không chỉ vậy, khi gặp gỡ cư dân bản Búng, thấy những e ngại, rụt rè vốn có của họ khi gặp người lạ cũng đã phần nào được xóa bỏ. Đồng bào Đan Lai bản Búng đã chịu tiếp xúc, chịu nghe, chịu trả lời, và trên những khuôn mặt sạm đen khắc khổ của họ, còn hiện rõ niềm vui. Những đại diện của đồng bào Đan Lai bản Búng, như Trưởng bản Lê Văn Chín, người có uy tín La Văn Hoài…, trong phát biểu cảm ơn cấp trên, cảm ơn đoàn thiện nguyện Niềm Tin, còn kể ra rành rọt những khó khăn, để đề xuất có những quan tâm giúp người dân Đan Lai bản Búng được thay đổi cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Thông trao đổi với lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Con Cuông và Đồn Biên phòng Môn Sơn.
Ông Nguyễn Văn Thông trao đổi với lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Con Cuông và Đồn Biên phòng Môn Sơn.

Ông Lô Văn Thao - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông trao đổi, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng các bản Cò Phạt, bản Búng đang dần có những thay đổi tích cực. Có được điều này là nhờ trong nhiều năm qua Trung ương, tỉnh, cũng như cấp ủy, chính quyền huyện Con Cuông dành sự quan tâm đặc biệt, thực hiện nhiều chương trình dự án với mục tiêu thay đổi mọi mặt về đời sống kinh tế, tinh thần cho đồng bào Đan Lai.

Ở những năm gần đây, đã xây dựng điểm trường mới cho bản Cò Phạt, bản Búng; xây dựng kè chống sạt lở cho bản Búng; và nhất là tập trung đầu tư xây dựng đường và cầu treo từ trung tâm xã Môn Sơn vào đến bản Búng.

Bên cạnh đó, một bộ phận người trẻ của đồng bào Đan Lai được học tập đã dần thoát ly cuộc sống núi rừng để tìm đến những công việc ở những vùng trung tâm để tạo dựng cuộc sống. Những người trẻ này được giao tiếp với xã hội, từ đó, có những tác động tích cực trở lại với gia đình, với đồng bào của họ.

cầu treo sông Giăng
Cầu treo số 4 vượt sông Giăng dẫn vào bản Búng sắp hoàn thành.

Dành sự quan tâm cho việc đầu tư xây dựng đường và cầu, chúng tôi hỏi Chủ tịch UBND huyện Lô Văn Thao về ngày hợp long cầu treo số 4, được ông trao đổi: “Trụ cầu treo mới hoàn thành, nếu thời tiết thuận lợi thì khoảng 20 ngày nữa sẽ hợp long. Tuy nhiên, đường vào rất khó khăn, thời tiết lại mưa nắng thất thường nên chúng tôi chưa thể ấn định chính xác thời gian. Đến thời điểm hợp long cầu, tôi sẽ thông tin để các anh lên chứng kiến…”.

ganlaidanlai-t2.png

Hẹn với Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lê Văn Thao là vậy nhưng do thời tiết luôn có mưa, đường vào bản Búng hết sức khó khăn nên việc chứng kiến hợp long cầu treo sông Giăng số 4 đã không thành hiện thực. Và phải đến ngày 24/12/2024, chúng tôi mới trở lại bản Búng.

z6261493230743_ea239dbc0f359719a74a24dec081f65a.jpg
z6261493230745_7fb67dc29a151263a29b0e02147bd3cf.jpg
Đường bộ vào bản Búng hầu hết là dốc cao quanh co.

Từ trung tâm xã Môn Sơn vào đến bản Búng bằng đường bộ, có chiều dài hơn 18km. Thế nhưng việc di chuyển bằng xe ô tô bán tải cùng những cán bộ xã Môn Sơn và huyện Con Cuông sẽ mất khoảng gần 2 giờ đồng hồ. Lý do vì vài ngày trước liên tục mưa, trong khi toàn tuyến mới hoàn thành khoảng 4km đường bê tông, phần còn lại vẫn là lối mòn quanh co nhiều dốc cao, lắm đá núi gập ghềnh.

Quả thật, đường nhiều dốc cao trơn trượt đến khó tả. Chốc chốc, người lái xe lại phải sử dụng chế độ cầu chậm và tăng hết ga để leo dốc, vượt qua các chướng ngại vật. Để rồi, xuất phát tại trụ sở xã Môn Sơn vào lúc 8h15, đến hơn 10h thì mới chạm tới đoạn đường đã đổ bê tông.

Và dù mệt nhoài vì bị nhồi lắc gần 2h đồng hồ, nhưng được dạo trên đoạn đường bê tông rộng hơn 3m bền chắc, được ngắm cây cầu treo số 4 đã nối nhịp vượt sông Giăng dẫn vào bản Búng, các thành viên đoàn đều rất vui, thấy rõ hơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã dành cho tộc người Đan Lai trong lõi rừng Pù Mát.

Xe máy thi công tuyến đường vào bản Búng (2 ảnh trên); Đoạn đường vào Bản Búng đã được thi công hoàn thành
Xe máy thi công tuyến đường vào bản Búng (2 ảnh trên); Đoạn đường vào bản Búng đã được thi công hoàn thành.

Vào bản Búng, những người chúng tôi được gặp đầu tiên là các giáo viên của điểm trường mầm non, trong đó, có cô giáo La Thị Nghi là người đồng bào Đan Lai. “Được” phỏng vấn, cô giáo Nghi phấn khởi khoe, ở bản Búng hiện đã có 1 học sinh vào đại học. Về phần cô, dù lập gia đình và sống ở bản trung tâm xã Môn Sơn, nhưng quyết tâm trở lại Khe Búng dạy cho các em nhỏ.

Cô giáo Nghi trầm tư nói: “Em nghĩ mình người Đan Lai, vì khó khăn mà không vào với đồng bào mình thì ai sẽ vào? Em muốn góp sức để các cháu bằng các bạn ở ngoài trung tâm. Các cháu ở đây cần phải được bày, dạy từng tí một, từ sinh hoạt, vệ sinh đến làm quen với con chữ…”.

Rồi cô lại vui vẻ: “Nhà nước đầu tư đường, cầu vào bản Búng giúp đồng bào người Đan Lai được thuận lợi trong đi lại và được giao lưu thay đổi suy nghĩ, thay đổi tập tục, thoát khỏi lạc hậu, phát triển kinh tế. Tập thể giáo viên ở bản Búng cũng đỡ vất vả rất nhiều…”.

z6261833869363_73802e06ad1a7a0b3d235fdf366fc104.jpg

Em nghĩ mình người Đan Lai, vì khó khăn mà không vào với đồng bào mình thì ai sẽ vào? Em muốn góp sức để các cháu bằng các bạn ở ngoài trung tâm”.

Cô giáo La Thị Nghi

Theo Trưởng bản Lê Văn Chín, bản Búng có 125 hộ, 520 nhân khẩu. Trong số này có 3 hộ cận nghèo, còn lại là hộ nghèo. Lý giải về điều này, theo ông Lê Văn Chín, vì người dân vẫn chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Ông Chín nói: “Ruộng lúa của bản rất ít, mỗi hộ chỉ được từ 40 – 50m2, hơn nữa cũng không có vốn làm ăn, chỉ chăn nuôi được ít lợn, gà. Thế nên đến mùa măng thì vào rừng lấy măng, hết mùa măng thì chưa biết làm gì…”.

z6261833813011_f57d8cc967e26b7cb70e4e51064359d9.jpg

Để phát triển chăn nuôi, trồng hoa màu thì phải có đất, vì vậy cũng mong muốn Nhà nước quan tâm đến việc cấp đất cho bà con…”.

Trưởng bản Búng Lê Văn Chín

Hỏi về suy nghĩ của đồng bào về đường và cây cầu mới. Theo ông, trước đây đường vào bản rất xấu, cầu thì không có nên người dân phải qua sông, qua suối rất khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ thì bị cô lập hoàn toàn. Nay được Nhà nước quan tâm, ngoài xây dựng trường học cho con em thì còn đầu tư cho bản con đường để bà con đi lại thuận lợi, không còn lo trong mùa mưa lũ.

Rồi Trưởng bản Lê Văn Chín tâm tư: “Được Nhà nước đầu tư cầu, đường, trường học, bờ kè chống lũ…, bà con bản Búng đã yên tâm. Nhưng bà con cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ thêm con giống, cây giống để phát triển chăn nuôi, trồng hoa màu cải thiện cuộc sống. Nhưng để phát triển chăn nuôi, trồng hoa màu thì phải có đất, vì vậy cũng mong muốn Nhà nước quan tâm đến việc cấp đất cho bà con…”.

Toàn cảnh cầu treo số 4 vượt sông Giăng dẫn vào bản Búng.
Toàn cảnh cầu treo số 4 vượt sông Giăng dẫn vào bản Búng.

Ông La Văn Linh - Trưởng ban công tác Mặt trận bản Cò Phạt cho biết: “Bản Cò Phạt có 126 hộ (528 nhân khẩu), trong đó có 5 hộ cận nghèo, còn lại là hộ nghèo. Cuộc sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào rừng lấy măng, bắt ong. Ngoài ra, có một bộ phận người trẻ đi làm ăn xa ở các tỉnh phía Nam, hoặc tại các nhà máy, khu công nghiệp trong huyện, trong tỉnh. Hiện nay Nhà nước đầu tư xây dựng cho bản Cò Phạt trường tiểu học và mầm non, bà con rất phấn khởi. Về con đường từ trung tâm xã Môn Sơn qua bản Cò Phạt vào đến bản Búng, sẽ giúp kết nối giao thương, tạo thuận lợi và tăng giá trị cho sản phẩm nên bà con rất mong đợi con đường này được hoàn thành. Tuy nhiên, đường có nhiều dốc cao, thường bị sạt lở nên đề nghị cấp trên trong quá trình thi công quan tâm hạ bớt độ dốc để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời mong các cấp quan tâm giao đất ở, đất sản xuất để người dân được ổn định, phát triển…”.

z6296528761853_6c4574f3b0d8bd2214ac3847577c78a1.jpg

Con đường từ trung tâm xã Môn Sơn qua bản Cò Phạt vào đến bản Búng, sẽ giúp kết nối giao thương, tạo thuận lợi và tăng giá trị cho sản phẩm nên bà con rất mong đợi con đường này được hoàn thành.

Ông La Văn Linh - Trưởng ban công tác Mặt trận bản Cò Phạt

ganlaidanlai-t3.png

Cùng tham gia chuyến đi với chúng tôi, Phó Chủ tịch MTTQ xã Môn Sơn, ông Vi Đức Thịnh nói rằng, trước đây người dân Đan Lai chủ yếu vào rừng săn bắn, hái lượm nên cuộc sống rất bấp bênh. Để ra vùng trung tâm người dân thường phải đi bộ theo lối mòn, số ít hộ có điều kiện thì đi bằng xuồng. Đi lại khó khăn nên việc vận chuyển nhu yếu phẩm vào phục vụ đời sống, đồng thời đưa các sản phẩm làm được ra bán hết sức khó khăn.

Với bản Búng, thường xuyên bị cô lập do nước suối dâng, nên cuộc sống đã khó lại càng thêm khó. Nay được Nhà nước mở đường, xây dựng cầu vào bản, dù chưa hoàn thành nhưng di chuyển bằng xe máy cũng đã dễ dàng, giúp bà con thuận lợi trong vận chuyển nhu yếu phẩm vào và đưa nông sản ra bên ngoài.

Ông Vi Đức Thịnh nhận định: “Được Nhà nước quan tâm đầu tư điện, trường học, cung cấp con giống…, có lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên hướng dẫn nên cuộc sống người dân Đan Lai đã từng bước thay đổi, nhận thức cũng được đi lên. Có thêm đường và cầu, sẽ mở ra những bước phát triển mới...”.

z6261493230739_04aea9e925890f7e103d9b247fc45df3.jpg
Ngôi trường ở bản Cò Phạt mới được xây dựng.

Trở ra trung tâm huyện Con Cuông, chúng tôi được Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Anh Tuấn tiếp chuyện. Theo ông Tuấn, tuyến đường giao thông kết nối trung tâm xã Môn Sơn đến bản Khe Búng với tổng mức đầu tư 63 tỷ đồng có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế cho đồng bào Đan Lai trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát.

Tuy nhiên, hiện dự án mới đầu tư ở giai đoạn 1 với gói thầu số 1 dài 6km cùng cây cầu treo số 4. Do địa hình rất phức tạp, độ dốc lớn, sạt lở nhiều nên quá trình thi công gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, đây là tuyến đường độc đạo, thời tiết thường có mưa nên ảnh hưởng lớn đến quá trình tập kết vật liệu, khó khăn trong thi công, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ và cũng ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.

Ông Trần Anh Tuấn trao đổi: “Khối lượng tại thời điểm khảo sát lập dự án so với khối lượng thiết kế có chênh lệch, dẫn đến đơn giá sẽ thay đổi. Vì vậy, UBND huyện đã trình UBND tỉnh cho chủ trương phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, bổ sung thêm nguồn vốn. UBND huyện sẽ rà soát điều chỉnh hồ sơ, phê duyệt đầu tư hơn 11km còn lại để đảm bảo hết năm 2025 sẽ thông toàn bộ tuyến đường này”.

z6261833847237_19cb3c580159e6ec62f67e2284bc6b3d.jpg
Đường xi măng xuyên qua bản Búng.

Về vấn đề đất đai cho người dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Trần Anh Tuấn cho biết, trong quá trình Nhà nước giao đất cho Vườn Quốc gia Pù Mát thì giao trùng lên đất của các hộ dân đã sống nhiều đời ở đây. Trước thực tế này, cấp ủy, chính quyền đã kiến nghị, đề xuất với tỉnh, với Chính phủ.

Tại Đề án bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Pù Mát đã có kế hoạch tách diện tích đất, quy hoạch lại diện tích đất ở, đất rừng cho đồng bào Đan Lai ra khỏi đất của Vườn Quốc gia. Nội dung này cũng đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, và đã được Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, UBND tỉnh và các sở, ngành đang làm các thủ tục để điều chỉnh, để trong thời gian tới đồng bào Đan Lai có thể được giao đất…

z6296528768894_fc29bd2500eaedb8e6c1987804697386.jpg

UBND huyện sẽ rà soát điều chỉnh hồ sơ, phê duyệt đầu tư hơn 11km còn lại để đảm bảo hết năm 2025 sẽ thông toàn bộ tuyến đường này”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Trần Anh Tuấn

Ngày đầu Xuân mới Ất Tỵ 2025, liên hệ tới Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Hoài An, được nghe ông nói về việc huyện đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh để làm nhà cho 72 hộ nghèo Đan Lai còn khó khăn về nhà ở; việc UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tập trung giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào Đan Lai.

Liên quan đến đầu tư xây dựng tuyến đường vào đến bản Búng, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hoài An kể lại chuyến đưa Hội đồng hương Nghệ An ở các tỉnh phía Nam vào thăm bản Búng bằng đường bộ năm 2024. Trong chuyến đi này, vì trời mưa, đường trơn, dốc cao nên một xe ô tô đã bị tai nạn. “Rất may người trên xe không ảnh hưởng, nhưng đấy là một chuyến đi không thể nào quên…” - ông Nguyễn Hoài An nói. Và cũng vì vậy, theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hoài An, việc đầu tư đường và cầu vào đến bản Búng là một cuộc cách mạng để thay đổi đời sống kinh tế và tinh thần cho đồng bào Đan Lai trong lõi rừng Pù Mát.

Một góc bản Búng
Việc đầu tư đường và cầu vào đến bản Búng là một cuộc cách mạng để thay đổi đời sống kinh tế và tinh thần cho đồng bào Đan Lai.

“Từ năm 2006, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển tộc người Đan Lai. Nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban ngành cùng cấp ủy, chính quyền huyện Con Cuông đã dành sự quan tâm rất lớn cho đồng bào Đan Lai. Hai bản Búng và Cò Phạt đã được ưu tiên đầu tư hệ thống điện lưới, trường học, trạm y tế và các chương trình, dự án kinh tế. Hiện nay từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dự án đầu tư xây dựng đường từ trung tâm xã Môn Sơn vào đến bản Búng đang được thực hiện. Khi đường hoàn thành, thời gian rút ngắn chỉ còn khoảng 25 phút, không chỉ đồng bào Đan Lai được thuận lợi trong việc đi lại, mà toàn xã hội sẽ được xích lại gần hơn với đồng bào Đan Lai, để tiếp tục giúp cho bà con phát triển đời sống kinh tế, văn hóa…”- Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hoài An nói thêm.

Gần lại Đan Lai…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO