Gặp nhau cuối tuần giảm nhiệt vì tình tiết ồn ào
Sau 5 số lên sóng, "Gặp nhau cuối tuần" giảm tương tác, chưa thật sự giữ được phong độ và thu hút khán giả đón xem.

Sau nhiều tập gây tranh cãi về tình tiết, chương trình đã có sự điều chỉnh, hạn chế những tình huống hay chi tiết có thể gây phản ứng trái chiều.
Trong số thứ 5, nội dung chương trình xoay quanh những tình huống dở khóc dở cười khi ứng dụng phát hiện nói dối đi vào cuộc sống.
Chức năng phát hiện nói dối khiến các ông chồng thấp thỏm, công việc của nhân viên văn phòng gặp nhiều rắc rối, việc mua bán đảo lộn.
Dù vậy, cách triển khai câu chuyện bị khán giả cho rằng không tạo tiếng cười, nội dung dễ đoán. Chương trình lồng thêm hiệu ứng cười nhưng đôi lúc lạm dụng.
Phân cảnh đôi co theo kiểu "giang hồ" giữa Duy Hưng và Việt Bắc hay cảnh cãi vã trong gia đình ông Mộc (NSND Quốc Khánh) - bà Mạc (NSƯT Nguyệt Hằng) đều ồn ào.
Tình tiết người phụ nữ bán hoa quả bất chấp "thề độc" dẫn đến chồng ngã vỡ đầu, bị ngộ độc... cũng khiến người xem tranh cãi. Thậm chí, vì không thể nói dối, nhiều nhân vật sẵn sàng lăng mạ, "xả" hết những lời lẽ thiếu tôn trọng với những người xung quanh.

Trên mạng xã hội, tương tác của chương trình "Gặp nhau cuối tuần" cũng giảm mạnh so với tập đầu, không thu hút thảo luận từ khán giả.
Nhiều người bình luận "không thấy buồn cười", "kịch bản cũ kĩ" dù quy tụ nhiều nghệ sĩ hài và dàn diễn viên truyền hình nổi tiếng.
Có ý kiến cho rằng điểm sáng của chương trình là dàn nghệ sĩ gạo cội, luôn mang đến những phân đoạn thú vị, cả bi lẫn hài. Thế nhưng, kịch bản chương trình vẫn còn nhiều điểm yếu khiến lượt xem trên YouTube còn khiêm tốn, chỉ số tương tác giảm dần.
Sau gần 20 năm vắng bóng, "Gặp nhau cuối tuần" phiên bản 2025 trở lại với format mới, kịch bản và diễn viên thay đổi đa dạng qua từng tập. Chương trình giữ phong cách hài trào phúng quen thuộc, khai thác các vấn đề xã hội dưới góc nhìn châm biếm.
Những năm 2000, "Gặp nhau cuối tuần" từng là chương trình hài kịch được yêu thích, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả với những tiểu phẩm hài châm biếm, những nhân vật "để đời" và phong cách dàn dựng sáng tạo.