Giáo dục

Gấp rút điều chỉnh chương trình, sửa sách giáo khoa sau sáp nhập

Ngô Chuyên 05/07/2025 16:53

Từ ngày 1/7, thực hiện chính quyền hai cấp, nhiều ngữ liệu trong các bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12 của một số nhà xuất bản như: Giáo dục Việt Nam, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí minh sẽ có những điều chỉnh.

Điều chỉnh trước năm học mới

Bộ GD&ĐT đã thông tin về việc rà soát, điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình GDPT 2018 nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn và bối cảnh phát triển mới.

Theo đó, năm học 2024 - 2025 là năm học Chương trình GDPT 2018 được tổ chức thực hiện xong một chu kỳ từ lớp 1 đến lớp 12 theo lộ trình. Thực hiện các hướng dẫn của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các bước rà soát, đánh giá việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.

bna_anh-my-ha-74f6c2cbab81698aa99b1c2af87185c2.jpg
Giờ học của học sinh Trường THCS Lê Xuân Đào (Hưng Nguyên). Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Trong năm 2025, việc rà soát chương trình và sách giáo khoa được triển khai trong bối cảnh cả nước thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Trên cơ sở rà soát, Bộ GD&ĐT đã xác định một số môn học chịu tác động trực tiếp từ việc thay đổi địa giới hành chính gồm: Lịch sử và Địa lý lớp 4, lớp 5, lớp 8, lớp 9; Địa lý lớp 12; Lịch sử lớp 10, Giáo dục kinh tế và pháp luật lớp 10. Ví dụ: Sách giáo khoa Lịch sử - Địa lý lớp 8 (Kết nối tri thức với cuộc sống), trang 99, phần mở rộng đưa thông tin về động Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình cũ) không còn phù hợp thực tế hiện nay vì sau sáp nhập không còn tên tỉnh Quảng Bình…

Theo đó, các môn này sẽ thực hiện các bước theo quy định để chỉnh sửa chương trình môn học làm căn cứ để thực hiện chỉnh sửa sách giáo khoa, như cập nhật yêu cầu cần đạt, nội dung kiến thức, địa danh, số liệu, bản đồ, biểu đồ và thông tin kinh tế - xã hội...

Việc chỉnh sửa chương trình môn học được thực hiện trên nguyên tắc hạn chế mức thấp nhất việc thay đổi sách giáo khoa, tăng cường hướng dẫn để giáo viên, nhà trường chủ động thực hiện chương trình theo thẩm quyền cho phù hợp với thực tế.

bna_anh-my-ha-1-1--67f7d503af390f5df7b9c5135b05d030.jpg
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường THCS Nghi Kiều (Nghi Lộc). Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Bà Trần Thị Hợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Khánh Nhạc, Ninh Bình) bày tỏ: Việc sáp nhập các tỉnh tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong đó có ngành Giáo dục.

Thời điểm đầu sáp nhập, sẽ có những ngữ liệu trong sách giáo khoa (môn Giáo dục địa phương, Lịch sử, Địa lý) phải thay đổi để phù hợp tình hình mới. Vì vậy, các nhà trường, thầy cô mong muốn Bộ GD&ĐT cũng như các nhà xuất bản thực hiện việc điều chỉnh trong thời gian nghỉ hè để khi bước vào năm học mới học sinh, giáo viên đã có sách được điều chỉnh để giảng dạy, học tập phù hợp với tình hình thực tế.

Bà Hợi cũng kiến nghị, môn học Giáo dục địa phương có thể tích hợp vào sách giáo khoa của một số môn học như: Lịch sử, Địa lý, Tự nhiên và Xã hội…; có thể ghi chú rõ tiết bao nhiêu sẽ học phần Giáo dục địa phương. Theo đó, giáo viên sẽ chủ động bổ sung tài liệu giáo dục địa phương vào giảng dạy. Như vậy học sinh không phải mua thêm sách, tiết kiệm được nhiều chi phí.

Đồng quan điểm với bà Hợi, thầy Nguyễn Thanh Thùy - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Bình Yên (Bình Yên, Thái Nguyên) bày tỏ: “Hiện nay, chính quyền hai cấp đã đi vào hoạt động, các tỉnh sáp nhập đã xong do đó tôi mong Bộ GD&ĐT cũng như các nhà xuất bản sớm hoàn thành cập nhật ngữ liệu mới để đưa vào giảng dạy.

Chẳng hạn ở môn Lịch sử, khi nói về địa danh lịch sử, nếu cập nhật theo địa chỉ cũ hay mới thì cần có hướng dẫn cụ thể. Ví dụ: Địa danh lịch sử Đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) nơi ở và làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu theo sáp nhập mới thì là xã Phú Đình, Thái Nguyên. Đây là hai xã, hai địa điểm khác nhau, tuy nhiên thông tin về nơi ở đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải chính xác.

dscf9090-1-.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Hương và các học sinh ở Trường THCS Nghi Kim. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Bên cạnh đó, đối với học sinh THPT chương trình học của lớp 10, lớp 11 và lớp 12 đều được đưa vào đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, do đó thầy Thùy mong Bộ GD&ĐT và các nhà xuất bản sớm rà soát và có phương án điều chỉnh sớm để bước vào năm học, học sinh đã có sách giáo khoa đáp ứng được yêu cầu học và thi cử.

Nỗ lực rà soát điều chỉnh

Nhằm cập nhật những dữ liệu trong sách giáo khoa sau sáp nhập, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức bản thảo và các Ban Biên tập rà soát, thống kê nội dung về yêu cầu cần đạt, kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế - xã hội, liên quan đến thay đổi địa giới hành chính và chính quyền hai cấp, báo cáo Bộ GD&ĐT xin ý kiến chỉ đạo để sửa chữa.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: “Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành nội dung chỉnh sửa, cập nhật trong chương trình một số môn học như Bộ GD&ĐT đã thông báo ngày 14/6/2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tiến hành sửa chữa sách giáo khoa, trình Bộ GD&ĐT thẩm định thông qua theo đúng quy trình.

dscf9745-1-.jpg
Cô giáo Cao Thị Nguyệt và các học sinh ở Trường THPT Phan Đăng Lưu (xã Yên Thành). Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Nguyên tắc của việc sửa sách giáo khoa là phải bám sát, cập nhật các nội dung về yêu cầu cần đạt, kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế - xã hội… để hạn chế thấp nhất việc sửa chữa nội dung sách. Những phương pháp, kiến thức, đặc biệt phương pháp dạy học của sách giáo khoa được cải thiện theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất đúng định hướng. Nhà xuất bản đã tổ chức biên soạn để tiệm cận chất lượng sách giáo khoa các nước trên thế giới”.

Trong thời gian chờ đợi sách giáo khoa được sửa chữa, cập nhật theo địa giới hành chính và chính quyền hai cấp, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, giáo viên và học sinh sẽ tiếp tục sử dụng sách giáo khoa hiện hành. Bộ GD&ĐT sẽ có chỉ đạo hướng dẫn cụ thể về việc này, tinh thần là các nhà trường, thầy cô giáo sẽ chủ động trong việc điều chỉnh ngữ liệu, nội dung bài học, chủ đề dạy học trên cơ sở phù hợp với thực tiễn địa phương và chính quyền hai cấp.

Ngay sau khi có chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT, Công ty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) đã huy động các Tổng Chủ biên, Chủ biên, tác giả bộ sách giáo khoa Cánh Diều cùng đội ngũ biên tập viên và họa sĩ để rà soát các tên sách giáo khoa cần sửa, lập danh mục các điểm cần điều chỉnh.

Ông Đoàn Văn Ninh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) cho biết: “Chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc rà soát sách giáo khoa, đặc biệt các nội dung về kiến thức, số liệu, địa danh hay những thay đổi hành chính. VEPIC tập trung kiểm tra tính chính xác của kiến thức, sự phù hợp ngôn ngữ và hình ảnh, đảm bảo sách giáo khoa sẽ dễ hiểu và mang tính sư phạm.

Chúng tôi cũng chủ động lắng nghe ý kiến từ giáo viên, phụ huynh và học sinh. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành nội dung chỉnh sửa, VEPIC sẽ lập tức điều chỉnh bộ sách giáo khoa Cánh Diều với cam kết hoàn thiện sách với chất lượng tốt nhất, trình Bộ GD&ĐT thẩm định theo đúng quy trình”, ông Ninh khẳng định.

“Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ nhà trường và giáo viên sử dụng sách giáo khoa hiện hành theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Hiện sách giáo khoa phục vụ cho năm học 2025 - 2026 đang được in và nhập kho để cung cấp cho các nhà trường.

Dự kiến khoảng tháng 7, sẽ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sách giáo khoa cho học sinh, giáo viên trong năm học mới”, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho biết.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/gap-rut-dieu-chinh-chuong-trinh-sua-sach-giao-khoa-sau-sap-nhap-post738348.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/gap-rut-dieu-chinh-chuong-trinh-sua-sach-giao-khoa-sau-sap-nhap-post738348.html

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Gấp rút điều chỉnh chương trình, sửa sách giáo khoa sau sáp nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO