Gặp gỡ nam sinh trường Phan được tuyển thẳng vào Đại học

Tường Hiếu 12/08/2018 14:40

(Baonghean.vn) - Nam sinh được tuyển thẳng vào Đại học có bảng thành tích học tập rất đáng nể. Tuy nhiên, em khẳng định mình không "mọt sách", bí quyết học tập chính là cách phân bố thời gian hợp lý, học tập trung, nắm vững kiến thức giáo khoa và tìm đến những bài tập nâng cao.

Những ngày đầu tháng 8, gia đình Trung tá Phạm Văn Thắng, Trợ lý Chính sách Sư đoàn 324 ở xóm 6, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương đón rất đông người thân, bạn bè ghé thăm, chúc mừng con trai đầu Phạm Trần Anh được tuyển thẳng vào khoa Khoa học máy tính, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hai bố con nam sinh Nguyễn Trần Anh. Ảnh: Tường Hiếu
Hai bố con nam sinh Phạm Trần Anh. Ảnh: Tường Hiếu

Với các bạn cùng trang lứa, việc Trần Anh được tuyển thẳng vào đại học không có gì bất ngờ. Từ lớp 1 đến lớp 12, Anh có kết quả học tập rất đáng nể. Lớp 8, nam sinh này đạt giải Nhì môn Tin học trẻ cấp tỉnh và giải Nhất giải Toán bằng Tiếng Anh Hà Nội mở rộng. Lớp 9, Trần Anh đạt giải Nhất môn Toán và Nhì môn Tin học trẻ cấp tỉnh, thi vào lớp chuyên Toán Trường Phan Bội Châu ở tốp đầu. Ba năm học cấp 3 đều có học bổng. Lớp 11 đạt giải Nhất môn Toán cấp tỉnh. Lớp 12, đạt Huy chương Bạc môn Toán các tỉnh Bắc Trung bộ và giải Nhì môn Toán quốc gia…

Khi hỏi về bí quyết học tập, Trần Anh mỉm cười chia sẻ: "Em đam mê học Toán từ năm lớp 4 nhưng em không “mọt sách”, thời gian học của em ít hơn bạn bè, tuy nhiên nhờ phân bố thời gian hợp lý nên có thời gian để vui chơi và tham gia các hoạt động ngoại khóa".

Cũng theo Trần Anh, ở trên lớp em lắng nghe thầy, cô giáo giảng bài và ghi chép đầy đủ rồi làm các bài tập ở trong sách giáo khoa ngay trên lớp, về nhà học Toán nâng cao. Điều đặc biệt, Trần Anh rất ít khi học thêm mà chủ yếu học theo nhóm và lên mạng Internet, truy cập vào các diễn đàn về Toán để trao đổi kinh nghiệm cũng như giải những bài toán khó. Trần Anh tham gia nhiều kỳ thi và không ngại thất bại vì qua mỗi kỳ thi sẽ rèn luyện cho mình bản lĩnh và kinh nghiệm làm bài.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Phạm Văn Thắng - bố của Phạm Trần Anh cho biết: Gia đình nhận thấy cháu đam mê học môn Toán từ nhỏ và tạo điều kiện về vật chất, thời gian để cháu theo đuổi. Bố mẹ không ai làm nghề giáo nên cũng khó khăn trong việc dạy dỗ, tất cả đều là nỗ lực của cháu. Hôm nay, cháu được tuyển thẳng vào đại học, gia đình rất vui mừng nhưng đây mới là bước ban đầu, mong cháu tiếp tục học tập, rèn luyện tốt hơn trong những năm trên giảng đường đại học.

Được biết, bố của Phạm Trần Anh công tác ở đơn vị chiến đấu, thường xuyên vắng nhà, mọi công việc trong gia đình và nuôi dạy các cháu đều trên đôi tay của mẹ. Điều may mắn là ngay từ nhỏ Trần Anh đã tự giác học tập. Ngoài ra, thời gian rảnh rỗi trong ngày, nam sinh này còn siêng năng giúp mẹ nhiều công việc gia đình như: nấu cơm, rửa bát, quét dọn nhà cửa và kèm cặp, hướng dẫn em trai học tập. Bên cạnh học văn hóa, Trần Anh còn tham gia học võ, học đàn ghi-ta, học bơi và cờ vua. Ở trên trường, nam sinh này còn là cán bộ đoàn năng nổ.

Tâm sự với chúng tôi, thầy Đậu Hoàng Hưng - giáo viên dạy Toán, Trường Phan Bội Châu cho biết: "Tôi dạy Trần Anh môn Toán 3 năm cấp 3. Quá trình học tập, em cần cù, chịu khó, cầu tiến bộ; ghi chép bài đầy đủ, thường xuyên thảo luận bài với các bạn trong nhóm. Gặp những bài toán khó, bạn ấy ít khi bó tay mà tìm cách giải cho bằng được. Học trong môi trường chuyên Toán có nhiều bạn giỏi, Trần Anh không phải là người nổi bật nhất nhưng bạn ấy luôn khiêm tốn học hỏi thầy giáo và các bạn, biết cách tích lũy kiến thức cho riêng mình. Khi làm bài kiểm tra, bài thi Trần Anh rất cẩn thận, tỉ mỉ tìm cách giải hay nhất".

Chia tay Trần Anh cùng gia đình khi mọi người đang hòa trong niềm vui và chuẩn bị hành trang cho chàng trai tuổi 18 bước vào chặng đường mới, em bật mí rằng: Em sẽ cố gắng rèn luyện kỹ năng nói và viết Tiếng Anh thành thạo hơn để "săn" học bổng du học nước ngoài vì được khám phá kiến thức về tin học là niềm mơ ước từ nhỏ của em./.

Mới nhất

x
Gặp gỡ nam sinh trường Phan được tuyển thẳng vào Đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO