Gập ghềnh... đường nguyên liệu

15/11/2011 17:08

Nghệ An hiện có khá nhiều diện tích cây nguyên liệu đến tuổi thu hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cây nguyên liệu, hầu hết đường giao thông lại chưa được quy hoạch. Do đó, ở nhiều vùng, cây nguyên liệu không bán được vì chưa có đường vào vận chuyển, hoặc bán được thì giá cước vận chuyển cũng "đội" lên ngang bằng với giá cây bán ra...

(Baonghean) - Nghệ An hiện có khá nhiều diện tích cây nguyên liệu đến tuổi thu hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cây nguyên liệu, hầu hết đường giao thông lại chưa được quy hoạch. Do đó, ở nhiều vùng, cây nguyên liệu không bán được vì chưa có đường vào vận chuyển, hoặc bán được thì giá cước vận chuyển cũng "đội" lên ngang bằng với giá cây bán ra...

Khốn đốn vì đầu ra cho cây nguyên liệu

Dọc các xã tả ngạn sông Lam như Mậu Đức, Đôn Phục, Bình Chuẩn huyện Con Cuông bát ngát một màu xanh của rừng cây nguyên liệu. Dọc con đường Bồng Khê - Bình Chuẩn, nhiều nơi bà con đang thu hoạch, cây keo lai bóc vỏ chất đống ngổn ngang bên vệ đường. Chị Lô Thị Mai ở Mậu Đức buồn bã nói: "Cây chặt để bên đường đã 2 ngày rồi nhưng tư thương vẫn chưa lên vì đường lầy lội, xe vào mắc lầy, điện thoại thì không liên lạc được".

Anh Bùi Thanh Long ở bản Hợp Thành xã Đôn Phục bức xúc: Gia đình trồng được 1 ha cây nguyên liệu, cây 4 tuổi đã có thể thu hoạch nhưng nay đã 7 tuổi rồi mà cây không bán được vì trồng sâu trong rừng, không có đường vào vận chuyển. Nếu có vận chuyển ra được đường tả ngạn thì cũng chẳng có xe ô tô vào vì con đường này đang thi công dang dở". Bên cạnh đó là gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh ở Mậu Đức hiện có trên 20 ha cây keo lai đã quá tuổi thu hoạch chưa bán được cây nào, trong khi vốn đầu tư mất cả trên 100 triệu đồng.

Ông Lô Văn Thật - Chủ tịch UBND xã Mậu Đức cho hay: Hiện toàn xã Mậu Đức có trên 200 ha cây nguyên liệu đang đến kỳ thu hoạch nhưng chưa có ai vào mua, chủ yếu nằm ở các bản Kẻ Sùng, Kẻ Mẹ. Kẻ Móc, Kẻ Trằng... Nguyên nhân là con đường tả ngạn sông Lam đến nay vẫn thi công đang dở nên xe ô tô vào vận chuyển rất khó khăn.



Một số người dân ở Đôn Phục chặt cây keo lai về làm củi.



Người dân xã Mậu Đức (Con Cuông) thu hoạch cây keo lai nhưng không tiêu thụ được.

Công ty Lâm nghiệp Con Cuông hiện có đến gần 1000 ha cây nguyên liệu keo lai đang đến kỳ thu hoạch nhưng chỉ bán được 300 ha, còn lại 700 ha cây không bán được vì đường giao thông khó khăn nên tư thương không vào mua. Như ở các xã Châu Khê, Chi Khê, Lạng Khê..., hầu hết cây nguyên liệu đã quá tuổi thu hoạch. Ông Sơn, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Con Cuông cho hay: "Công ty phải tự bỏ vốn mở một số tuyến đường vào rừng nguyên liệu, nhưng chỉ thông xe được năm/1 lần, vào mùa mưa lại bị lầy lội, sạt lở. Thời điểm này khó khăn về khâu tiêu thụ cho cây nguyên liệu nên Công ty đang đầu tư trên 2 tỷ đồng để tu sửa, mở mới trên 10 km đường giao thông". Ông Sơn giải thích thêm: Giá thu mua cây nguyên liệu bán cho các cơ sở chế biến bột giấy ở TX. Cửa Lò là 1 triệu đồng/tấn cây keo, trong đó chi phí vận chuyển từ Con Cuông về TX. Cửa Lò là 300.000 đồng/tấn, chưa kể là 300.000 đồng/tấn tiền thuê trâu, bò kéo gỗ từ rừng ra tập kết đưa lên xe ô tô. Còn lại 400.000 đồng/tấn tiền thuê người chặt cây và chăm sóc cây. Trừ chi phí người trồng keo chỉ lãi 200.000 đồng/tấn, tính ra hoà vốn hoặc lỗ khi trồng rừng nguyên liệu.

Còn Công ty Lâm nghiệp Tương Dương, hiện nay đường giao thông vận chuyển cây nguyên liệu cũng rất khó khăn. Ông Hồ Sĩ Thành -Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tương Dương, cho hay: "Công ty hiện có khoảng trên 200 ha cây keo đang trong giai đoạn sắp thu hoạch, nhưng hệ thống đường giao thông trên 20 km đang bị xuống cấp trầm trọng. Hàng năm, Công ty bỏ kinh phí từ 600 -700 triệu đồng tu sửa nhưng chỉ sử dụng được 1 mùa/năm. Công ty đang rất cần được Nhà nước quan tâm để xây dựng đường giao thông, tạo thuận lợi trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng".

Quy hoạch đường giao thông phải đi trước

Ông Minh - Chi cục phó Lâm nghiệp tỉnh, cho biết: Nghệ An là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm diện tích trồng rừng mới đạt 10-12 ngàn ha, trong đó 70% diện tích thuộc rừng quy hoạch sản xuất. Tính đến thời điểm này diện tích rừng trồng đạt 82.983 ha, trong đó rừng keo 61.020 ha, bạch đàn 20.912 ha, bồ đề 1.042 ha. Các khu rừng trồng tạo thành các vùng nguyên liệu tập trung lên đến hàng ngàn ha, với tổng trữ lượng gỗ nguyên liệu ước đạt 5 triệu m3.

Tuy nhiên, hệ thống giao thông nội vùng để phục vụ công tác khai thác, vận xuất, vận chuyển sản phẩm gỗ ra bãi tập kết và các tuyến giao thông chưa được quy hoạch và xây dựng nên việc vận chuyển gỗ sau khai thác chủ yếu bằng thủ công, chi phí khá cao.

Năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1246/QĐ.UBND ngày 25/3/2010, trong đó có nội dung phân bổ kinh phí xây dựng đường lâm nghiệp nội vùng thuộc Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng với tổng chiều dài 11 km, tổng vốn hỗ trợ 3.300 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay chưa giải ngân được vì nguồn vốn gặp khó khăn.

Để tăng hiệu quả đầu tư cho trồng rừng, tạo thêm việc làm cho hàng chục vạn hộ gia đình nông thôn miền núi, Sở Nông nghiệp đã trình UBND tỉnh cho lập Dự án hệ thống đường giao thông nội vùng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010-2015, tập trung các huyện: Thanh Chương, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Nam Đàn, Yên Thành, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Con Cuông, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Anh Sơn và Quỳnh Lưu.

Hệ thống đường này gồm 2 loại: Trục chính và đường nhánh, chiều dài tổng cộng 361.70 km. Tổng mức đầu tư dự kiến: 500 tỷ đồng, nguồn vốn lấy từ ngân sách Nhà nước của Chương trình Bảo vệ phát triển rừng, từ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, từ doanh nghiệp, chủ rừng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Vấn đề đặt ra hiện nay là khi tổ chức trồng rừng nguyên liệu, các địa phương, các doanh nghiệp trồng rừng cần có sự phối hợp quy hoạch đường giao thông trước khi trồng để thuận lợi cho việc tiêu thụ. Đặc biệt, rất cần các chương trình dự án hỗ trợ phát triển xây dựng đường vận chuyển cây nguyên liệu.


Văn Trường

Mới nhất
x
Gập ghềnh... đường nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO