Gặp khó trong giải quyết án tồn đọng
(Baonghean) - Với nhiều cố gắng, nỗ lực, trong những năm qua Chi cục thi hành án dân sự TP Vinh đã giải quyết được một số lượng lớn án tồn đọng. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra cũng như so với những địa phương khác thì số lượng án tồn đọng hiện vẫn còn nhiều...
Theo thống kê của Chi cục thi hành án TP Vinh, trong năm 2012, tổng số việc cơ quan thi hành án phải giải quyết hơn 3.000 việc. Trong đó, số việc có điều kiện thi hành là gần 2100 việc; số việc chưa có điều kiện thi hành là 885 việc. Số lượng án tồn đọng tính đến ngày 30/9/2012 gần 980 việc, với số tiền gần 23,7 tỷ đồng. Đây chính là những trở ngại lớn nhất cho công tác thi hành án.
Ông Nguyễn Văn Kha - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Vinh cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với công tác giải quyết án tồn đọng là người phải thi hành án chỉ có tài sản duy nhất là nhà ở, là nơi sinh sống của gia đình và không có công việc làm và thu nhập ổn định... Mặc dù theo Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ, chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản để thi hành án, nhưng đối với những trường hợp này, việc tiến hành cưỡng chế rất khó.
Cán bộ Chi cục thi hành án dân sự TP Vinh rà soát hồ sơ án tồn đọng
Một trong những nguyên nhân khiến số án tồn đọng còn nhiều là những án không có điều kiện thi hành, chủ yếu các án dân sự trong vụ án hình sự có liên quan đến cờ bạc và ma túy, người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù dài hạn, không có tài sản, thu nhập để thi hành án dẫn đến nhiều vụ việc không thể thi hành được và tồn đọng kéo dài hàng năm. Trường hợp Hoàng Văn Thành, ở khối 14 phường Đông Vĩnh bị tuyên án vì ma túy từ năm 2007, mức tiền phạt là 30 triệu đồng, nhưng hoàn cảnh vợ con ở nhà hết sức khó khăn. Vợ không có công ăn việc làm ổn định, phải một mình nuôi 3 con, trong đó có một người con bị khuyết tật. Trong khi đó theo quy định, những án có số tiền dưới 5 triệu thì phải 10 năm mới xét miễn, còn trên 5 triệu đồng thì phải nộp được một phần mới được xét miễn giảm.
Những năm gần đây, số việc thi hành án liên quan đến tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và người dân phải thi hành án tăng mạnh. Không ít vụ việc có khoản thi hành lớn, nhưng tài sản kê biên chưa bán được, dẫn đến số lượng vụ việc và giá trị tài sản chưa có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ cao; án tồn đọng phát sinh và kéo dài.
Ngoài những khó khăn trên, còn phải kể đến việc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã như Công an, Tư pháp, Địa chính, Quản lý đô thị... do quá tải về công việc nên việc trực tiếp phối hợp xác minh, vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án còn hạn chế. Việc cung cấp thông tin, thông báo về địa chỉ nơi chấp hành hình phạt từ các trại giam, trại tạm giam cho cơ quan thi hành án dân sự, việc phối hợp thực hiện đặc xá, giảm án tù cũng còn nhiều bất cập, chưa kịp thời. Một số ngân hàng đưa ra lý do bảo mật cho khách hàng và vì lợi ích kinh doanh của mình nên thiếu sự hợp tác với cơ quan thi hành án...
Thực tế cho thấy, những khó khăn trên không chỉ của riêng Chi cục Thi hành án dân sự TP Vinh, mà là khó khăn chung của ngành Thi hành án. Vì vậy, thiết nghĩ, để giải quyết, giảm bớt án tồn đọng, Chi cục thi hành án dân sự TP Vinh cần tập trung rà soát, xác minh phân loại hồ sơ thi hành án, loại chưa có điều kiện và loại có điều kiện Thi hành. Đối với vụ việc chưa có điều kiện thi hành, chấp hành viên, cán bộ thi hành án cần phối hợp với Tư pháp phường xã xác minh lại điều kiện thi hành án của đương sự để thực hiện cơ chế xét miễn, giảm, hoãn thi hành án, trả đơn yêu cầu thi hành án theo đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008. Đối với vụ việc có điều kiện thi hành, chấp hành viên, cán bộ thi hành án cần bám sát cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức thi hành án có hiệu quả. Danh sách người phải thi hành án cần lập gửi về địa phương, để phối hợp vận động, giải thích người thi hành án tự nguyện thi hành, nhằm hạn chế việc phải cưỡng chế. Đối với những vụ việc có điều kiện, có tài sản nhưng đương sự chây ỳ chống đối thì cần kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành... Có như vậy, mục tiêu đến cuối năm 2013 giảm được 10% trở lên số việc và 7% số tiền tồn đọng mới trở thành hiện thực.
Bài, ảnh: Quảng An